Rối loạn tiêu hóa là bệnh thường gặp mùa hè ở mọi lứa tuổi, gây ảnh hưởng đến hoạt động tiêu hóa thức ăn, sức khỏe của người bệnh.
- Không ít vụ nhập viện trẻ do ngộ độc: Vì sao ngộ độc thực phẩm tăng cao vào mùa nắng nóng?
- Những vụ ngộ độc botulinum nặng phải sử dụng thuốc giá hàng nghìn USD cực hiếm và đắt đỏ
Mùa hè là thời điểm chúng ta dễ mắc các bệnh lý về đường tiêu hóa, đặc biệt là rối loạn tiêu hóa. Bệnh gây ra nhiều khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt, công việc của bệnh nhân. Vậy các bệnh lý tiêu hóa thường gặp trong mùa hè là gì? Nguyên nhân do đâu? Cách phòng tránh như thế nào? Hãy cùng BS nội trú Trần Hữu Ngọc, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương - Tuyên Quang tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Các bệnh tiêu hóa thường gặp trong mùa hè
1. Tiêu chảy cấp do nhiễm khuẩn E.coli
Chúng ta có thể bị nhiễm E.coli và tiêu chảy cấp khi ăn phải các thực phẩm bị nhiễm khuẩn E.coli như: thịt trâu, bò, dê, cừu, sữa bò, rau quả do nhiễm phân của gia súc hoặc người đang mang bệnh...
Loại vi khuẩn này có thể lây trực tiếp từ người sang người qua các đường như: Bàn tay, đồ vật nhiễm bẩn với phân của người bệnh hay đường phân - miệng. Có nhiều trường hợp nhiễm khuẩn E.Coli do lây truyền qua đường nước bằng cách tiếp xúc với nguồn nước ăn uống, sinh hoạt hoặc tại các bể bơi chứa vi khuẩn có khả năng gây bệnh.
Đây là loại vi khuẩn có thể xảy ra ở cả người lớn, trẻ nhỏ và người cao tuổi. Tuy nhiên, đối tượng dễ bị rối loạn tiêu hóa mùa hè nhất là trẻ dưới 5 tuổi.
Thời gian ủ bệnh của vi khuẩn E.coli từ 2-10 ngày, khoảng thời gian trung bình vào 3-4 ngày. Đối với người lớn thì vi khuẩn sẽ đào thải trong phân khoảng 1 tuần, còn trẻ em cần thời gian lâu hơn khoảng 3 tuần để đào thải mầm bệnh ra ngoài. Triệu chứng bệnh xảy ra như đau quặn bụng, tiêu chảy cấp và thậm chí nhiều trường hợp bị sốt, nôn và phân có máu. Nếu tình trạng bệnh kéo dài 10 ngày thì sẽ gây ra một số rối loạn nặng nề hơn như: tan máu, suy thận cấp, tăng urê huyết, đây chính là những nguyên nhân làm tăng nguy cơ tử vong ở trẻ nhỏ và người cao tuổi.
2. Ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Salmonella
Tình trạng nhiễm khuẩn tiêu hóa do thức ăn bị ô nhiễm bởi vi khuẩn gây bệnh là tình trạng hay gặp trong mùa hè. Đối với tình trạng này điển hình là ngộ độc thức ăn do Salmonella. Nguồn gây ra bệnh chính từ gia súc bởi vi khuẩn Salmonella có trong phân và nước tiểu của các loại động vật, gia súc như: Lợn, gà, vịt, chim, chuột, mèo, chó... Vi khuẩn này còn xuất hiện trong trai, sò, hến...
Ngoài ra, khi người lành mang vi khuẩn hoặc người bệnh đang phục hồi cũng có thể lây bệnh cho người khác. Đây là bệnh có tính lây truyền qua đường tiêu hóa khi ăn phải thức ăn có nguồn gốc động vật bị ô nhiễm như thịt, thịt tái, trứng, sữa, hến, trai nấu chưa chín kỹ...
Đối tượng dễ mắc bệnh thường là người cao tuổi, suy giảm sức đề kháng, trẻ nhỏ có hệ miễn dịch chưa phát triển toàn diện.
Khuẩn Salmonella có thời gian khởi phát nhanh, chỉ từ 12-36 giờ là đã khởi phát dấu hiệu đột ngột. Người mắc bệnh vừa và nặng có biểu hiện là sốt cao từ 38 đến 40 độ, có cơn rét run, đau đầu, bị đau mỏi cơ khớp, đau bụng vùng thượng vị và quanh rốn, buồn nôn, nôn, đi ngoài nhiều lần trong ngày gây mất nước điện giải, bụng trướng, chân tay lạnh,... Người mắc bệnh nhẹ có thể không sốt, đại tiện phân lỏng vài lần, bụng hơi đau.
Các bệnh lý tiêu hóa do nhiễm khuẩn có thể tự khỏi sau 2-3 ngày nếu cơ thể chúng ta khỏe mạnh, có hệ miễn dịch tốt. Tuy nhiên tình trạng đi ngoài phân lỏng có thể kéo dài tới 1 tuần và thậm chí gây nguy cơ tử vong đối với những trẻ nhỏ bị suy dinh dưỡng, người già yếu do mất nước điện giải hoặc nhiễm khuẩn huyết.
3. Đầy hơi, chướng bụng
Đầy hơi, chướng bụng là rối loạn tiêu hóa thường gặp do ăn quá nhiều chất đạm, bột đường, dầu mỡ, thức ăn khi không được tiêu hóa hết sẽ tồn đọng lâu trong ống tiêu hóa.
Ngoài ra các loại đồ ăn cay nóng, uống nhiều rượu bia, cà phê, sử dụng chất kích thích hoặc do thói quen ăn uống quá nhanh, nhai không kỹ, ăn xong đi nằm ngay có thể khiến lợi khuẩn của đường ruột bị quá tải, không kịp xử lý hết thức ăn. Đây là nguyên nhân gây ra chứng đầy hơi, chướng bụng và khó tiêu.
Cách phòng tránh các bệnh tiêu hóa thường gặp trong mùa hè
Để phòng ngừa rối loạn tiêu hóa nói riêng và các vấn đề khác liên quan đến tiêu hóa nói chung, mỗi người cần xây dựng cho mình một lối sống khoa học đặc biệt là chế độ ăn uống.
- Ăn uống đủ chất, thực hiện tốt việc ăn chín uống sôi, hạn chế các loại đồ ăn chế biến sẵn, các đồ tái, nộm, gỏi, đồ ăn không được bảo quản đúng cách…
- Nên sử dụng hết thực phẩm trong ngày, thực phẩm chưa dùng hết phải được bảo quản đúng cách trong tủ lạnh hoặc màng bọc thực phẩm, tốt nhất không nên để quá lâu.
- Đối với người thường xuyên táo bón cần bổ sung nhiều chất xơ, các loại rau củ quả tươi và rau xanh như: Chuối, dứa, khoai lang, rau cải xoăn, mồng tơi… ăn sữa chua và uống nhiều nước để hỗ trợ quá trình đào thải của cơ thể.
- Hạn chế sử dụng các thức uống có cồn.
- Bổ sung men vi sinh, bổ sung lợi khuẩn tốt cho đường ruột.
- Tập thói quen đi vệ sinh khoa học, mỗi ngày đều nên đi vệ sinh 1 lần vào cùng một thời điểm.
- Bổ sung các vitamin và khoáng chất, nâng cao sức đề kháng chống các tác nhân sinh vật gây nên chứng rối loạn tiêu hóa.