Trong thực tế hầu hết các trường hợp ngộ độc hải sản nặng đều do ăn phải những loài cá biển và hải sản chứa độc tố mạnh. Ngoài ra cũng có một số người bị trúng độc do sờ mó hoặc vô tình chạm vào những loài rắn biển, cá mặt quỉ, mực đốm xanh, ốc cối…
- Cô gái vì miệt mài kiếm tiền trả nợ cho bạn trai mà mạch máu lão hóa như người già 70 tuổi, không thể nói, không đủ sức mặc áo quần
- Cẩn trọng trước 5 “sát thủ” khiến cơ thể lão hóa sớm, phụ nữ nên sửa ngay kẻo già trước tuổi
Ăn hải sản và lặn biển là những thú vui của rất nhiều người trong thời tiết hè nắng nóng. Tuy nhiên, có một số loài hải sản mang nhiều độc tố gây ngộ độc thậm chí tử vong cho người tiếp xúc và ăn phải. Theo số liệu công bố của Viện Hải dương học Nha Trang, 39 loài sinh vật biển có chứa chất độc có khả năng gây chết người tại vùng biển Việt Nam.
Trong số 39 loài sinh vật có chứa chất độc do Viện Hải dương học Nha Trang công bố, có 22 loài cá, một loài mực tuộc, hai loài ốc, ba loài cua, một loài sam và 10 loài rắn biển. Ngoài ra còn có hai loài cá nóc nước ngọt mới được phát hiện ở một số tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, tổng cộng là 41 loài sinh vật độc.
Những loài hải sản độc này có thể gây hại cho con người theo hai cách chính: Một là, qua đường tiêu hoá do ăn các món ăn chế biến; Hai là, qua phản ứng tự vệ của con vật khi ta vô tình chạm vào chúng, bị chúng cắn, chích hoặc phóng tên độc.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, bản chất các độc tố của phần đông các hải sản trên thuộc nhóm chất độc thần kinh, nên khi con người bị nhiễm chất độc này sẽ tác động trực tiếp đến hệ thần kinh và hệ tim mạch gây ra những triệu chứng ngộ độc rất trầm trọng.
Điểm mặt một số các loại hải sản cực độc
Các loài cá nóc
Trong 39 loài sinh vật kể trên có 5 loại cực độc là: Cá nóc răng mỏ chim, cá nóc tro, cá nóc vằn mặt, cá nóc chấm cam, cá nóc chuột vằn mang, trong đó cá nóc chấm cam và cá nóc chuột vằn mang là hai loài độc nhất.
Cá nóc chuột vằn mang (Aronthron immaculatus) thân có dạng hình trứng, vây lưng viền đen, bụng màu trắng… nom không có vẻ gì đáng sợ nhưng trong trứng loài cá này tập trung một lượng chất độc khủng khiếp, cứ 100g trứng có thể giết chết 200 người; hàm lượng độc chất cao xuất hiện từ tháng 4 đến tháng 10.
Sau cá nóc chuột vằn mang, cá nóc chấm cam (Torquigener gallimaculatus) cũng rất đáng sợ, cứ 100g trứng hoặc gan loài cá này có thể giết chết 60 – 70 người.
Các loài cua độc
Cua là một loài hải sản quý, rất được ưa chuộng vì thịt cua rất ngon và bổ. Tuy vậy, có một số loài cua rất độc. Độc tố trong cua có dạng "Saxitonin" nằm trong thịt và trứng, nhiều nhất là trong thịt càng và chân cua. Một người ăn chỉ 0,5g thịt càng cua loại này là có thể ngộ độc dẫn đến tử vong. Viện Hải dương học đưa ra các nhận dạng của một số loài cua độc sau:
Cua mặt quỷ
Loài cua này phần vỏ ngực rộng nhất khoảng gần 90mm, dài khoảng 55mm, có nhiều u lồi dẹt. Cua sống có màu xanh da trời pha xanh lá cây với những nốt màu trắng, nâu và vàng. Ngón các chân kìm có màu nâu đen. Cua mặt quỷ có ở các tỉnh ven biển miền Trung từ Đà Nẵng đến Vũng Tàu, thường gặp ở các rạn cạn, vùng triều thấp.
Cua hạt
Vỏ đầu ngực có dạng nửa vòng tròn, dài nhất khoảng 30mm, rộng nhất khoảng 40mm, được phủ kín bởi các u lồi dạng hạt. Cua sống có màu xanh lá cây đậm hơi vàng, đôi khi màu nâu vàng hoặc hơi đỏ tía. Đốt ngón các chân kìm có màu đen. Loại cua hạt được tìm thấy trên rạn san hô sống, ở độ sâu khoảng 3m, tại Hòn Tầm (Nha Trang).
Cua Phơ-lo-ri-đa
Vỏ đầu ngực gần giống hình elip ngang, dài nhất khoảng 35mm, rộng nhất khoảng 50mm. Mặt lưng của vỏ đầu ngực lồi, láng, khó xác định các vùng. Cua sống có màu xanh da trời nhạt hơi lục, với những vết loang màu đó tía sậm hơi nâu hoặc hơi xanh lá cây trên mặt lưng vỏ đầu ngực. Các ngón chân kìm màu nâu sậm.
Cua phơ-lo-ri-đa sống ở Bãi Dông (Mũi Chụt - Nha Trang), được tìm thấy trên rạn san hô chết, ở mức triều thấp.
