Một nghiên cứu mới đây cho thấy hàng chục triệu người Mỹ đang hít phải các hóa chất gây ung thư ở nội thất ô tô mỗi ngày.
Ước tính 124 triệu người Mỹ dành trung bình 1 giờ ngồi trong ô tô mỗi ngày.
Luật liên bang Mỹ quy định nội thất của ô tô phải chứa chất chống cháy - những hoá chất giúp chúng khó cháy hơn trong trường hợp va chạm.
Những hóa chất này đã trở thành một phần bắt buộc của những chiếc ô tô hiện đại kể từ những năm 1970 khi Cơ quan Quản trị An toàn Lưu thông Đường bộ Quốc gia Mỹ (NHTSA) thông qua luật yêu cầu sử dụng chúng.
Phát biển về nghiên cứu, Patrick Morrison thuộc Hiệp hội Cứu hỏa Quốc tế cho biết rằng những hóa chất này không có tác dụng nhiều trong việc chống cháy - mà thay vào đó chỉ gây "nhiều khói và độc hại hơn".
Theo nghiên cứu, 99% ô tô được điều tra đều chứa hóa chất tris (1-chloro-isopropyl) phosphate (hay TCIPP), được Chương trình Độc chất Quốc gia Mỹ điều tra vì có tiềm năng gây ung thư.
Hầu hết ô tô cũng có 2 chất chống cháy phosphate khác đang được tiểu bang California điều tra vì có tiềm năng gây ung thư, đó là: tris (1,3-dichloro-2-propyl) phosphate (TDCIPP) và tris (2-chloroethyl) phosphate (TCEP).
Cả ba loại hóa chất này đều có liên quan đến các vấn đề về sinh sản và thần kinh - cụ thể là do chúng không cố định trên sợi vải khi được thêm vào.
Các hóa chất chống cháy này sẽ bay hơi hoặc rò rỉ từ ghế và vải nội thất ra không khí, nhất là trong thời tiết nóng, khi nội thất ô tô có thể lên đến 65 độ C.
Các nhà nghiên cứu y tế đã phát hiện ra rằng trung bình trẻ em Mỹ đã mất tới 5 điểm IQ do tiếp xúc với chất chống cháy trong ô tô và đồ nội thất.
Người trưởng thành có mức độ chất chống cháy trong máu cao nhất phải tăng nguy cơ tử vong do ung thư gấp 4 lần so với những người có mức độ thấp nhất.
Ông Morrison nói thêm rằng "lính cứu hỏa lo ngại chất chống cháy góp phần dẫn tới tỷ lệ ung thư rất cao ở họ".