3 bà cháu bị ngộ độc sau khi ăn cam và dưa hấu, bác sĩ lên tiếng cảnh báo đề phòng ngộ độc thực phẩm trong mùa hè

Sức khỏe 01/07/2020 13:00

Thời tiết mùa hè nhiệt độ nắng nóng khiến cho thực phẩm dễ ôi thiu dẫn đến nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm.

Ngộ độc sau ăn cam, dưa hấu

Theo thông tin, bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đã tiếp nhận 2 trường hợp bệnh nhi được chẩn đoán ngộ độc thức ăn. Được biết trước đó tại gia đình 3 bà cháu đã ăn cam và dưa hấu. Sau ăn, cả 3 bà cháu đều có biểu hiện đau bụng nhiều, nôn, sốt.

Sau khi được cấp cứu ở cơ sở y tế tuyến dưới, bà của 2 bệnh nhi đã được xuất viện, còn 2 bệnh nhi có biểu hiện nặng hơn đã được chuyển đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí.

Hai bệnh nhi cùng trú tại Thị xã Đông Triều, Quảng Ninh, 1 bệnh nhi 9 tuổi, 1 bệnh nhi 6 tuổi. Hai trẻ nhập viện trong tình trạng nặng, li bì, nôn nhiều đại tiện phân lỏng không kiểm soát, sốt liên tục 39 - 40 độ C. Riêng bé 9 tuổi trong tình trạng rất nặng, rối loạn điện giải nghiêm trọng.

Hiện sau 2 ngày điều trị tích cực điều chỉnh dịch, cân bằng điện giải, sử dụng kháng sinh đường ruột, hạ sốt... trẻ ổn định hơn, tỉnh táo, không sốt, tình trạng nôn khan, đau bụng giảm và đại tiện phân lỏng đã được kiểm soát.

Bác sĩ Nguyễn Thị Lợi, bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển, người trực tiếp cấp cứu cho bệnh nhi cho biết: Ngay khi tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu điều chỉnh dịch, cân bằng điện giải, sử dụng kháng sinh đường ruột, hạ sốt. Đặc biệt, điện giải đã ổn định. Hiện 2 bệnh nhi đang được tiếp tục điều trị tại Đơn vị Hồi sức tích cực nhi - Khoa Nhi.

Mùa hè nắng nóng như hiện nay dễ dẫn đến ngộ độc

Ngộ độc thực phẩm có các triệu chứng điển hình như: Sau ăn uống, xuất hiện các triệu chứng tiêu hóa như nôn, đau bụng, tiêu chảy, nếu điển hình thì sẽ có từ hai người trở lên cùng bị bệnh tương tự như nhau sau khi cùng ăn, uống một loại thực phẩm nghi ngờ, người không ăn thì không bị bệnh.

3 bà cháu bị ngộ độc sau khi ăn cam và dưa hấu, bác sĩ lên tiếng cảnh báo đề phòng ngộ độc thực phẩm trong mùa hè - Ảnh 1
Một bệnh nhân nhi điều trị tại bệnh viện

Bác sĩ Nguyễn Thị Lợi Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển người dân cần hết sức thận trọng trong việc chọn mua thực phẩm cần có nguồn gốc rõ ràng cũng như thận trọng trong việc bảo quản, chế biến thực phẩm, đặc biệt là trong thời tiết mùa hè nắng nóng như hiện nay dễ khiến thức ăn bị ôi thiu, biến chất dễ gây ra tình trạng ngộ độc thực phẩm.

Để phòng tránh ngộ độc, người dân cần ăn chín, uống sôi; chọn thực phẩm tươi sống hoặc đông lạnh đúng yêu cầu, cần nhớ nguyên tắc tách riêng thực phẩm sống và chín, kể cả các dụng cụ chế biến, chứa đựng; rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Cố gắng tính toán nấu xong ăn hết, nếu còn thừa thì đun lại ngay sau ăn (vì khi ăn có lẫn thêm các vi khuẩn từ ngoài vào, việc này người dân ta không ai biết), để nguội nhanh và sau đó bảo quản lạnh.

Những người có sức đề kháng yếu (giảm miễn dịch) như đái tháo đường, đang dùng các thuốc ức chế miễn dịch (thuốc corticoid, thuốc chữa ung thư, các bệnh tự miễn dịch), người bị bệnh gan, người gầy yếu, suy dinh dưỡng, người già, trẻ nhỏ… thì không nên ăn sống, đặc biệt thịt, cá sống, gỏi, hải sản sống, tiết canh. Vì nếu ăn vào thì dễ bị nhiễm khuẩn và nhiễm khuẩn thường nặng hơn và dễ tử vong hơn so với người khác.

Khi phát hiện ra các trường hợp nặng, phức tạp do ngộ độc như: biểu tiêu hóa hoặc nhiễm trùng nhưng ở mức độ nặng (chỉ cần nôn liên tục nhiều lần, tiêu chảy liên tục nhiều lần, đau bụng dữ dội liên tục, sốt cao 39 độ C…).

Có thêm các dấu hiệu ở các cơ quan không phải tiêu hóa như thần kinh (ví dụ thấy rối loạn cảm giác, tê bì, yếu liệt, co giật, lơ mơ, bất tỉnh…) hoặc tim mạch (mạch nhanh quá, chậm quá, mạch không đều, huyết áp tụt) hoặc hô hấp (ví dụ khó thở),…. Khi có các dấu hiệu nặng như vậy thì cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.

Còn nếu chỉ có các triệu chứng tiêu hóa và bệnh nhân có thể uống được nước thì nên cho bệnh nhân uống dung dịch ORESOL (uống thay nước, cho hết khát và uống tiếp chừng nào còn tiêu chảy) hoặc nước khoáng, nước rau luộc pha muối…

Cơ thể sẽ thay đổi thế nào nếu thường xuyên ăn khoai lang?

Cơ thể chúng ta cần vitamin A để có thể chống lại các bệnh nhiễm trùng khác nhau và tăng khả năng chống nhiễm trùng về sau.

TIN MỚI NHẤT