Bệnh cúm mùa tăng độ nguy hiểm vào mùa đông xuân, làm thế nào để chủ động phòng chống?

Sức khỏe 14/12/2024 05:05

Nhiệt độ thay đổi, thời tiết đang giao mùa là điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, nhất là các bệnh cúm mùa.

Theo thông tin từ Tạp chí tri thức, Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng đơn vị điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3), cho biết cúm là một bệnh truyền nhiễm đường hô hấp cấp tính, do nhiễm virus Influenza, gồm có 3 type A, B và C.

Virus cúm A thường xuyên biến đổi theo thời gian, gây ra các đại dịch cúm trên toàn cầu. Virus cúm B và C biến đổi không đáng kể.

Bệnh thường xuất hiện và nguy hiểm hơn ở mùa đông xuân, gây tổn thương vào đường hô hấp trên và dưới, kèm theo triệu chứng toàn thân như sốt, đau đầu, đau cơ, yếu mệt.

Thông thường bệnh tự giới hạn, nhưng cũng có thể đưa đến nhiều biến chứng nặng, chủ yếu tại phổi, thậm chí khiến bệnh nhân không qua khỏi. Bệnh cúm nguy hiểm là do tính lây lan nhanh và gây thành dịch. Chính vì vậy, việc phòng ngừa cũng như điều trị cảm cúm là quan trọng.

Theo Bộ Y tế, hàng năm ghi nhận từ 600.000 đến 1.000.000 trường hợp mắc cúm mùa. Số mắc ghi nhận quanh năm và có xu hướng gia tăng vào thời điểm chuyển mùa hè - thu, đông - xuân.

Bệnh này lây lan qua đường hô hấp, qua không khí giọt nhỏ qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng của bệnh nhân có chứa virus cúm qua ho, hắt hơi. Virus vào cơ thể qua đường mũi họng. Tỷ lệ lây lan càng mạnh khi tiếp xúc trực tiếp và mật thiết, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ.

Bệnh cúm mùa tăng độ nguy hiểm vào mùa đông xuân, làm thế nào để chủ động phòng chống? - Ảnh 1
Ảnh minh họa

Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:

 1. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

 2. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.

 3. Tiêm vắc xin cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm. 

 4. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; Sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết.

 5. Người dân không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng vi rút (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc.

  6. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

 

KHẨN: TP.HCM tăng cường phòng, chống bệnh viêm phổi nặng do virus

Ngành y tế TP.HCM vừa triển khai giải pháp ứng phó với dịch bệnh viêm phổi đang gia tăng. Thời điểm thời tiết trở lạnh vào cuối năm cũng khiến trẻ dễ mắc các bệnh về hô hấp như viêm phổi, viêm tiểu phế quản, hen suyễn...

TIN MỚI NHẤT