Bạn thường xuyên thấy cơ thể mình nổi mụn nhọt, đặc biệt vào những mùa nóng? Để giúp cải thiện các triệu chứng, ngoài việc điều trị bên ngoài bằng những loại thuốc bôi, bạn cần phải hết sức lưu ý đến chế độ ăn của bản thân. Vậy khi bị mụn nhọt kiêng ăn gì và nên ăn gì? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đến bạn những thông tin hữu ích về tình trạng mụn nhọt và cách xử lý.
- Cách nấu nước chanh sả gừng đúng khoa học phòng chống COVID-19
- Đừng chỉ rửa bằng nước, muốn loại sạch độc tố có trong súp lơ bạn đừng quên cho thêm thứ này
1. Vì sao bị mụn nhọt?
Mụn nhọt là tình trạng nhiễm trùng ở các nang lông do vi khuẩn tấn công. Khi mới bị, dấu hiệu thường chỉ là một nốt nhỏ màu đỏ trên da sau đó sưng viêm đỏ; lớn dần sau vài ngày gây đau đớn và khó chịu. Mụn nhọt có thể xuất hiện mọi nơi trên cơ thể, nhưng phần lớn thường thấy trên đầu, mặt, lưng, mông và đùi.
Nguyên nhân xuất hiện các nốt mụn nhọt là do một số tác động bên ngoài làm da bị tổn thương như: cạo râu, chà xát, gãi, mồ hôi ra nhiều, dùng các sản phẩm vệ sinh cơ thể có chất tẩy rửa mạnh, ăn nhiều đồ quá nóng, quá mặn… Ngoài ra, còn do một số bệnh như: béo phì, tiểu đường, viêm da cơ địa… Từ đó, tạo điều kiện cho một loại vi khuẩn, gọi là tụ cầu, xuất hiện và xâm nhập vào cơ thể qua những tổn thương ngoài da như vết xước nhỏ, vết cắt trên da hoặc các nang lông gây viêm nhiễm.
Ngoài ra, không thể không kể đến nguyên nhân từ yếu tố nội tiết gây ra mụn nhọt trên cơ thể, vệ sinh cá nhân chưa sạch sẽ, dùng sản phẩm dành cho vùng kín chưa thích hợp hay do mặc quần áo quá chật gây nên.
*Nhọt có giống mụn không?
PGS, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thường, giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho hay, mụn và nhọt là hai bệnh lý khác nhau. Tuy nhiên nhiều người thường nhầm lẫn cho rằng hai bệnh là một và lơ là việc điều trị hoặc tự ý xử lý tại nhà, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Nhọt là những khối viêm cấp tính do liên cầu, tụ cầu, có khối trắng ở giữa (mủ). Nhọt có thể gặp ở bất cứ người nào, song vẫn hay gặp nhất ở trẻ em, người già, người có cơ địa nhạy cảm, sức đề kháng kém. Đánh giá về mức độ nguy hiểm thì nhọt nguy hiểm hơn rất nhiều.
Vi trùng gây nên nhọt dễ dẫn tới nhiễm trùng huyết, ảnh hưởng đến tính mạng với các biểu hiện thường thấy như mất ý thức, hôn mê, sốt cao, nói sảng….
Riêng mụn cũng có những bọc mủ nhưng thường là bệnh mãn tính, ít nguy hiểm hơn. Tuy nhiên, không một số ít trường hợp mụn bị nhiễm trùng, bội nhiễm thành nhọt. Điều này dễ xảy ra nhất trong quá trình nặn mụn không cẩn thận. Ngoài ra, nhọt có thể lây lan sang các vùng da xung quanh hoặc người khác nếu nặn, gãi hoặc chạm vào chỗ bị nhiễm trùng; mặc quần áo, sử dụng khăn hoặc drap giường mà người bị nhiễm trùng da đã sử dụng,…
