Số người bị đột quỵ có xu hướng gia tăng trong mùa đông lạnh, nguyên nhân là do đâu?
- 7 căn bệnh nguy hiểm của người già nhưng dễ bắt gặp ở người trẻ
- 6 dấu hiệu cảnh báo ung thư đặc trưng nhất ở phụ nữ: Tiếc là ai cũng tưởng bệnh vặt nên thường bỏ qua
Vì sao mùa đông dễ bị đột quỵ?
Khi trời trở lạnh, số bệnh nhân nhập viện do đột quỵ thường gia tăng. Nguyên nhân gây ra thực trạng này được các chuyên gia tim mạch giải thích rằng, trời rét sẽ làm co mạch khiến huyết áp tăng vọt, dễ gây ra tai biến.
Đặc biệt là với người cao tuổi, khi ra khỏi chăn ấm là lúc dễ bị nhiễm lạnh, sau đó đi vệ sinh lại thêm một lần mất nhiệt, cơ thể lạnh hơn nữa khiến cho mạch co, huyết áp tăng đột ngột. Tình trạng này dễ dàng dẫn đến các biến cố như vỡ mạch máu não, đau thắt ngực… dẫn đến đột quỵ.
Theo PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, BV Bạch Mai, đột quỵ não có thể đe dọa đến tính mạng và dẫn đến tàn tật vĩnh viễn. Vì vậy, khi phát hiện người thân có dấu hiệu đột quỵ cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Cần làm gì khi có người bị đột quỵ?
Những việc cần làm khi phát hiện người thân bị đột quỵ gồm:
- Lập tức gọi xe cứu thương
Gọi 115 là lựa chọn thông minh nhất khi người thân của bạn bị đột quỵ. Xe cứu thương 115 sẽ đưa người thân của bạn đến địa điểm có thể thực hiện kỹ thuật cấp cứu bệnh nhân đột quỵ chuẩn nhất và nhanh nhất. Hơn nữa, nhân viên y tế của 115 được trang bị kiến thức y tế để xử lý các tình huống khẩn cấp khác nhau, họ có thể hỗ trợ cứu sống bệnh nhân trên đường đến bệnh viện và có khả năng làm giảm các tác động của đột quỵ não.
- Thông báo tình trạng của người bệnh với nhân viên y tế
Khi gọi 115 và yêu cầu trợ giúp, hãy thông báo cho nhân viên y tế về tình trạng của người bệnh. Khi đó, nhân viên cấp cứu 115 sẽ được chuẩn bị phương tiện y tế phù hợp và chọn bệnh viện chuyên điều trị đột quỵ não trước khi họ chuyển bệnh nhân.
- Phải theo dõi các triệu chứng và hỏi chuyện người bệnh
Trong khi chờ xe cứu thương đến hãy hỏi người bệnh càng nhiều thông tin càng tốt. Hỏi về tất cả các loại thuốc mà người bệnh đang dùng, tình trạng sức khỏe, có dị ứng gì không?
Ghi lại tất cả các triệu chứng bao gồm: thời điểm đột quỵ, tiền sử bệnh tật của người bệnh như tăng huyết áp, bệnh tim, ngừng thở khi ngủ, tiểu đường... Những thông tin này rất hữu ích khi bác sĩ khai thác bệnh sử...
- Để người bệnh nằm xuống
Nếu người bệnh đang ngồi hoặc đứng, hãy khuyến khích họ nằm nghiêng với tư thế đầu cao. Để giữ cho người bệnh thoải mái, hãy nới lỏng quần áo của họ. Tư thế này giúp tăng cường lưu lượng máu đến não. Tuy nhiên, nếu người bệnh bị ngã thì đừng cố di chuyển họ.
- Thực hiện hồi sinh tim phổi (CPR): Một số người bệnh có thể bất tỉnh trong cơn đột quỵ não. Nếu điều này xảy, hãy đánh giá tình trạng hô hấp của họ, xem họ có còn thở không. Nếu không thể bắt được mạch, hãy bắt đầu thực hiện hồi sinh tim phổi...
Các dấu hiệu đột quỵ cần ghi nhớ
Theo khuyến cáo của Trung tâm Đột quỵ, BV Bạch Mai, có các dấu hiệu để nhận biết một người bị đột quỵ gồm:
B – Balance – Thăng bằng: Đột ngột bị mất thăng bằng hoặc phối hợp động tác không?
E – Eyes – Mắt: Đột ngột nhìn mờ hoặc nhìn đôi hoặc mất thị lực ở 01 hoặc 02 mắt?
F - Face Drooping – Méo miệng: Đột ngột bị méo miệng hoặc tê bì 1 bên mặt không? Yêu cầu mở miệng cười.
A - Arm Weakness – Yếu nửa người: Đột ngột yếu hoặc tê bì 01 bên tay không? Yêu cầu giơ hai tay giữ nguyên thì một bên tay bị rơi xuống.
S - Speech Difficulty – Nói khó: Đột ngột nói ngọng hoặc không thể nói, hoặc rất khó để hiểu nghĩa của các câu từ đơn giản. Yêu cầu nói lặp lại một câu đơn giản. Câu nói lặp lại có chính xác không?
T - Time to call 115 – Gọi cấp cứu 115: Nếu bất cứ ai có biểu hiện bất cứ triệu chứng nào như trên, thậm chí không rõ ràng, ngay lập tức gọi cấp cứu 115, vận chuyển an toàn tới bệnh viện gần nhất tìm cơ hội điều trị trong giờ vàng để "cứu não".