Cắt nguyên túi mật chứa 30 viên sỏi ở cụ bà 84 tuổi: Dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh bị bỏ qua

Sức khỏe 21/06/2022 22:29

Cụ bà 84 tuổi, mắc bệnh sỏi mật hơn 7 năm qua, vừa phải phẫu thuật cắt bỏ túi mật có chứa 30 viên sỏi.

Gần chục năm nay, bà Bùi Thị Ven (84 tuổi, quê Thái Bình) cảm thấy sức khỏe dần kém đi. Bà bắt đầu với dấu hiệu ăn ngủ kém, thỉnh thoảng còn xuất hiện cơn đau âm ỉ vùng thượng vị. 7 năm trước, bà Ven đã đi khám sức khỏe, được biết bản thân có sỏi túi mật. Tuy nhiên, thời gian đó, kích thước sỏi còn nhỏ, số lượng chỉ có một viên nên bà không để ý.

Cắt nguyên túi mật chứa 30 viên sỏi ở cụ bà 84 tuổi: Dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh bị bỏ qua - Ảnh 1
Sỏi thận. Ảnh: Tổ quốc

Bẵng đi nhiều năm, gần đây, bà Ven ngày càng chán ăn, mệt mỏi, những cơn đau vùng thượng vị - hạ sườn phải ngày một tăng. Bà Ven đã đi thăm khám và phát hiện túi mật có nhiều sỏi. Dựa theo các kinh nghiệm dân gian được nhiều người mách, bà tìm đến một số bài thuốc nam nhưng uống mãi mà cơn đau vẫn không giảm, thậm chí còn diễn ra với tần suất dày đặc, kèm theo tình trạng nước tiểu ngả màu sậm. Gia đình lập tức đưa bà nhập viện, kiểm tra.

Ngày 9/6, bà được gia đình đưa đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc. Kết quả khám lâm sàng cho thấy bệnh nhân có túi mật phồng to với đường kính ngang lên đến 60mm (đường kính bình thường dưới 40mm) chứa đầy sỏi kích thước rất lớn (10-20mm/viên), thành túi mật xơ dày, thâm nhiễm xung quanh túi mật. Đánh giá chức năng túi mật cho thấy túi mật đã không còn khả năng co bóp, tiết dịch mật từ lâu. Chẩn đoán xác định bệnh nhân bị viêm túi mật do sỏi túi mật, các bác sĩ chỉ định nội soi cắt túi mật.

Cắt nguyên túi mật chứa 30 viên sỏi ở cụ bà 84 tuổi: Dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh bị bỏ qua - Ảnh 2
Bệnh nhân bị sỏi thận. Ảnh minh họa: Tổ quốc

TS. BSCK II Phạm Văn Cường, Khoa Ngoại, Bệnh viện Hồng Ngọc, cho biết do bệnh nhân tuổi cao (84 tuổi) trên nền sức khỏe kém với nhiều bệnh lý đang điều trị như tăng huyết áp, đái tháo đường type II và có tiền sử suy tim với SPO2 93% (thấp hơn mức trung bình là 98-99%) làm tăng các nguy cơ biến chứng trong và sau phẫu thuật, đặc biệt là ở khâu gây mê và đặt nội khí quản, chỉ một sơ xuất nhỏ cũng có thể dẫn đến tai biến thiếu máu cơ tim cục bộ.

"Bên cạnh việc đánh giá tỉ mỉ trước mổ, bác sĩ cần chọn kỹ thuật phù hợp tình trạng bệnh nhân và chăm sóc chu đáo sau mổ để giảm thiểu các rối loạn sinh lý", bác sĩ Cường giải thích.

Đặc biệt, khâu chuẩn bị tâm lý cho gia đình cũng vô cùng quan trọng. Do bệnh nhân tuổi cao sức yếu, các bác sĩ phải giải thích cặn kẽ về tình trạng của bệnh nhân, phân tích hậu quả nếu tình trạng viêm kéo dài và không được kiểm soát sẽ gây hoại tử, thủng túi mật dẫn đến sốc, viêm phúc mạc và nhiễm trùng huyết với tỷ lệ tử vong khoảng 65%.

Được sự đồng thuận của gia đình, ca phẫu thuật nhanh chóng được tiến hành và kết thúc thành công sau 3 giờ phẫu thuật, cứu bệnh nhân thoát khỏi nguy hiểm. Sau phẫu thuật, mọi chỉ số sinh tồn và chức năng sống của bệnh nhân đều ổn định.

Ngày 17/6, 8 ngày sau phẫu thuật, bà Ven được xuất viện trong tình trạng khỏe mạnh. "Tôi bị đau đã 7 năm. Sai lầm là cứ để lâu và nghĩ dần dần sẽ khỏi. Đến lúc nó viêm và tích tụ nhiều sỏi quá, làm mình đau đớn và còn gặp nguy hiểm", bà Ven cho hay.

Cách phòng ngừa sỏi mật

Theo các bác sĩ, sỏi mật là bệnh lý khá phổ biến ở đường tiêu hóa. Bệnh không chỉ gây đau đớn, khó chịu cho người bệnh mà còn có thể biến chứng thành nhiều bệnh nguy hiểm, thậm chí gây ung thư.

Nữ giới có nguy cơ mắc bệnh sỏi mật cao hơn nhiều so với nam giới. Với những phụ nữ ở tuổi 75, tỷ lệ mắc bệnh sỏi mật tăng lên 50%. Nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi mật ở nữ giới là do estrogen – nội tiết tố nữ kích thích gan loại bỏ cholesterol từ máu vào dịch mật. Quá nhiều cholesterol trong dịch mật được cho là nguyên nhân gây sỏi cholesterol túi mật.

Ngoài ra, bất cứ ai cũng có thể bị sỏi mật. Tuy nhiên, những đối tượng dễ mắc bệnh sỏi mật là: Người lười vận động; Người có chế độ ăn nhiều chất béo, dầu mỡ và ít chất xơ; Thừa cân, béo phì; Người mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, mắc các bệnh rối loạn máu; Người có tiền sử gia đình mắc sỏi mật; Người mắc các bệnh về gan như viêm gan, xơ gan; Người giảm cân nhanh.

Sỏi mật không chỉ gây khó chịu, đau đớn cho người bệnh mà nó còn có thể gây những biến chứng nguy hiểm, đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân.

Để phòng ngừa bệnh lý này, mỗi người nên có chế độ ăn lành mạnh:

- Mỗi ngày, hãy ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau, ngũ cốc.

- Không bỏ bữa: Ăn uống điều độ, đúng giờ là thói quen tốt nhất cho sức khỏe.

- Giảm cân từ từ: Nếu bạn đang muốn giảm cân, phải nhớ rằng phải giảm một cách từ từ, không được vội vàng vì sự thay đổi cân nặng quá nhanh có thể là nguyên nhân gây sỏi mật.

- Duy trì cân nặng ở mức độ vừa phải: Béo phì, thừa cân làm tăng nguy cơ mắc sỏi thận. Hơn nữa, người béo phì giảm cân nhanh quá cũng dễ bị sỏi mật. Chính vì vậy, hãy duy trì cân nặng ổn định, đồng thời tăng rèn luyện thể chất để bảo vệ sức khỏe của chính bạn.

 

Ngày 21/6, Việt Nam ghi nhận 748 trường hợp nhiễm COVID-19, tăng 228 ca so với ngày trước đó

Tính từ 16h ngày 20/6 đến 16h ngày 21/6, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 748 ca nhiễm mới, trong đó 0 ca nhập cảnh và 748 ca ghi nhận trong nước.

TIN MỚI NHẤT