Bệnh bạch hầu vì sao có thể gây tử vong, làm sao để phòng tránh?

Sức khỏe 10/07/2024 05:00

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người mắc bệnh bạch hầu có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm và tử vong.

Theo thông tin từ báo Dân Trí, những ngày vừa qua thông tin về một ca tử vong do bệnh bạch hầu tại Nghệ An và một ca mắc tại Bắc Giang do tiếp xúc với ca tử vong khiến nhiều người lo lắng. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An xác định 119 người có tiếp xúc với bệnh nhân từ lúc khởi phát đến lúc tử vong. Tương tự, Bắc Giang cũng xác định có 15 người tiếp xúc với ca mắc.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm dù thuộc nhóm B. Bệnh lây theo đường hô hấp theo hình thức giọt bắn, có thể lây trực tiếp do tiếp xúc với người bệnh khi nói, ho, hắt hơi… hoặc lây gián tiếp qua tiếp xúc với các dịch tiết chứa vi khuẩn từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng.

Người lành mang trùng là những người mang vi khuẩn bạch hầu nhưng không có triệu chứng bệnh, họ vẫn có khả năng lây bệnh cho người khác.

Bệnh bạch hầu vì sao có thể gây tử vong, làm sao để phòng tránh? - Ảnh 1
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng - Ảnh: Báo Dân Trí

Cũng theo PGS Phu, trước kia bệnh bạch hầu rất phổ biến ở cả thành phố, nông thôn, nhưng nhờ Chương trình Tiêm chủng mở rộng mà hiện nay số mắc giảm đi rất nhiều. Và sau nhiều năm không có ca bệnh, nhiều bác sĩ không biết bệnh nhân bạch hầu song vừa qua bệnh lại quay trở lại do một số vấn đề liên quan đến tiêm chủng.

Vậy tại sao bệnh hay xảy ra ở miền núi? PGS Phu cho biết, tại miền núi, chúng ta vẫn có những vùng gọi là "vùng trũng" tiêm chủng, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, vệ sinh kém. Người dân ở đó sống biệt lập, ít giao lưu nên không có miễn dịch tự nhiên do nhiễm phải cũng không có miễn dịch do tiêm chủng nên khi có dịch thường bùng phát ở miền núi, vùng sâu vùng xa.

Có nhiều yếu tố dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng tại một số vùng thấp như do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều trường hợp không tiêm vaccine hoặc tiêm không đủ liều.

Theo thông tin từ báo Thanh Niên, theo bác sĩ chuyên khoa 2, Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), thời gian ủ bệnh bạch hầu thường khoảng 2-3 ngày, sau đó xuất hiện các triệu chứng như đau họng, sốt, ho, khàn tiếng, chán ăn, xuất hiện giả mạc lan nhanh màu trắng ngà...

Bệnh bạch hầu vì sao có thể gây tử vong, làm sao để phòng tránh? - Ảnh 2
Ảnh minh họa: Internet

Biến chứng của bệnh bạch hầu

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người mắc bệnh bạch hầu có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm và tử vong.

Tắc nghẽn đường hô hấp: Theo bác sĩ Tiến, vi khuẩn bạch hầu sẽ tạo lớp màng giả màu trắng bám vào trong vòm họng, các lớp màng này lan ra nhân lên có thể gây lấp đường hô hấp, ngạt thở, suy hô hấp cho người bệnh.

Viêm cơ tim: Độc tố bạch hầu có thể ảnh hưởng đến tim, gây rối loạn nhịp tim, suy tim và có thể tử vong.

Tổn thương thần kinh dẫn đến tê liệt: Độc tố bạch hầu cũng có thể gây ra các biến chứng tê liệt các dây thần kinh vận nhãn, cơ chi.

Nữ sinh tiếp xúc gần với ca tử vong do bệnh bạch hầu ở Nghệ An: Chưa xuất hiện triệu chứng lâm sàng, tiếp tục cách ly

Đây là 1 trong 2 trường hợp có tiếp xúc gần với ca tử vong do bệnh bạch hầu tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. 

TIN MỚI NHẤT