Sau khi đi bộ thể dục, bà Mai thấy chân trái đau tăng dần rồi sưng to gấp 1,5 lần bình thường, không thể vận động.
- Bác sĩ khuyên những thức ăn, nước uống không nên dùng khi đói, có rất nhiều thứ ai cũng ăn sai cách
- Những thực phẩm được coi là "thần dược vạn năng", ai cũng thi nhau mua nhưng sự thật bất ngờ
Chân sưng to sau khi đi bộ
ThS.BS Phan Thảo Nguyên, Trưởng khoa Nội tim mạch người lớn, Trung tâm tim mạch, BV E cho biết, bệnh nhân Đặng Thanh Mai, 50 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội đến BV khám trong tình trạng chân trái sưng to và đau đớn, mạch mu chân rõ, chân trái hầu như không thể vận động được.
Bà Mai cho biết, lâu nay vẫn giữ thói quen đi bộ tập thể dục. Tuy nhiên cách đây vài tháng, bà bất ngờ thấy chân trái bị đau, sau đó sưng to dần gấp 1,5 lần bình thường, không thể đi lại nên mới đến BV khám.
Các bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân làm siêu âm hệ động tĩnh mạch chi dưới, chẩn đoán bệnh nhân mắc bệnh thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới cấp tính vùng chậu đùi.
Bệnh nhân được điều trị nội khoa bằng các thuốc chống đông đường uống, đường tiêm và các biện pháp hỗ trợ, đồng thời được làm các xét nghiệm để xác định nguyên nhân.
Tuy nhiên sau 4 ngày điều trị triệu chứng, tình trạng bệnh thuyên giảm ít, chân trái bệnh nhân vẫn sưng to, phù và không đi lại được… Siêu âm kiểm tra cho thấy huyết khối tĩnh mạch chậu trái đã lan một phần vào tĩnh mạch chủ dưới và di động có thể gây huyết khối động mạch phổi và đe dọa tính mạng của người bệnh bất cứ khi nào.
Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định phẫu thuật, đưa lưới lọc tĩnh mạch vào tĩnh mạch chủ dưới nhờ hướng dẫn của hệ thống chụp mạch để tránh nguy cơ thuyên tắc động mạch phổi.
Huyết khối tĩnh mạch sâu được hút bằng dụng cụ đặc biệt đi ngược dòng từ động mạch khoeo bên trái. Rất nhiều huyết khối cũ và mới đã được kíp can thiệp hút ra ngoài.
Thời gian can thiệp kéo dài 60 phút, đây là phương pháp đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng, tuy nhiên tại Việt Nam rất ít nơi triển khai. Sau can thiệp, không còn hình ảnh huyết khối ở vùng tĩnh mạch chậu trái, bệnh nhân tỉnh táo trong suốt quá trình làm.
Sau can thiệp 1 ngày, các triệu chứng như đau nhức, phù nề… ở vùng chân trái của bệnh nhân đã giảm rõ rệt. Bệnh nhân không còn cảm giác đau đớn khi vận động.
Triệu chứng âm thầm, có thể đột tử
BS Nguyên cho biết, bệnh thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch sâu ở chi dưới là tình trạng tắc nghẽn tĩnh mạch ở một số bộ phận như vùng đùi, cẳng chân, khoeo chân, tĩnh mạch chậu do sự hình thành cục máu đông gây lấp lòng mạch.
Hiện chưa rõ nguyên nhân gây bệnh, tuy nhiên, bệnh thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch sâu ở chi dưới thường xảy ra trên những người có bệnh sử gia đình, tuổi cao, béo phì, phụ nữ có thai hoặc ở các bệnh nhân có các bệnh lý tăng đông như bệnh về thận, bệnh thiếu hụt yếu tố đông máu…
“Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới là một bệnh lý ít biểu hiện triệu chứng nên thường phát hiện muộn. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây nguy cơ thuyên tắc mạch phổi, có thể gây đột tử”, BS Nguyên nhấn mạnh.
Trước đây với các trường hợp huyết khối tĩnh mạch sâu người bệnh chỉ được điều trị nội khoa và chờ đợi cục máu đông tiêu dần.
Tuy nhiên các triệu chứng sẽ thuyên giảm rất chậm, chân căng, tức, hạn chế đi lại làm người bệnh khó chịu rất nhiều.
Hiện nay, nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là sự phát triển của can thiệp tim mạch, một số ít cơ sở tim mạch tại Việt Nam bắt đầu áp dụng phương pháp can thiệp để lấy huyết khối.
Theo BS Nguyên, thuyên tắc tĩnh mạch chi dưới không có dấu hiệu, triệu chứng nên rất khó phát hiện bệnh sớm. Nếu người bệnh có các triệu chứng như chân sưng nhiều, nặng chân, tức, đau dọc theo đường đi của tĩnh mạch, nổi tĩnh mạch ngoại biên… thì 50% có nguy cơ mắc bệnh.
Do đó cách tránh bệnh hiệu quả nhất trên những nhóm nguy cơ là nên chủ động thăm khám định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời, giảm được nguy cơ biến chứng.