Chấm chung bát nước mắm, mớm thức ăn cho trẻ nhỏ... là những thói quen trong mâm cơm mà người Việt thường xuyên phạm phải, ít ai ngờ đó chính là "thủ phạm" làm lây lan virus, vi khuẩn nguy hiểm.
Người Việt nên từ bỏ thói quen chấm chung bát nước mắm
Trong mâm cơm của các gia đình Việt hầu như không bao giờ thiếu một chén nước mắm. Nó được đặt chính giữa mâm cơm để cả gia đình chấm chung. Tuy nhiên thói quen này được chuyên gia đánh giá là tiềm ẩn nguy cơ lây lan virus rất nguy hiểm.
Theo TS Từ Ngữ (Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam): Nếu cả nhà dùng chung bát nước chấm sẽ làm gia tăng nguy cơ lây lan vi khuẩn, virus. Lý do là khi dùng đũa, nước bọt từ miệng chuyển sang đầu đũa sẽ dính vào các phần chấm chung. Từ đó tạo điều kiện lý tưởng cho virus Herpes, vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) lan truyền từ người này sang người khác.
Trong đó, vi khuẩn HP là đáng sợ nhất. Loại vi khuẩn này tồn tại trong nước bọt, mảng cao răng, niêm mạc dạ dày của người bệnh. Khi bị nhiễm khuẩn HP, bệnh nhân sẽ rất khó phát hiện vì loại virus này phát triển rất “lặng lẽ”. Nhiễm khuẩn HP là nguyên nhân khởi phát của các cơn đau dạ dày mãn tính như viêm dạ dày, loét dạ dày và ung thư dạ dày
Theo các chuyên gia, nhiều bệnh nhân lây nhiễm khuẩn HP ở Việt Nam là do chấm chung nước mắm, ăn chung đũa… Do đó, tốt nhất mỗi người nên có bát nước chấm riêng, lưu ý là không chỉ chấm riêng nước mắm mà ngay cả các loại gia vị như muối, bột canh, tương ớt... cũng cần chấm riêng.
Người lớn cần bỏ ngay thói quen nhai, mớm thức ăn cho trẻ nhỏ
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) đánh giá rằng nhai, mớm thức ăn cho trẻ nhỏ là một hành động rất nguy hiểm. Ở Việt Nam, người lớn thường cho cơm vào miệng mình, nghiền nát sau đó bón lại cho trẻ ăn. Thói quen mớm cơm này gây mất vệ sinh, đồng thời sẽ vô tình khiến trẻ bị nhiễm nhiều bệnh từ người nhai qua đường ăn uống, hô hấp.
Một số bệnh mà trẻ có thể mắc do thói quen nhai, mớm bao gồm: viêm gan, bệnh màng não cầu, đặc biệt là vi khuẩn HP. Các bác sĩ khuyên rằng, phụ huynh nên để trẻ tự nhai, tự nuốt đồ ăn của mình. Đối với bé còn nhỏ, chưa thể tự nhai thì bố mẹ nên cho bé ăn cháo, ăn bột... thay vì nhai, mớm đồ ăn như trước đây.
Bỏ ngay thói quen gắp thức ăn mời nhau
Gắp thức ăn mời khách đã là nét văn hóa có từ lâu đời của người Việt. Tuy nhiên khi chúng ta dùng đũa của mình để gắp thức ăn cho người khác, đôi khi sẽ "tặng" luôn virus, vi khuẩn có trong miệng mình cho họ.
Theo bác sĩ Cao Hồng Phúc (Học viện Quân Y): "Trong khoang miệng và trong hệ tiêu hóa có chứa rất nhiều vi khuẩn, khi chúng ta dùng đũa của mình để gắp thức ăn cho người khác, vi khuẩn này sẽ đi theo dịch tiêu hóa bám trên đũa và dính vào thức ăn của người đối diện, trong đó có thể là vi khuẩn HP, viêm gan A, viêm gan E, vi khuẩn lỵ, vi khuẩn thương hàn, vi khuẩn quai bị…".
Theo các chuyên gia, bình thường thì vi khuẩn HP không gây hại nhưng đối với những người bị viêm loét dạ dày thì vi khuẩn HP có thể gây ra tình trạng loét nặng hơn, lâu ngày có thể tiến triển thành ung thư dạ dày.
Do đó, dù có quý mến nhau đến mấy chúng ta cũng nên từ bỏ thói quen dùng đũa để gắp thức ăn mời nhau. Nếu muốn lịch sự thì có thể đổi đầu đũa hoặc dùng một chiếc đũa sạch gắp thức ăn mời người khác.