2. Bị mụn nhọt nên kiêng ăn gì?
2.1. Các loại ngũ cốc và đường tinh luyện
Những người bị mụn nhọt có xu hướng tiêu thụ nhiều carbohydrate tinh chế hơn những người khác. Những loại thực phẩm giàu carbohydrate tinh chế bao gồm:
- Bánh mì, bánh quy giòn, ngũ cốc hoặc món tráng miệng làm bằng bột mì trắng
- Nui (pasta) làm bằng bột mì trắng
- Gạo trắng và mì gạo
- Soda và đồ uống đóng chai có đường
- Chất tạo ngọt như đường mía, siro, mật ong hoặc agave
Theo nhiều nghiên cứu, những người thường xuyên ăn đồ ngọt hoặc chế độ ăn nhiều tinh bột trắng có nguy cơ bị mụn cao hơn từ 20-30%. Khi carbohydrate được hấp thụ vào máu, lượng đường trong máu sẽ tăng nhanh chóng; nồng độ insulin cũng đồng thời tăng để đào thải đường ra khỏi máu. Tuy nhiên, mức độ insulin cao lại kích thích nội tiết tố androgen hoạt động mạnh hơn, làm các tế bào da phát triển nhanh hơn và “tích cực” tiết bã nhờn.
Vậy thì bị mụn nhọt ăn xôi được không? Câu trả lời là không. Dựa vào những thông tin ở trên, chúng ta hoàn toàn có đủ cơ sở để chắc chắn rằng xôi cũng có khả năng gây mụn, vì xôi chủ yếu nấu bằng gạo nếp, một loại gạo trắng.
2.2. Sản phẩm từ sữa
Cuộc tranh cãi về việc sữa, các sản phẩm chứa sữa gây mụn nhọt diễn ra từ rất lâu, tuy nhiên lại chưa có bất kỳ thông báo rõ ràng nào về kết quả. Mặc dù đã thực hiện nhiều nghiên cứu nhưng chưa một nhà khoa học nào chắc chắn 100% rằng sữa gây ra mụn. Tuy nhiên, theo thực tế, nhiều người nói rằng tình trạng mụn nhọt ở họ nặng hơn khi khẩu phần ăn hàng ngày có sữa; nhưng khi dừng hấp thụ sữa thì làn da lại ổn định và không còn phải đau đầu vì mụn nhọt nữa.
Sữa làm tăng nồng độ insulin, và cũng như khi hấp thụ nhiều carbohydrate.Đặc biệt, trong sữa bò có chứa các axit amin kích thích gan sản sinh nhiều IGF-1 hơn, làm tăng phát triển của mụn trứng cá.
2.3. Thức ăn nhanh
Nếu bạn thắc mắc bị mụn nhọt kiêng ăn gì, thì thức ăn nhanh (fast-food) sẽ là câu trả lời đầu tiên. Tình trạng mụn nhọt được cho là liên quan chặt chẽ đến chế độ ăn kiểu phương Tây, mà trong đó những loại thức ăn nhanh, thường nhiều dầu mỡ, giàu carbohydrate tinh chế và chất béo, chiếm phần chính.
Theo một nghiên cứu thực hiện tại Trung Quốc, trong 5.000 thanh thiếu niên tham gia, những người có chế độ ăn nhiều thức ăn nhanh thì nguy cơ phát triển mụn lên tới 43%, nhiều hơn hẳn số còn lại. Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng thức ăn nhanh ảnh hưởng đến biểu hiện gen và thay đổi hooc-môn, từ đó làm mụn nhọt mọc nhiều hơn.
2.4. Thực phẩm giàu chất béo Omega-6
Chế độ ăn uống chứa nhiều axit béo Omega-6, như ngô, dầu đậu nành,... làm tăng tình trạng viêm của cơ thể, từ đó khiến tình trạng mụn nhọt trở nên nghiêm trọng hơn. Mặc dù vậy, đây vẫn là loại chất có phần lợi nhiều hơn đối với sức khỏe. Bạn hãy cân nhắc và điều chỉnh chế độ ăn sao cho hợp lý, không nhất thiết phải kiêng hoàn toàn.
2.5. Sô-cô-la
Theo những nghiên cứu gần nhất, việc ăn sô-cô-la làm tăng phản ứng của hệ miễn dịch với vi khuẩn gây mụn, khiến tình trạng trở nên trầm trọng hơn. Ngoài ra, một nghiên cứu khác cũng cho thấy, nam giới dễ bị mụn nhọt hơn khi ăn 25 gram sô-cô-la đen 99% mỗi ngày, tăng lượng mụn lên đáng kể chỉ sau 2 tuần.
2.6. Whey protein
Đây là một loại thực phẩm rất quen thuộc với các vận động viên, người đang trong chế độ tập luyện đặc biệt. Whey protein là một chất bổ sung phổ biến trong các chế độ ăn kiêng, chứa nhiều axit amin leucine và glutamine, khiến các tế bào da phát triển và phân chia nhanh hơn, góp phần hình thành mụn nhọt.
