Trung thu là dịp nhiều gia đình quây quần để thưởng thức những chiếc bánh thơm ngon. Nhưng nhiều người lo ăn nhiều sẽ bị béo, tăng đường huyết, mỡ máu… Vậy ăn bánh Trung thu thế nào để không tăng cân và gây hại sức khỏe?
- 6 đại kỵ khi ăn bánh Trung thu, ai cũng nên biết tránh gây hại cho sức khỏe
- Những tác hại của bánh trung thu với sức khoẻ khi ăn không đúng cách
Tết Trung thu đang đến gần, bánh trung thu là thứ không thể thiếu trong mỗi gia đình vào ngày này. Bánh trung thu ngon miệng, hấp dẫn. Trong bánh chứa nhiều năng lượng, có độ béo và ngọt rất cao.
So với một bát cơm 110g thì một chiếc bánh trung thu chứa lượng bột đường bằng 2-3 bát cơm. Bánh trung thu chứa nhiều chất béo phần lớn từ thịt mỡ động vật, hạt dưa, hạt điều, vừng… Một chiếc bánh trung thu chứa lượng chất béo bằng 1-2 lần lượng chất béo của một bát phở bò.
Ăn bánh Trung thu đúng cách
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, với những người thể trạng bình thường chỉ nên ăn một miếng nhỏ (bằng 1/8 chiếc bánh) sau bữa ăn là đủ.
Với những người thừa cân, béo phì thì nên giới hạn lượng bánh được ăn trong ngày, khẩu phần ăn trong ngày sẽ trừ bớt phần do bánh cung cấp.
Nếu ăn ½ bánh dẻo hoặc bánh nướng thì trong ngày phải bớt đi khoảng 1 bát cơm và lượng thức ăn tương ứng, đồng thời tăng lượng rau xanh để tống chất béo ra ngoài và ngăn ngừa tăng đường huyết nhanh. Nếu không giảm phần cơm thì nhớ đi bộ thêm 30 phút để tiêu hao bớt năng lượng dư thừa.
Với người mắc bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng nên lựa chọn các sản phẩm dùng cho người ăn kiêng ít đường và ít chất béo, mặc dù vậy vẫn phải ăn rất hạn chế để kiểm soát lượng đường huyết tăng cao.
Ngoài ra, khi đã ăn bánh trung thu thì nên giảm bớt các thực phẩm khác, đặc biệt là cơm, bánh mì, bún, phở… Để giảm vị ngọt, có thể ăn kèm bánh với hoa quả có nhiều nước và chỉ số đường thấp hoặc uống trà khi ăn bánh…
Những lưu ý khi ăn bánh Trung thu để không tăng cân và gây hại sức khỏe?
Nên ăn bánh trung thu vào ban ngày: Tốt nhất nên ăn bánh trung thu vào buổi sáng hoặc trưa, nên ăn ít hoặc cố gắng không ăn vào buổi tối, nhất là đối với người cao tuổi. Nếu không, nó có thể gây đông máu, huyết khối và các bệnh tim mạch khác. Đồng thời, việc ăn bánh trung thu vào ban ngày sẽ tạo ra một khoảng thời gian thích hợp để cơ thể xử lý phần năng lượng được nạp vào.
Không nên sử dụng bánh để lâu, quá hạn sử dụng hoặc nhiều chất bảo quản: Vì bánh trung thu chứa nhiều chất béo nên nếu bảo quản quá lâu sẽ dễ khiến nhân bánh bị biến chất. Bánh trung thu nên ăn khi mua về hoặc bảo quản đúng cách để tránh bị hư hỏng.
Không ăn cùng trà đặc, cà phê, nước có ga: Bánh Trung thu thường rất ngọt. Trong khi nước có ga, cà phê, trà đặc cũng rất ngọt hoặc chứa lượng lớn caffeine. Nhiều caffeine hoặc chất kích thích luôn được coi là “kẻ thù” của cao huyết áp. Tốt nhất bạn nên kết hợp bánh Trung thu với nước ép trái cây tươi, trái cây có vị chua.
Các bác sĩ khuyến cáo, thành phần chất béo trong bánh phần lớn là từ thịt mỡ, là loại chất béo no gây nhiều tác hại. Lượng chất béo tương đương 1 - 2 lần lượng chất béo trong một tô phở bò. Chất đạm trong bánh khá cao, thường là đạm động vật và nếu bảo quản không tốt sẽ dễ bị ôi, mốc gây ra ngộ độc.
Do qua nhiều khâu chế biến nên lượng vitamin còn lại trong bánh cũng hao hụt đáng kể nên việc ăn nhiều bánh trung thu chưa chắc đã tốt mà còn có thể mang lại những ảnh hưởng xấu cho cơ thể.