Chuyên gia nhận định, Bộ Y tế cần xem xét phương án sử dụng vắc xin Pfizer chích ngừa mũi thứ hai cho người dân trong bối cảnh vắc xin Moderna đã hết hàng.
- 20 bệnh nhân ở Đắk Lắk tái dương tính SARS-CoV-2, lo ngại có trường hợp lây bệnh cho người khác
- Tiêm đủ 2 mũi vắc xin đã đủ an toàn để đi lại? Chuyên gia phân tích điều mọi người cần phải biết
Những ngày qua, nhiều người dân tại TP.HCM khá lo lắng khi các cơ sở tiêm chủng liên tục báo hết vaccine Moderna dù họ đã đến hạn tiêm mũi 2. Trong khi ngành y tế TP.HCM đang tìm các phương án giải quyết thì các chuyên gia y tế cho rằng, có thể thực hiện ngay việc thay thế vaccine khác để tiêm mũi 2 cho người dân nhằm tăng độ bao phủ vaccine, sớm đạt hiệu quả bảo vệ tốt nhất. Đáng chú ý trong đó là nội dung chích vaccine Pfizer thay mũi 2 Moderna.
Chia sẻ với Zing, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng Đơn vị tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết, theo CDC Mỹ, việc tiêm trộn 2 loại vaccine mRNA (Moderna và Pfizer hoặc ngược lại) có thể khả thi trong những tình huống bất khả kháng:
Tình huống thứ nhất, nếu vaccine mRNA liều đầu tiên không thể xác định được đã tiêm loại nào, liều thứ 2 có thể dùng bất kỳ vaccine mRNA với khoảng cách tối thiểu 28 ngày giữa hai liều tiêm.
Tình huống thứ 2 đó là tạm thời không có cùng loại vaccine mRNA, tốt hơn nên trì hoãn liều thứ hai để người được tiêm chủng nhận cùng loại vaccine hơn là phối hợp vaccine khác loại.
Nếu buộc phải tiêm phối hợp hai vaccine mRNA Covid-19 khác nhau trong những trường hợp bất khả kháng nêu trên, sau khi hoàn tất 2 mũi tiêm thì không cần bổ sung liều nào của vaccine mRNA nữa.
Những người được tiêm chủng xem như đã được bảo vệ (sau 2 tuần tiêm mũi thứ hai) và hoàn thành lịch tiêm vaccine Covid-19.
Một số quốc gia như Canada, Anh, Mỹ hiện nay có những khuyến cáo về việc có thể tiêm theo lịch mũi 1 là vaccine Moderna và mũi 2 là Pfizer (hoặc ngược lại) khi không có loại vaccine sẵn có. Và cho đến nay không ghi nhận biến cố bất lợi sau tiêm chủng nghiêm trọng nào của việc tiêm phối hợp 2 vaccine này.
Liên quan đến vấn đề này, báo Tiền Phong cũng dẫn lời chuyên gia bệnh truyền nhiễm Trương Hữu Khanh cho biết: “Không riêng ở Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới đã đối mặt với tình trạng thiếu vaccine, trong đó có Moderna. Để kịp thời chích ngừa bảo vệ người dân, các nước đã thực hiện việc tiêm trộn mũi thứ nhất tiêm vaccine Moderna, mũi thứ hai tiêm Pfizer. Bộ Y tế cần cập nhật nhanh những phương án các quốc gia khác đã thực hiện để ứng biến trong tình trạng khan hiếm Moderna hiện nay, cần dùng vaccine Pfizer để chích ngừa ngay mũi thứ hai cho những người đã chích mũi thứ nhất bằng Moderna.
Các quốc gia khác đã chích Pfizer với Moderna hai loại này có cùng công nghệ, nguyên nhân chính Việt Nam chưa cho chích trộn là cho chúng ta chậm cập nhật. Bây giờ không nên chờ nghiên cứu nữa mà cần áp dụng những phương án hiệu quả, an toàn đã được các quốc gia thực hiện trước”.
Cũng theo nguồn tin trên, tổng số mũi vaccine đã triển khai tiêm đến ngày 5/9 tại TPHCM là 6.553.548 (tăng 108.722 mũi so với ngày 4/9). Trong đó, tổng số mũi 1 là 6.054.992, mũi 2 là 498.556, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 700.519.