Tiểu đường là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên toàn cầu. Năm 2015, toàn thế giới có 415 triệu người lớn (độ tuổi 20 - 79) bị tiểu đường, tương đương cứ 11 người thì có 1 người mắc bệnh.
- Bệnh nhân tiểu đường cần chú ý nếu 4 dấu hiệu bất thường này xuất hiện, báo hiệu sắp có biến chứng nghiêm trọng cần đi khám ngay
- Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của bạn như thế nào?
Dự đoán vào năm 2040, con số này sẽ tăng tới khoảng 642 triệu người, hay nói cách khác cứ 10 người sẽ có 1 người bị tiểu đường.
Tại Việt Nam, vào năm 2015 đã có 3,5 triệu người mắc bệnh báo cáo của Hiệp hội tiểu đường thế giới IDF Diabetes Atlas, và con số này được dự báo sẽ tăng lên 6,1 triệu vào năm 2040.
Tin vui là việc thực hiện lối sống lành mạnh có thể phòng ngừa được 70% tiểu đường type 2 và ăn uống lành mạnh có thể giúp giảm nguy cơ của tiểu đường, theo Cục quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y Tế cho biết.
Một số chương trình dự phòng đã chỉ ra việc thay đổi các hành vi, như ăn thực phẩm lành mạnh hơn và tăng cường hoạt động thể lực có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc tiểu đường type 2. Để ngăn chặn sự gia tăng của tiểu đường type 2, toàn thể cộng đồng phải thay đổi hành vi sống bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và tăng mức độ hoạt động thể lực.
Hiệp hội Tiểu đường Thế giới đã tổng hợp các bằng chứng về loại thực phẩm có thể gây ra tiểu đường type 2 và đã đưa ra 9 khuyến nghị về chế độ ăn uống lành mạnh cho mọi người nói chung.
1. Chọn nước, cà phê hoặc trà thay vì chọn nước ép trái cây có đường, ngọt, nước ngọt, hoặc đồ uống có đường khác.
2. Ăn ít nhất 3 suất rau mỗi ngày, kể cả rau xanh lá.
3. Ăn tối đa ba suất trái cây tươi mỗi ngày.
4. Chọn một miếng trái cây tươi, hoặc sữa chua không đường cho bữa ăn nhẹ.
5. Hạn chế đồ uống có cồn.
6. Chọn thịt nạc trắng, thịt gia cầm hoặc hải sản, thay vì thịt đỏ hoặc thịt chế biến sẵn.
7. Chọn bơ đậu phộng thay vì chocolate hoặc mứt.
8. Chọn bánh mì, gạo hoặc mì ống nguyên cám thay vì bánh mì trắng, gạo hoặc mì ống.
9. Chọn chất béo không no (dầu ô liu, dầu canola, dầu ngô, hoặc dầu hướng dương) thay vì chất béo bão hòa (bơ, chất béo động vật, dầu dừa hoặc dầu cọ).
(Theo daithaoduong.kcb.vn)