Khi biết mẹ tôi bệnh ung thư cổ tử cung, dòng họ và hàng xóm đều xa lánh vì sợ bị lây nhiễm. Bệnh có lây nhiễm và có di truyền hay không?
- Không phải dưa muối, đây mới là những món ăn tăng nguy cơ ung thư trên mâm cơm người Việt
- 8 thực phẩm "diệt" ung thư cực tốt nhưng nhiều người chưa biết dùng khiến nó thành vô dụng
Nguyễn Thị Diệu Hiền (30 tuổi, Bến Tre) hỏi: Mẹ tôi năm nay 50 tuổi, cách đây 2 tháng, mẹ tôi phát hiện bị ung thư cổ tử cung (UTCTC). Khi biết mẹ tôi bệnh, dòng họ và hàng xóm đều xa lánh vì sợ bị lây nhiễm. Những dấu hiệu nào cho biết đang mắc bệnh? Bệnh có lây nhiễm và có di truyền hay không?
BS Chuyên khoa 1 Phan Xuân Minh Thịnh, Khoa Ngoại 1 Bệnh viện Ung Bướu TP HCM, trả lời: UTCTC là ung thư thường gặp ở phụ nữ và xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Có 8 dấu hiệu phát hiện sớm UTCTC; đầu tiên là chảy máu âm đạo bất thường, thường xảy ra giữa kỳ kinh nguyệt hoặc sau khi quan hệ tình dục, sau mãn kinh; ra dịch âm đạo bất thường, huyết trắng lúc đầu ít, sau tăng dần, có thể loãng hay nhầy, trắng đục hoặc lẫn máu nhầy như máu cá, lâu ngày có mùi hôi; đau sau quan hệ tình dục; đau vùng chậu, hay lên cơn đau âm ỉ, xảy ra bất cứ lúc nào trong tháng và thường xuyên hơn; rối loạn kinh nguyệt, kinh nguyệt ra nhiều và kéo dài hơn bình thường, rong kinh; khó chịu khi tiểu, tiểu gắt buốt, tiểu khó, lắt nhắt, đôi lúc kèm máu, không tự chủ; giảm cân không rõ lý do, thường gặp ở giai đoạn muộn, sụt cân cho thấy bệnh đang tiến xa; mệt mỏi liên tục, cơ thể thiếu máu và suy giảm miễn dịch, cảm giác mệt mỏi, thiếu năng lượng dù đã nghỉ ngơi và cuối cùng là đau chân, vì lúc này khối ung thư lan ra làm tắc nghẽn dòng máu, gây sưng và đau chân.
Tuy nhiên, các triệu chứng trên không đồng nghĩa với ung thư, mà còn gặp trong nhiều bệnh khác. Khi phát hiện nên lập tức đi khám tại các chuyên khoa phụ sản, làm các xét nghiệm cần thiết như: Pap’s, soi cổ tử cung, siêu âm bụng và được bác sĩ tư vấn các bước tiếp theo.
UTCTC thường gặp ở lứa tuổi từ 30-65, nguyên nhân chính là do virus HPV (human papilloma virus) gây ra. Tuy nhiên, cần thời gian hàng chục năm mới gây bệnh, hầu hết đều nhiễm thoáng qua. Với lý do này, nên nhiễm HPV thì có thể lây khi tiếp xúc qua da, khi đã bệnh ung thư thì không lây bệnh cũng như không di truyền.
Để ngăn chặn UTCTC, có thể dự phòng cấp 1 thông qua tiêm vắc-xin chủng ngừa virus HPV cho các cô gái từ 9-26 tuổi (lưu ý ngừa virus không phải ngừa ung thư) và dự phòng cấp 2 bằng lịch tầm soát định kỳ bắt đầu từ 21 tuổi khi đã có quan hệ tình dục.