Phẫu thuật căng da mặt được nhiều chị em ưa chuộng nguy hiểm thế nào?

Sống khỏe 17/10/2019 06:25

Căng da mặt là giải pháp lấy lại "thanh xuân" mà nhiều chị em tin tưởng, lựa chọn nhưng đằng sau nó cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm.

Đêm 14/10, một phụ nữ 59 tuổi, sống tại TP.HCM đã tử vong sau khi trải qua phẫu thuật thẩm mỹ tại một cơ sở tư nhân. Được biết, trước đó vài ngày, bệnh nhân có đến thực hiện căng da mặt và có tiền sử bơm silicon hai bên má. Sau khi được phẫu thuật căng da mặt, sức khỏe người phụ nữ xấu số vẫn bình thường. Đến gần nửa đêm cùng ngày, cô bắt đầu khó thở, mặt tím tái, mất phản xạ, ngưng tim.

Mặc dù đã được đưa đến bệnh viện ngay và tích cực điều trị nhưng đến tối 14/10, bệnh nhân đã không qua khỏi và tử vong. Kết luận nguyên nhân chính thức còn chờ kết quả khám nghiệm, nhưng bác sĩ điều trị xác định nguyên nhân ban đầu có thể do bệnh nhân sốc thuốc. 

Phẫu thuật căng da mặt là gì?

Phẫu thuật căng da mặt được nhiều chị em ưa chuộng nguy hiểm thế nào? - Ảnh 1

Theo thời gian, da và các mô dưới da mất dần đi tính đàn hồi tự nhiên, từ đó xuất hiện các nếp nhăn và da mặt trở nên chảy xệ. Phẫu thuật căng da mặt sẽ giúp nâng và thắt chặt các mô ở mặt.

Căng da mặt là việc loại bỏ da thừa, làm mờ các nếp nhăn. Căng cơ mặt thường tập trung vào 2/3 phần dưới của khuôn mặt và phần cổ. Mọi người có thể đi căng da mặt vì nhiều lý do khác nhau nhưng phổ biến nhất là mong muốn xóa đi các dấu hiệu lão hóa trên khuôn mặt.

Phương pháp căng da mặt

1. Căng da mặt xâm lấn

Bác sĩ sẽ dùng dao tạo một đường phẫu thuật dọc theo đường thái dương kéo dài xuống chu vi của tai và vào trong đường chân tóc của gáy. Nên sẹo đa phần được che giấu trong tóc và sẹo rất nhỏ. 

Qua đường rạch da, bác sĩ sẽ bóc tách da khỏi lớp tổ chức dưới da, bóc tách khâu chặt và cố định lớp SMAS (một lớp mô bao gồm cơ mặt và mô liên kết).

Trường hợp cần căng da vùng cổ khi phẫu thuật căng da mặt, bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ phía dưới cằm, qua đó có thể khâu cơ cổ và loại bỏ phần tổ chức chảy xệ.

Phẫu thuật căng da mặt được nhiều chị em ưa chuộng nguy hiểm thế nào? - Ảnh 2

2. Căng da mặt bằng hút mỡ

Hút mỡ thường được thực hiện trong thời gian căng da mặt hoặc căng da cổ để loại bỏ chất béo dư thừa từ các khu vực khác nhau của khuôn mặt và cổ. Thông thường, chất béo được lấy ra từ dưới cằm và trên khắp khu vực cổ. Khi thực hiện hút mỡ, phẫu thuật viên sẽ rạch một vết rạch nhỏ, thường là dưới cằm. Sau đó sẽ sử dụng một ống thông nhỏ gắn vào một thiết bị hút cẩn thận loại bỏ các chất béo cho phép để căng da vùng cằm và vùng cổ.

3. Căng da mặt bằng chỉ

Hiện nay hai phương pháp căng da bằng chỉ được sử dụng phổ biến và mang lại hiệu quả hơn hẳn là căng da bằng chỉ vàng và căng da bằng chỉ collagen.

Khi dùng một trong hai phương pháp này sẽ giúp tuần hoàn máu ngay tại nơi cấy chỉ, làm kích thích sự sản sinh của collagen, elastin, giúp da hồng hào một cách tự nhiên.

