Nếu không được kiểm soát kịp thời, chứng viêm có thể góp phần gây ra các bệnh mãn tính và lão hóa sớm.
- 4 thói quen rút ngắn tuổi thọ mà nhiều người Việt vẫn mắc hàng ngày: Nếu muốn sống khỏe mạnh, hãy thay đổi ngay
- Thực hư việc súc miệng họng thường xuyên để ngừa COVID-19: Lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa Tai-Mũi-Họng
Viêm mãn tính góp phần làm tổn thương tế bào, dẫn tới bệnh tật và lão hóa sớm. Tuy nhiên, áp dụng một lối sống lành mạnh như ăn nhiều trái cây, rau và các thực phẩm khác sở hữu đặc tính chống viêm có thể giúp ngăn ngừa tình trạng này phát triển thành vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Dưới đây là một số thói quen các chuyên gia khuyên mọi người nên thực hiện hàng ngày để chống lại chứng viêm:
Quan tâm đến răng miệng
Bỏ qua vệ sinh răng miệng có thể làm tăng tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể và kéo theo các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
Leslie Langevin, chuyên gia dinh dưỡng kiêm tác giả của cuốn sách The Anti-Inflammatory Kitchen Cookbook cho biết, sức khỏe răng kém có liên quan đến bệnh mãn tính như Alzheimer, viêm khớp dạng thấp, tiểu đường và bệnh tim. Mảng bám tích tụ lâu ngày có thể gây sưng nướu, dẫn đến tình trạng viêm nướu. Đánh răng, dùng chỉ nha khoa hàng ngày và giảm lượng đường tiêu thụ là những việc bạn hoàn toàn có thể thực hiện để chống viêm.
Sử dụng gia vị tự nhiên
Susie Polgreen, chuyên gia dinh dưỡng tại Tổ chức Whole Health Nutrition cho biết, nhiều loại gia vị như nghệ, gừng và quế sở hữu một lượng lớn hợp chất chống oxy hóa mạnh mẽ. Do đó, bạn chỉ dùng với một lượng nhỏ, bằng ¼ thìa cà phê, cũng đủ để giúp cơ thể chống viêm.
Chuyên gia Susie chia sẻ: “'Tôi thích cho nghệ và gừng trong khi chế biến các món cơm, thêm quế vào yến mạch, trà hoặc làm sinh tố với cả ba loại gia vị này”.
Uống trà gừng
Các tình trạng viêm nhiễm có thể dẫn tới một số triệu chứng mãn tính như đau và cứng khớp. Để giảm cảm giác khó chịu này, mọi người có thể uống trà gừng.
Gừng là một trong những loại gia vị giúp giảm viêm hiệu quả nhất. Không những vậy, chúng còn đem lại lợi ích khác như hỗ trợ tiêu hóa, tránh khó tiêu và đau bụng do đầy hơi.
Tiêu thụ thực phẩm lên men
Theo chuyên gia Leslie, ngày càng có nhiều nghiên cứu chứng minh mối liên hệ giữa hệ vi sinh vật trong đường ruột với các phản ứng viêm.
Vì vậy, để ngăn ngừa tình trạng này, bảo vệ sức khỏe đường ruột là điều vô cùng cần thiết. Chuyên gia Susie cho biết, các vi khuẩn có lợi trong đường ruột, mang tên probiotic, xuất hiện trong những loại thực phẩm lên men như sữa chua, dưa muối, kimchi, tương nén, miso, kombucha và kefir.
Bổ sung chất xơ
Gina Rancourt, chuyên gia dinh dưỡng tại Tổ chức Whole Health Nutrition cho biết, prebiotic, chất xơ đóng vai trò như thức ăn cho lợi khuẩn trong đường ruột, cũng giúp giảm viêm.
Bạn có thể bổ sung chất này thông qua chế độ ăn hàng ngày. Hãy tập trung vào những loại thực phẩm giàu chất xơ như trái cây và rau xanh.
Tiêu thụ cá
Các loại cá béo chứa một lượng lớn omega-3 giúp cơ thể hạn chế sản sinh các chất gây viêm mang tên cytokine.
Cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá trích và cá mòi đều là những nguồn cung cấp chất này dồi dào. Chuyên gia Leslie khuyên, mọi người nên ăn cá béo ít nhất 2 lần mỗi tuần.
Nếu không có điều kiện tiêu thụ thực phẩm, bạn hoàn toàn có thể chọn dầu cá, đặc biết những loại có chứa cả axit eicosapentaenoic và axit docosahexaenoic.
Thêm các loại hạt vào món ăn
Ngay cả khi bạn không thích ăn cá, omega-3 vẫn có thể được bổ sung thông qua các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như hạt chia và hạt lanh. Cả hai loại hoạt này đều cực kỳ linh hoạt nên có thể được thêm vào hầu hết món ăn, trong đó có sữa chua, ngũ cốc và sinh tố. Chuyên gia Leslie khuyên, mọi người nên ăn ít nhất hai thìa hạt mỗi ngày.
Tăng cường chất dinh dưỡng từ thực vật
Theo chuyên gia Gina, cách dễ nhất để bổ sung chất này là tiêu thụ nhiều loại trái cây và rau tối màu. Nghiên cứu đăng trên Tạp chí Nutrients đã cho thấy, những người ăn nhiều trái cây và rau quả ít khi gặp phải các phản ứng viêm hơn người khác.
Chuyên gia Gina chia sẻ: “Tôi thường ăn một số loại trái cây trong bữa sáng và bữa ăn nhẹ buổi chiều. Dâu tây trộn với sữa chua hoặc trái cây sấy khô dùng kèm với các loại hạt là món yêu thích của tôi”.
Giải tỏa tâm trạng
Căng thẳng có thể gây bùng phát viêm do tình trạng này kích thích cơ thể sản sinh các chất gây viêm.
Chuyên gia Gina cho biết, lối sống đóng một vai trò quan trọng trong quá trình tự chữa lành vết thương của cơ thể. Ngoài tiêu thụ thực phẩm lành mạnh, bạn nên tập cả yoga, thiền hoặc đi bộ để giảm căng thẳng một cách tự nhiên.
Hạn chế tiêu thụ dầu tinh luyện
Các loại dầu tinh luyện, trong đó có dầu thực vật, hạt cải, đậu nành, chứa một lượng lớn axit béo không bão hòa đa omega-6.
Chất béo này có thể gây viêm nếu bạn tiêu thụ quá nhiều. Nghiên cứu đăng trên Tạp chí Open Heart cho thấy, chất béo không bão hòa đa omega-6 có liên quan đến mất cân bằng oxy hóa, viêm mãn tính mức độ thấp và xơ vữa động mạch.
Mặc dù cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu rõ tác dụng của chất này, cách an toàn nhất là hạn chế dùng dầu tinh luyện và lựa chọn loại lành mạnh hơn như dầu ô-liu, dầu dừa và dầu bơ.