Sự khác biệt về dấu ấn sinh học cho thấy rằng gen và lối sống cũng có thể đóng một vai trò nào đó đến tuổi thọ con người.
- Sau tuổi 60 nhất định phải thực hiện bài tập này đều đặn mỗi ngày, để làm giảm trầm cảm, kiểm soát huyết áp và giúp sống thọ
- Một thói quen chỉ 5 phút/ngày nhưng đã tạo nên cộng đồng người Nhật trường thọ, kéo dài hơn 1 thế kỉ qua
Mới đây, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy sự liên quan mới của "mạch máu" tới tuổi thọ con người. Nghiên cứu mới tiết lộ rằng máu của những người sống hơn 100 tuổi có những điểm tương đồng nhất định. Cụ thể là họ có hàm lượng ba hợp chất quan trọng thấp hơn thời trẻ.
Đồng tác giả, Tiến sĩ Karin Modig, phó giáo sư tại Viện Karolinska của Thụy Điển, đăng tải bài báo của mình trên tờ The Conversation: “Những người sống đến sinh nhật thứ 100 có xu hướng có lượng glucose, creatinine và axit uric thấp hơn từ độ tuổi 60 trở đi".
Tiến sĩ Karin Modig cho biết: “Rất ít người trên 100 tuổi có mức đường huyết trên 6,5 mmol/L khi còn sống hoặc mức creatinine trên 125 mmol/L”.
Mức creatinine cao có thể chỉ ra các vấn đề về thận và axit uric có liên quan đến tình trạng viêm. Nồng độ glucose (hoặc lượng đường trong máu) cao có thể dẫn đến bệnh tiểu đường.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí nghiên cứu GeroScience, bao gồm dữ liệu từ 44.000 người ở Thụy Điển – sinh từ năm 1893 đến 1920 – những người đã được đánh giá sức khỏe ở độ tuổi từ 64 đến 99.
Sau đó, các nhà nghiên cứu đã theo dõi những người này trong suốt 35 năm. Hơn 1.224 người trong số họ (2,7%) sống đến 100 tuổi. Điều thú vị là đại đa số (85%) những người sống đến 100 tuổi là nữ.
Ngoài axit uric, glucose và creatinine, các nhà nghiên cứu còn xem xét mức cholesterol toàn phần và sắt. Theo tiến sĩ Karin Modig: “Những người ở mức thấp nhất trong 5 nhóm về mức cholesterol toàn phần và chất sắt có cơ hội sống tới 100 tuổi thấp hơn so với những người có mức cao hơn”.
Nghiên cứu không đưa ra khuyến nghị cụ thể về lối sống mà chỉ ra một số yếu tố và dấu ấn sinh học trong máu có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ.
Tiến sĩ Karin Modig cho biết: “Thật hợp lý khi nghĩ rằng các yếu tố như dinh dưỡng và uống rượu đóng một vai trò nào đó. Theo dõi các chỉ số về thận, gan, cũng như lượng glucose và axit uric khi già đi, có lẽ không phải là một ý tưởng tồi".
Tuy nhiên, tiến sĩ nói thêm, có rất nhiều trường hợp liên quan đến việc sống thọ chỉ đơn giản là sự may mắn: “Cơ hội có thể đóng một vai trò nào đó trong việc đạt tới một độ tuổi đặc biệt. Nhưng thực tế là sự khác biệt về dấu ấn sinh học được quan sát một thời gian dài trước khi chết cho thấy rằng gen và lối sống cũng có thể đóng một vai trò nào đó".