Trước tiên, bác sĩ sẽ tiến hành gây tê cục bộ, sau đó dùng kim mỏng cấy chỉ lên vùng điều trị. Thời gian thực hiện kéo dài khoảng từ 30-45 phút.

Đối tượng được phép căng da mặt

Phẫu thuật căng da mặt được nhiều chị em ưa chuộng nguy hiểm thế nào? - Ảnh 3

Căng da mặt phù hợp với làn da lão hóa mức nhẹ, đến mức trung bình. Đối tượng  bệnh nhân có độ tuổi từ 35 đến 50. Các bệnh nhân trên 55 vẫn có thể phẫu thuật nếu thuộc những trường hợp sau thì không được phép phẫu thuật:

- Huyết áp cao

- Tiểu đường loại 2

- Bệnh tim mạch

Điều quan trọng là bệnh nhân phải hiểu rằng tất cả phương pháp đều không tạo ra kết quả vĩnh viễn.

Căng da mặt có tiềm ẩn rủi ro gì?

Có thể thấy rằng các kỹ thuật phẫu thuật căng da mặt rất phức tạp, đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối cũng như các bác sỹ phẫu thuật có tay nghề cao. Nhiều trường hợp không lựa chọn cơ sở thẩm mỹ cũng như bác sỹ phẫu thuật có khả năng cao mà dẫn đến những biến chứng như nhiễm trùng, sốc phản vệ, liệt cơ mặt (tổn thương dây thần kinh trong quá trình bóc tách da)…  Thậm chí nhiều trường hợp cơ địa da không tốt hay do quá trình phẫu thuật không thành công khiến da bị sẹo lớn trên vùng mặt hay sẹo lồi mất thẩm mỹ. Có thể thấy chỉ một sai sót nhỏ thôi cũng dễ dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Bên cạnh đó kỹ thuật bóc tách da rất đau đớn, sau phẫu thuật bạn cũng cần thời gian nghỉ dương để vùng mặt hết sưng, vết thương có thời gian lành lại. Như vậy không chỉ chuẩn bị chi phí mà cả thời gian cho cuộc phẫu thuật.

Phẫu thuật căng da mặt được nhiều chị em ưa chuộng nguy hiểm thế nào? - Ảnh 4

Biến chứng thường gặp của phẫu thuật căng da mặt và cổ là:

- Mất tóc: Thường gặp mất tóc vùng thái dương, có thể tạm thời hoặc vĩnh viễn (trường hợp mất tóc vĩnh viễn phải phẫu thuật can thiệp lại); đường chân tóc có thể bị kéo lên.

- Liệt mặt: Do tổn thương nhánh thần kinh số 7, đây là tổn thương hiếm gặp (ít hơn 1% trong y văn thế giới). Liệt mặt có biểu hiện nhắm mắt không kín, giảm hoạt động của miệng và sự teo dần dần của mặt bên liệt. Liệt mặt thường tổn thương một phần, ảnh hưởng đến một nửa khuôn mặt. Nó có thể tự phục hồi sau một thời gian, nhưng cũng có thể tồn tại vĩnh viễn.

- Giảm cảm giác vùng tai: thường do tổn thương nhánh thần kinh cảm giác cho tai (nhánh tai sau) có thể gặp. Nó biểu hiện đau dọc đường đi của nhánh thần kinh này, thường sẽ tự phục hồi cùng với thời gian; dái tai có thể bị kéo xuống dưới và ra trước, do sức căng lớn của sẹo vùng trước tai. Sau 6 - 12 tháng, nếu nó vẫn còn tồn tại, cần làm một phẫu thuật nhỏ để đưa dái tai trở lại vị trí bình thường.

Sở Y tế chỉ đạo làm rõ vụ phụ nữ tử vong sau khi làm đẹp ở BV Kangnam

Sở Y tế TP.HCM sẽ thành lập hội đồng chuyên môn để điều tra nguyên nhân cái chết của phụ nữ quốc tịch Mỹ, sau khi người này căng da mặt tại Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam.

TIN MỚI NHẤT