Dậy sớm tốt không, những ai không nên duy trì thói quen này?

Sức khỏe 19/10/2023 08:27

Nhiều người dùng mạng xã hội đang học theo trào lưu “dậy sớm để thành công” nhưng theo các chuyên gia có một số người không nên cố gắng dậy quá sớm vào buổi sáng.

Từ Nữ hoàng truyền hình Mỹ Oprah Winfrey đến CEO tập đoàn công nghệ Apple Tim Cook hay những người thành công nhất thế giới đều cho biết họ dậy sớm để giải quyết công việc.

Cũng từ đây trào lưu “Dậy sớm để thành công” lan rộng trên thế giới. Trên TikTok, hashtag #5amclub (câu lạc bộ 5 giờ sáng) có hàng triệu triệu lượt xem, trong khi hashtag #morningroutine (lịch trình buổi sáng) có gần 25 tỷ lượt xem.

Những người dậy sớm đã liên tục lên mạng xã hội để đăng video quay cảnh họ tập thể dục, tận hưởng thiên nhiên, thiền định, viết nhật ký hoặc ăn bữa sáng tươi ngon.

Dậy sớm tốt không, những ai không nên duy trì thói quen này? - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Những người không nên dậy sớm

Việc bắt đầu buổi sáng bằng những hoạt động cá nhân kể trên nghe có vẻ lành mạnh nhưng để có thêm thời gian không phải là điều dễ dàng, đặc biệt đối với những người có con nhỏ hoặc làm việc nhiều giờ.

Vì vậy, dù tham gia thử thách "dậy sớm để thành công" có thể là một điều tốt nhưng các chuyên gia về giấc ngủ và tâm lý học khuyên mọi người nên xem xét hoàn cảnh cá nhân trước khi tham gia xu hướng này. Nếu bản thân là người không được ngủ đủ giấc vào ban đêm và phải làm nhiều việc khác trong thời gian dùng để ngủ, mọi người không nên thử trào lưu này.

Theo Michael Leiter, nhà tâm lý học người Canada, đồng tác giả cuốn "Thử thách kiệt sức", một ngày điển hình của một người được phân chia giữa công việc, hoạt động giải trí và giấc ngủ.

"Nếu bạn cắt thời gian ngủ để làm những việc bạn thực sự yêu thích hoặc ở bên những người bạn thực sự yêu thương, bạn sẽ đạt được điều gì đó nhưng lại mất đi khả năng phục hồi về thể chất và tâm lý khi bạn ngủ sâu", chuyên gia này nhận định.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, người trưởng thành cần ngủ từ 7 - 8 tiếng một ngày để có cảm giác được nghỉ ngơi hoàn toàn, nhưng 1/3 người Mỹ cho biết họ không ngủ đủ. Việc thiếu ngủ có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Thức dậy quá sớm có thể dẫn đến mức độ cao hơn của cortisol, một loại hormone liên quan đến căng thẳng, trong cơ thể. Những người thức dậy quá sớm dễ bị đau cơ, nhức đầu và cáu kỉnh. Thậm chí, việc thiếu ngủ có thể làm gia tăng nguy cơ trầm cảm.

Thức dậy quá sớm, cũng như thức khuya, có thể dẫn đến ngủ không đủ thời gian và sinh ra các triệu chứng thiếu ngủ. Ngoài tình trạng mệt mỏi, chóng mặt, giảm tập trung… rối loạn chức năng miễn dịch trong thời gian dài còn có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh khác nhau.

Vì vậy, những người có thời gian ngủ ít, hay người lớn tuổi sức khỏe yếu không nên học theo trào lưu "dậy sớm để thành công". Đặc biệt, trong mùa đông, việc dậy sớm và ra khỏi nhà tập thể dục có thể tiềm ẩn nguy cơ gây các bệnh về tim mạch, đột quỵ,...

Dậy sớm tốt không, những ai không nên duy trì thói quen này? - Ảnh 2
Ảnh minh họa.

Làm thế nào để dậy sớm mà vẫn duy trì năng lượng tích cực?

Nếu muốn hình thành thói quen dậy sớm cần tuân theo cùng một lịch trình mỗi ngày.

Ví dụ, một người đi ngủ lúc 10 giờ tối và thức dậy lúc 5 giờ sáng các ngày trong tuần, người đó cũng phải làm điều này vào cuối tuần để nhịp sinh học của cơ thể không bị thay đổi.

Đối với bất kỳ ai có khả năng bị đánh thức vào nửa đêm bởi con cái hoặc nhu cầu đi vệ sinh, chuyên gia về giấc ngủ James Maas khuyên người này nên lập kế hoạch thêm thời gian ngủ bù.

Maas nói: "Nếu bạn tỉnh giấc trong 20 phút, có thể sẽ phải mất tới 90 phút (1 chu kỳ giấc ngủ chuyển động mắt nhanh) để bạn quay lại giấc ngủ".

Ngoài ra, theo chuyên gia Maas, nếu việc dậy sớm khiến mọi người thấy mệt mỏi, ngủ trưa sẽ bổ sung năng lượng thể chất và tinh thần. Tuy nhiên, ông khuyên nên hạn chế thời gian ngủ trưa dưới 30 phút.

Chế độ ăn uống cũng ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ. Alex Oskian, một chuyên gia dinh dưỡng và là chuyên gia về sức mạnh người Mỹ, cho biết: "Một bữa sáng tập trung vào các loại thực phẩm nguyên chất có chứa sự cân bằng giữa carbs, protein và chất béo sẽ thực sự giúp tạo nên tinh thần cho cả ngày. Bạn bắt đầu không chỉ với năng lượng thể chất mà còn cả năng lượng tinh thần, điều này cực kỳ quan trọng nếu bạn là một người bận rộn".

Oskian khuyên cứ 3 - 5 tiếng nên ăn một lần. Ngoài ra, mọi người cũng cần uống nhiều nước và vận động thể chất liên tục từ bình minh cho đến hoàng hôn để cơ thể năng động và tràn đầy năng lượng.

 (Theo Huffpost)

Chuyên gia Mỹ cảnh báo thói quen xấu buổi sáng nhiều người mắc có thể khiến đường huyết tăng vọt

Chuyên gia dinh dưỡng cho biết thói quen ăn uống có thể là ‘chìa khóa’ để cân bằng lượng đường trong máu suốt cả ngày.

TIN MỚI NHẤT