Sau khi nghiên cứu, Bộ Y tế mới đây đã cấp phép cho sử dụng thêm 1 phương pháp để xét nghiệm khẳng định COVID-19. Đó là phương pháp GeneXpert.
- Cách phân biệt khẩu trang y tế thật giả tránh mất tiền lại không an toàn
- WHO: Bạo lực gia đình tăng vọt tại châu Âu trong thời gian đại dịch COVID-19
Phương pháp xét nghiệm GeneXpert là gì?
Thông tin về phương pháp xét nghiệm COVID-19 mới này, PGS. TS Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, phương pháp GeneXpert cũng là RT-PCR nhưng có tốc độ nhanh, chính xác và tự động nhiều hơn từ quy trình tách chiết, pha trộn đến phân tích mẫu.
“Việt Nam đang áp dụng hai phương pháp là xét nghiệm RT-PCR và xét nghiệm nhanh để xét nghiệm COVID-19.
Nhưng phương pháp test nhanh chỉ có giá trị điều tra dịch tễ, làm sớm quá thì chưa đủ kháng thể, làm đúng lúc cũng chưa thể khẳng định được là có virus hay không, làm muộn quá có thể dương tính nhưng khả năng lây nhiễm cũng qua mất” – PGS Nhung cho hay.
Sau khi nghiên cứu, Bộ Y tế mới đây đã cấp phép cho sử dụng thêm phương pháp thứ 3 đó là GeneXpert để xét nghiệm khẳng định COVID-19.
PGS Nguyễn Viết Nhung thông tin, hiện cả nước đang có khoảng 200 máy xét nghiệm GeneXpert, 28 phòng xét nghiệm đủ điều kiện an toàn sinh học cấp hai theo yêu cầu của nhà sản xuất.
Phương pháp GeneXpert vốn được sử dụng để xét nghiệm vi khuẩn lao với độ đặc hiệu và độ nhạy rất cao trong mạng lưới phòng chống lao Việt Nam từ năm 2012.
Ai sẽ được xét nghiệm GeneXpert
Dự kiến ngày 15/8 tới, Bệnh viện Phổi trung ương sẽ nhập từ Thụy Điển 16.000 test để sử dụng cho hệ thống GeneXpert.
Ban đầu, những bộ test này sẽ được ưu tiên gửi cho Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Nội, TP.HCM… nơi đang ghi nhận có dịch COVID-19 sử dụng trước. Các địa phương khác cũng được tập huấn để thực hiện xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp này.
“Bản chất của phương pháp GeneXpert cũng là RT-PCR nhưng ưu việt hơn khi hệ thống hoạt động hoàn toàn tự động, con người can thiệp vào rất ít, chủ yếu là khâu lấy mẫu và kết quả sẽ có trong vòng 35-45 phút.
Phương pháp xét nghiệm này có thể khẳng định được chính xác sự hiện diện của virus trong cơ thể, giống RT-PCR nhưng nhanh hơn và tự động hoàn toàn.
Và song song với phát hiện nhanh bệnh nhân COVID-19, chúng ta có thể phát hiện ra những người mắc lao phổi, góp phần sớm chấm dứt bệnh lao trong cộng đồng" – PGS Nguyễn Viết Nhung cho biết.
Tính tới sáng 8/8, Việt Nam ghi nhận 789 trường hợp mắc COVID-19. Theo Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, có 166.521 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch được cách ly tại nước ta.
Trong đó, 6.929 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 24.446 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 135.146 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú. Cả nước có 316 ca mắc COVID-19 nhập cảnh được cách ly ngay.