Nhiều tỉnh đã ghi nhận bệnh nhân mắc whitmore. Bệnh có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.
- Tưởng mắc cúm, bệnh nhân tử vong vì vi khuẩn ‘ăn thịt người’
- Phát hiện số ca bệnh whitmore do vi khuẩn 'ăn thịt người' đang gia tăng
Ngoài BV Bạch Mai ghi nhận 20 trường hợp mắc whitmore từ đầu năm đến nay, các tỉnh như Thái Nguyên, Yên Bái, Nghệ An, Hà Tĩnh... cũng liên tiếp phát hiện và điều trị nhiều trường hợp mắc loại vi khuẩn này.
Vì sao số lượng bệnh nhân whitmore ngày càng nhiều?
Là chuyên gia có 15 năm kinh nghiệm nghiên cứu về bệnh whitmore, TS Trịnh Thành Trung, Viện trưởng Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, whitmore là một bệnh truyền nhiễm. Tại Việt Nam, ca nhiễm bệnh đầu tiên được phát hiện tại TP.HCM vào năm 1925, sau đó ghi nhận ở Hà Nội và Huế lần lượt vào năm 1928 và 1936.
Trong chiến tranh Việt Nam, hàng trăm ca bệnh đã được ghi nhận trên binh lính Pháp và Mỹ, trong đó có khoảng 250.000 lính Mỹ bị phơi nhiễm với vi khuẩn whitmore và nhiều cựu binh đã phát bệnh sau khi trở về nước.
Do đó những năm 70 của thế kỷ trước, whitmore còn có tên gọi là "Vietnamese time-bomb; tức quả bom hẹn giờ của Việt Nam", ám chỉ một loại bệnh bị phơi nhiễm tại Việt Nam, ủ bệnh trong thời gian dài, và mãi sau đó mới được phát bệnh khi cựu binh về nước.
Sau chiến tranh, rất ít các ca bệnh được phát hiện ở nước ta do khó khăn về điều kiện y tế và sự thiếu thốn các trang thiết bị xét nghiệm vi sinh, hầu hết các máy xét nghiệm vi sinh thường quy đều chẩn đoán sai vi khuẩn whitmore thành các vi sinh vật khác nên chẩn đoán bệnh sai.
Phổ biến nhất là chẩn đoán whitmore nhầm thành các bệnh truyền nhiễm khác hoặc nhầm thành các bệnh lao phổi, ung thư phổi, ung thư gan, ung thư tủy xương, ung thư máu, u tuyền liệt tuyến, quai bị (ở trẻ em)...
Khi hoà bình, Việt Nam cũng phải đối diện với nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như sốt rét, lao, HIV, sốt xuất huyết… nên bệnh whitmore chưa thực sự được quan tâm. Từ đó, whitmore trở thành căn bệnh bị lãng quên trong nhiều thập kỷ, cả người dân và bác sĩ ít có thông tin.
Tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, xét nghiệm vi sinh tại các bệnh viện bắt đầu được quan tâm, các bác sĩ cũng được cảnh giác về bệnh whitmore nên tỉ lệ bệnh nhân nhiễm bệnh được chẩn đoán đúng tăng lên.
“Chính vì chẩn đoán đúng ra bệnh nên số lượng ca bệnh tăng lên, chứ không phải bệnh đột ngột quay trở lại và bùng phát thành dịch”, TS Trung nhấn mạnh.
Theo dự báo của các chuyên gia quốc tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 10.000 ca nhiễm whitmore và khoảng 50% tử vong.
Hiện cả nước có 38 bệnh viện ở 26 tỉnh, thành phố đã được đào tạo về phương pháp xét nghiệm bệnh, phát hiện được gần 1.000 ca nhiễm whitmore.
Whitmore không quá đáng sợ
Whitmore do vi khuẩn gram âm Burkholderia pseudomallei gây ra, loại vi khuẩn này thường được tìm thấy trong nước bẩn, đất, lây lan sang người và động vật qua tiếp xúc trực tiếp với nguồn ô nhiễm (như hít phải bụi nhiễm vi khuẩn hay khi tiếp xúc với đất bị ô nhiễm qua các vết trầy xước ngoài da).
