Trong tổng số hơn 23.000 liều vắc xin ComBE Five được tiêm cho trẻ ghi nhận hơn 1.300 trường hợp có phản ứng thông thường sau tiêm, không có ca tai biến nặng. Trung tâm Y tế Dự phòng khuyến cáo các bậc cha mẹ đưa trẻ đi chích ngừa để tránh nhiễm các loại bệnh nguy hiểm.
- Điều gì xảy ra nếu trẻ không được tiêm phòng vắc xin?
- Các trường hợp chống chỉ định tiêm vắc xin cho trẻ
Kết quả thống kê được Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố công bố ngày 28/4 cho thấy, sau 3 tháng triển khai tiêm vắc xin ComBE Five trong tiêm chủng mở rộng (từ ngày 11/2) đã có 23.316 liều vắc xin được tiêm chủng cho các trẻ em dưới 1 tuổi. Quá trình theo dõi sau tiêm ghi nhận 1.321 trường hợp (chiếm tỷ lệ 5,7% trên tổng số mũi tiêm) có phản ứng thông thường với các biểu hiện chủ yếu là sốt, sưng đau tại chỗ tiêm.
Dựa trên số liệu được phân tích, Trung tâm Y tế Dự phòng cho biết, tỷ lệ phản ứng sau tiêm vắc xin ComBE Five tương đương với tỷ lệ phản ứng thông thường của các vắc xin DPT khác. Đặc biệt, đến nay thành phố chưa ghi nhận ca tai biến nặng sau tiêm ComBE Five.
Do tâm lý lo ngại những phản ứng bất lợi của vắc xin mới, khoảng 70% số trẻ trong độ tuổi chủng ngừa đã được phụ huynh cho chích vắc xin dịch vụ. Tổng số mũi vắc xin ComBE Five được sử dụng trong 3 tháng qua mới bao phủ 5% số trẻ cần tiêm chủng các mũi cơ bản phòng 6 bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B, HiB, bại liệt. Toàn thành phố vẫn còn hơn 16.000 trẻ em sinh từ tháng 6/2018 đến tháng 3/2019 (chiếm tỷ lệ 25%) chưa được tiêm chủng phòng các bệnh này. Đây là nguy cơ rất lớn dẫn đến sự gia tăng số ca mắc trong thời gian tới nếu trẻ em không được tiêm chủng theo lịch.
Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố khuyến các các bậc cha mẹ có con dưới 1 tuổi cần đưa con đi tiêm chủng theo đúng lịch tiêm chủng bắt buộc. Đối với trẻ trên 1 tuổi, cha mẹ cần xem lại sổ tiêm chủng để biết có thể đưa trẻ đi tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ. Cha mẹ có thể lựa chọn sử dụng vắc xin dịch vụ (có thu phí) hoặc vắc xin tiêm chủng mở rộng (miễn phí) để bảo vệ sức khỏe cho trẻ.