Các loài rắn biển độc
Chất độc của rắn biển thuộc dạng "Neurotoxin". Độ độc gấp hàng chục lần rắn độc trên cạn. Một liều làm chết người vào khoảng 4 - 5mg. Độc tố nằm ở túi chứa của răng nanh.
Viện Hải Dương học Nha Trang đã đưa ra cách nhận diện 11 loại rắn biển, gồm:
- Rắn biển Lamberti có màu vàng; Rắn biển đuôi sọc, trên thân có 62 sọc trắng; Rắn biển Melanocephalus, toàn thân màu vàng và những sọc trắng;
- Rắn biển lục, lưng có màu xanh đen, bụng màu trắng;
- Rắn biển khoanh đầu vàng, từ cổ đến đuôi có những khoang vàng trắng, đen, đan xen nhau và là loài rắn biển có kích thước dài nhất;
- Rắn biển cạp nong, toàn thân có những khoang trắng đen đan xen nhau như rắn cạp nong;
- Rắn biển gai, toàn thân có màu vàng đen, vẩy ở bụng có nhiều gai;
- Rắn biển khoanh đuôi đen, trên thân có những khoang vòng nâu đen, đuôi màu đen, thân mảnh và dẹt;
- Rắn biển Acaliptophis, vảy toàn thân màu đen - vàng, phân bố không đồng đều;
- Rắn biển mõm nhọn, toàn thân có màu hơi vàng, mõm nhọn;
- Rắn rầm ri hạt, vảy trên đầu và thân có dạng hạt, thân màu nâu đen với nhiều vòng trắng xen kẽ.
Ốc độc
Ốc là món ăn được nhiều người ưa thích. Song có một số loài ốc khá độc. Chất độc của ốc thuộc dạng "conotoxin", làm tê liệt cơ thể, ức chế hô hấp dẫn đến tử vong.
Ở Việt Nam, loại ốc này sống ở ven biển phía Nam từ Đà Nẵng đến Vũng Tàu và các đảo. Cần chú ý các đặc điểm sau để nhận dạng:
Ốc cối địa lý
Vỏ có dạng hình trứng dài, có thể dài hơn 150mm. Vỏ mỏng, nhẹ, dễ vỡ. Chóp xoắn thấp, có ngấn và viền ngoài tạo thành hình răng cưa. Vỏ có màu trắng hơi xanh chuyển sang hơi tím. Hoa vân của vỏ hình mạng lưới màu nâu và hai hàng vệt lớn màu nâu.
Ốc cối hoa lưới
Vỏ có dạng hình trứng thuôn, dài tối đa 130mm. Vỏ dày, chắc và nặng. Chóp xoắn có dạng hình nón, vòng xoáy đều và láng. Màu sắc của vỏ thay đổi, thường là trắng hơi xanh. Hoa vân màu nâu hơi vàng có hình mạng lưới không đều, điểm những vệt màu nâu lớn.
Bạch tuộc đốm xanh
Kích thước nhỏ, chiều dài thân tối đa không quá 50mm, có 8 tay, có màu kem đến vàng cam. Trên thân và các tay có những vệt hoa dạng vòng màu xanh óng ánh rất đẹp. Đây là loài cực độc. Chất độc của một con nặng 25g đủ giết chết 10 người. Độc tố thuộc dạng "Tetrodotoxin" có trong tuyến nước bọt. Trong thịt và nội tạng cũng có chứa chất độc. Đã có 4 người, trong đó có 1 người Việt Nam bị tử vong vì bạch tuộc xanh.
Loại này thường có ở vùng biển Côn Đảo, Bình Thuận và Khánh Hòa.
So biển
Nhìn bên ngoài, so rất giống với sam nhưng kích thước nhỏ hơn: Dài nhất chỉ khoảng 20 - 25cm (Không kể đuôi). Toàn thân có màu xanh nâu đậm. Đuôi không có gờ mặt lưng (khác với sam). Độc tố nằm trong trứng và thịt. Đã có nhiều trường hợp tử vong do ăn thịt so vì nhầm với con sam. Tại Việt Nam, so sống ở vùng sình lầy ven bờ Vịnh Bắc bộ, miền Trung và Nam bộ.
Độc tố của So biển là Tetrodotoxin (như độc tính của độc tố ở cá nóc), tan trong nước, không bị nhiệt phá huỷ (nấu chín hay phơi khô, sấy, độc chất vẫn tồn tại). Chất độc có thể bị phân huỷ trong môi trường kiềm hay acid mạnh. Chất này cho vào dung dịch HCl (axit Clohydric) 0,2 đến 0,3% sau 8 giờ mới bị phân huỷ; hoặc đun sôi (100oC) thì sau 6 giờ mới giảm được một nửa độc tính; chỉ phá hủy hoàn toàn độc tính phải đun sôi ở 200oC trong 10 phút.
Triệu chứng bị ngộ độc do độc tố của So biển:
- Xuất hiện triệu chứng sau khi ăn từ 30 phút đến 60 phút.
- Triệu chứng chung của các trường hợp ngộ độc là biểu hiện các dấu hiệu về thần kinh như: cảm giác tê môi, miệng, tay, chân và quanh vùng môi miệng; trạng thái thần kinh li bì, lơ mơ; toàn thân biểu hiện mệt; khó thở, huyết áp hạ...