Ngoài ra, các axit amin trong whey protein cũng có thể kích thích cơ thể sản xuất insulin nhiều hơn, liên quan đến sự phát triển các loại mụn khác.
3. Bị mụn nhọt nên làm gì?
Nếu tình trạng mụn nhọt mới chỉ bắt đầu chớm và ít, bạn hoàn toàn có thể tự điều trị ở nhà bằng việc thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt. Để việc điều trị mụn nhọt được hiệu quả và nhanh chóng, chúng ta cần phải lưu ý đến vệ sinh cá nhân và chế độ sinh hoạt hằng ngày. Khi đã biết bị mụn nhọt kiêng ăn gì, bạn nên thường xuyên ăn các loại thực phẩm có công dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, mát gan như:
- Các loại rau xanh: rau má, rau cần, rau dền, rau lang, rau bồ ngót, rau mồng tơi, rau cải xanh, bông atiso hoặc phần lớn các loại rau xanh khác đều có tính mát giúp thanh nhiệt, mát cơ thể, không chỉ giúp trị mụn nhọt mà còn giúp nhuận tràng.
- Đậu xanh: Bạn có thể chế biến đậu xanh kết hợp với nha đam để nấu chè đậu xanh nha đam giúp thanh nhiệt, giải độc, tiêu mủ do ung nhọt rất tốt. Nếu bạn thắc mắc bị mụn nhọt nên đắp lá gì, thì bạn hoàn toàn có thể áp dụng với đậu xanh. Bạn giã vài hạt đậu xanh tươi rồi đắp với vùng da có mụn nhọt cũng có hiệu quả cao.
- Trà xanh, hoa cúc: Pha nước trà xanh, trà hoa cúc, trà thảo dược để uống hàng ngày, không chỉ giúp đẹp da mà còn ngăn ngừa và triệt tiêu các loại mụn như mụn trứng cá, mụn mủ, mụn nhọt….
- Các loại củ quả và trái cây: Dưa chuột, bí đao, khổ qua, dưa hấu, đu đủ, cam, chanh, bưởi, dâu tây, kiwi… đều là những loại củ quả giàu vitamin C, giúp tăng cường sức đề kháng, sáng da và giải độc tố trong cơ thể rất hiệu quả.
- Thực phẩm chứa nhiều kẽm: Thực phẩm chứa nhiều kẽm mà người bị mụn nhọt nên bổ sung như hải sản, ngũ cốc, trứng, nấm; giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể, đồng thời cũng giúp ngăn ngừa và điều trị mụn rất hiệu quả.
- Ăn nhiều cá: So với thịt nói chung, cá có chứa nhiều chất béo Omega 3 và axit béo nên rất tốt cho da cũng như sức khỏe, giúp ngăn ngừa được các loại mụn hiệu quả như mụn nhọt, mụn bọc, mụn trứng cá.
Bên cạnh việc bổ sung những thức ăn trên, để giúp việc điều mụn nhọt cải thiện nhanh thì bạn nên uống nhiều nước để thanh lọc và đào thải độc tố trong cơ thể ra ngoài, giúp điều hòa quá trình trao đổi chất và lưu thông máu.
*Gợi ý chế độ ăn dành cho người điều trị mụn nhọt:
- Chế độ ăn kiêng theo kiểu Paleolithic: Chế độ ăn kiêng Paleo rất giàu thịt nạc, trái cây, rau và các loại hạt, kèm với giảm lượng ngũ cốc, sữa và các loại đậu. Chế độ này giúp có giảm lượng đường trong máu và insulin.
- Chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải: Chế độ ăn Địa Trung Hải bao gồm trái cây, rau, ngũ cốc, các loại đậu, cá, dầu ô liu, giảm chất béo trong sữa và chất béo bão hòa. Nó cũng làm giảm mức độ nghiêm trọng của mụn nhọt.
Với tất cả những thông tin trên đây, mong rằng những quý độc giả đã nắm rõ khi bị mụn nhọt kiêng ăn gì và nên ăn gì. Phần lớn lý do gây ra mụn nhọt đều từ bên trong cơ thể, vì thế chế độ ăn là vô cùng quan trọng nếu bạn muốn cải thiện.