Ung thư đại tràng là bệnh có thể tái phát, kể cả khi bệnh nhân đã được điều trị thành công.
- Bác sĩ chia sẻ 1 triệu chứng ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối dễ bị bỏ qua vì rất giống với bệnh dạ dày
- Ung thư dưới 50 tuổi tăng vọt gần 80%: Bác sĩ gọi tên 5 nguyên nhân
Sherri Rollins là một phụ nữ gần 50 tuổi, hiện đang sinh sống tại Bắc Carolina (Hoa Kỳ). Cô phát hiện mắc ung thư đại tràng lần đầu tiên vào năm 2017 khi liên tục bị đau lưng. Kết quả siêu âm cho thấy cô có tổn thương trên gan, nhưng bác sĩ cho rằng tình trạng của cô lúc đó không đáng lo ngại. Vài tháng sau, cô đi chụp MRI và được chẩn đoán ung thư đại tràng giai đoạn 4, đã di căn sang gan. Cha của cô Rollins đã qua đời khi mới ngoài 50 tuổi do căn bệnh ung thư này.
Trả lời phỏng vấn Tờ Today, Rollins nói: “Tôi không tin nổi mình mắc ung thư đại tràng. Tôi là người khỏe mạnh và luôn kiểm tra sức khỏe định kỳ”.
Vì tế bào ung thư đã di căn tới gan, Rollins đã phải hóa trị một năm trước khi thực hiện phẫu thuật. Bệnh tình của cô ổn định trong vòng 4 năm sau đó. Cho tới gần đây, khi chưa được 50 tuổi, cô bắt đầu nhận thấy các dấu hiệu cũ của ung thư đại tràng. Cô bị đau lưng, sụt cân, đầy hơi và cảm giác đại tiện chưa hết. Rollins đi khám lại, bác sĩ khẳng định cô đang hoàn toàn bình thường. Thế nhưng, trực giác Rollins mách bảo có điều gì đó không ổn đang diễn ra với cô. Lúc này bác sĩ cho rằng cô đã “quá nhạy cảm”.
Cho tới tháng 3/2022, các bác sĩ phát hiện Rollins có một khối u đại tràng đã di căn đến sàn chậu. “Khi nghe tin, tôi cảm thấy cực kỳ thất vọng”, Rollins nói.
Theo thông tin từ Healthline, có khoảng 30-40% số bệnh nhân đã hoàn thành điều trị ung thư đại tràng bị tái phát bệnh.
Tỷ lệ mắc ung thư đại tràng gia tăng trên toàn thế giới
Tỷ lệ mắc ung thư đại tràng đang gia tăng trên toàn thế giới, đặc biệt ở người trẻ tuổi. Theo dữ liệu từ JAMA Surgery, so với năm 2010, tỷ lệ mắc ung thư đại tràng ở nhóm tuổi 20-34 tại Mỹ sẽ tăng 90% vào năm 2030. Ung thư đại tràng là loại ung thư phổ biến thứ 3 ở Mỹ và là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 ở cả nam và nữ.
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) ước tính, trong năm nay, sẽ có khoảng 153.000 ca ung thư đại tràng được phát hiện, trong đó khoảng 19.500 ca ở độ tuổi dưới 50 và khoảng 52.550 người tử vong do loại ung thư này.
Cho tới nay, các nhà khoa học vẫn đi tìm nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng của ung thư đại tràng. Theo đó, chế độ ăn uống không lành mạnh, lạm dụng đồ uống có cồn và lối sống ít vận động được cho là các yếu tố nguy cơ.
Một nghiên cứu của Cleveland Clinic cho thấy thịt đỏ và đồ ngọt có thể là nguyên nhân làm gia tăng số ca ung thư đại tràng ở những người trẻ tuổi.
Một nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Gut (tạp chí quốc tế hàng đầu về tiêu hóa và gan) cho thấy sử dụng kháng sinh kéo dài cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng ở người trẻ.
Một nghiên cứu khác phát hiện ở những người trẻ mắc ung thư đại tràng có sự xuất hiện của nấm Cladosporium sp. trong khối u nhiều hơn là những người lớn tuổi. Các nhà khoa học cho rằng loại nấm này làm hỏng DNA của tế bào và dẫn tới ung thư.
Triệu chứng của ung thư đại tràng dễ bị nhầm lẫn
Một phần nguyên nhân khiến ung thư đại tràng khó chẩn đoán là do các triệu chứng bệnh dễ bị nhầm với các tình trạng sức khỏe khác. Điều này có thể khiến bệnh nhân dễ dàng bỏ qua triệu chứng hoặc bị chẩn đoán sai. Tuy nhiên, ung thư đại tràng có một số triệu chứng đặc thù.
Một nghiên cứu được công bố đầu năm nay trên Tạp chí của Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ cho thấy các triệu chứng được báo cáo nhiều nhất của ung thư đại tràng là đau bụng, có máu trong phân, tiêu chảy và thiếu máu do thiếu sắt.
Ngoài ra, trong một cuộc khảo sát năm 2020 của Liên minh Ung thư Đại trực tràng (Mỹ), 68% số người tham gia cho biết họ có triệu chứng có máu trong phân. Những bệnh nhân này có độ tuổi trung bình là 42.
Việc không phát hiện sớm ung thư đại tràng có thể khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn. Qua những gì mà mình đã trải qua, Rollins khuyến cáo mọi người hãy lắng nghe các dấu hiệu của bản thân và đi khám kịp thời. Đó chính là cách mà cô cứu sống chính bản thân mình.