PGS.TS Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi, BV Bệnh Nhiệt đới TƯ cho biết, đặc trưng của vi khuẩn B. pseudomallei là gây viêm và áp xe ở các cơ quan trên cơ thể nên khi bệnh nhân mắc bệnh, biểu hiện lâm sàng rất đa dạng.
Ở trẻ em thường có triệu chứng sốt cao, nhiễm trùng nhiễm độc và biểu hiện sưng tuyến mang tai thường gặp hơn các triệu chứng khác. Ở người lớn bệnh cảnh phổ biến nhất là viêm phổi, sau đó tới viêm da, nhiễm trùng tiết niệu, nhiễm trùng huyết...
Đáng lưu ý, độc tính của vi khuẩn gây bệnh whitmore cũng cao hơn các loại vi khuẩn khác nên với những người có hệ miễn dịch suy giảm, đang mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, suy thận, bệnh gan, bệnh phổi... sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn và diễn biến bệnh phức tạp, nặng nề hơn, có thể gây tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kháng sinh phù hợp.
Trong đó những trường hợp bị nhiễm khuẩn huyết sẽ diễn tiến bệnh nặng hơn, tiên lượng xấu hơn, nguy cơ tử vong cao hơn.
Tuy nhiên, PGS Huy nhấn mạnh, whitmore là căn bệnh nhiễm trùng cơ hội, không dễ mắc, ít gặp ở người có sức khỏe bình thường. Bệnh không dễ dàng lây lan, không trực tiếp lây từ người qua người. Vì thế người dân không nên quá lo lắng.
“Nếu người khỏe mạnh không may mắc phải nhưng được phát hiện, điều trị hợp lý sẽ điều trị khỏi, không để lại di chứng. Nhưng nếu bệnh rơi vào những người già, yếu, miễn dịch suy giảm, đang mắc các bệnh mạn tính thì sẽ có nhiều nguy cơ hơn, diễn tiến phức tạp hơn, khó chữa hơn”, PGS Huy chia sẻ.
Theo PGS Huy, do căn bệnh từng bị lãng quên, ít gặp nên việc phát hiện, định danh vi khuẩn cũng khó khăn hơn. Tuy nhiên điều này cũng không ảnh hưởng nhiều tới việc điều trị.
“Chỉ cần bác sĩ xác định đúng đây là bệnh nhiễm khuẩn thì sẽ có chỉ định dùng kháng sinh. Theo nguyên tắc, sau khi dùng kháng sinh từ 48 đến 72 giờ không có dấu hiệu thuyên giảm, sẽ đổi kháng sinh khác, đồng thời bệnh nhân có các triệu chứng và yếu tố nguy cơ như đã nói ở trên, cần nghĩ tới bệnh whitmore và chỉ định điều trị bằng ceftazidim. Đây là kháng sinh cephalosporin thế hệ 3 rất phổ biến ở các bệnh viện, điều trị hiệu quả”, PGS Huy nhấn mạnh.
Để phòng tránh bệnh, PGS Huyên khuyên người dân giữ gìn vệ sinh thân thể, chăm sóc sức khỏe. Nếu cơ thể bị trầy xước, cần xử lý cẩn thận vết thương. Ở những người già yếu, có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch cần tránh tiếp xúc với môi trường mất vệ sinh, hạn chế tiếp xúc bùn đất, nguồn nước bị ô nhiễm.
Khi cơ thể có dấu hiệu không khỏe nên đến bác sĩ để được thăm khám và tư vấn. Việc đến khám sớm là cần thiết trong tất cả các trường hợp mắc bệnh, chứ không riêng gì bệnh whitmore, từ đó bác sĩ sẽ có tư vấn, chỉ định phù hợp, tránh mất thời gian khiến bệnh trở nặng hơn.