Đau xương hông là tình trạng nhiều người gặp phải. Vậy đau xương hông là bệnh gì? Nguyên nhân do đâu và cách điều trị ra sao? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé!
- Cách làm tôm cuộn khoai tây giòn ngon hấp dẫn, chuẩn chất lượng nhà hàng tại nhà!
- Cách làm bầu xào tỏi chuẩn ngon, đưa cơm và siêu đơn giản tại nhà!
Nội dung bài viết
- Đau xương hông là bệnh gì?
- Các nguyên nhân gây ra tình trạng đau xương hông
- Khi nào cần phải khám bác sĩ?
- Cách điều trị chứng đau xương hông
Đau xương hông là bệnh gì?
Đau xương hông hay còn gọi là đau hông là tình trạng mà bạn cảm thấy đau nhức, khó chịu ở vùng hông. Triệu chứng đau xương hông có thể là các cơn đau nhói, đau âm ỉ, đau lan xuống đùi, mông, dây chằng và có thể kéo dọc xuống hai chân. Tùy theo nguyên nhân khác nhau mà có người chỉ bị đau xương hông bên phải phải, có người chỉ đau xương hông bên trái, cũng có trường hợp đau tất cả vùng hông và xương chậu.
Đau xương hông là tình trạng khá phổ biến ở cả nam và nữ ở nhiều độ tuổi. Đặc biệt, tình trạng đau nhức xương hông thường gặp ở những người lớn tuổi, thường xuyên vận động mạnh hoặc lao động nặng nhọc. Các cơn đau xương hông thường khiến bạn cảm thấy đau nhức, mệt mỏi và khó chịu, ảnh hưởng lớn đến việc sinh hoạt.
Các nguyên nhân gây ra tình trạng đau xương hông
Tại sao bạn lại bị đau xương hông? Đây chắc chắn là câu hỏi mà bất cứ ai khi gặp phải tình trạng này cũng đều thắc mắc và muốn biết. Nguyên nhân gây ra tình trạng đau xương hông có rất nhiều, tuy nhiên có thể kể ra một số những nguyên nhân chính như sau:
1. Đau xương hông ở bà bầu khi mang thai
Phụ nữ mang thai rất nhiều người gặp phải tình trạng đau xương hông, đau xương mu và đau nhức vùng hố chậu. Cơn đau này hoàn toàn không phải do bệnh lý gì gây ra mà là do phản ứng tự nhiên của cơ thể người mẹ khi mang thai. Mức độ đau xương hông của mỗi bà bầu là khác nhau tùy theo thể chất và cơ địa của mỗi người.
Quá trình mang thai khiến cơ thể phụ nữ sinh ra một loại hormone tên là relaxin, khiến các dây chằng vùng chậu mềm và giãn ra, để dễ dàng cho việc chuyển dạ, sinh con. Tuy nhiên, quá trình này lại làm cho các khớp ở vùng chậu cũng bị giãn ra, mất ổn định. Thêm vào đó, thai nhi càng lớn càng gây áp lực lên vùng xương chậu của người mẹ, gây ra những cơn đau xương hông, có kèm theo cả đau xương chậu và vùng xương mu.
Cách giải quyết đơn giản nhất khi mẹ bầu bị đau xương hông là hãy nằm nghỉ ngơi. Mẹ bầu nên duỗi thẳng chân cho thật thoải mái, nên kê thêm gối mềm để dễ chịu hơn.
2. Đau xương hông do các bệnh lý về cơ xương khớp
Viêm khớp là nguyên nhân gây ra tình trạng đau xương hông nhiều nhất. Các chứng bệnh về cơ xương khớp thường gây nên các cơn đau xương hông đó là:
- Thoái hóa khớp hông: Thoái hóa khớp là tình trạng suy giảm chức năng của sụn khớp khu vực xương hông, xương chậu. Nguyên nhân là do lớp sụn bị mài mòn, kéo theo những hư tổn của xương dưới sụn ngay tại mỏm xương hông. Đó chính là nguyên nhân gây ra các cơn đau xương hông.
- Viêm khớp háng: Các cơn đau vùng khớp háng, có thể lan ra trong đùi, tòan bộ phần mông rồi kéo xuống phần chân. Đây là bệnh lý nguy hiểm và cần phải điều trị sớm để tránh những biến chứng.
- Hội chứng thắt lưng hông: Hội chứng này gây ra các cơn đau lan từ cột sống, xuống tới mông và hông rồi lan tới phần phía sau của đùi. Thường thì hội chứng này hay gây ra các cơn đau xương hông bên trái.
- Đau dây thần kinh liên sườn: Khi dây thần kinh liên sườn bị tổn thương, cơn đau từ những đốt sống vùng tủy ngực chạy dọc theo xương sườn rồi xuống mông và gây ra các cơn đau vùng hông, mông.
- Các bệnh khác: Các chứng bệnh như thoát vị đĩa đệm, viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, viêm gân, viêm khớp nhiễm khuẩn… cũng đều có khả năng gây ra tình trạng đau xương hông.
3. Đau xương hông do bị chấn thương
Một trong các nguyên nhân dẫn đến việc bạn bị đau xương hông là do bị chấn thương trong quá trình vận động. Cụ thể, trật khớp, gãy xương hông, bong gân hay thoát vị vùng bẹn là các trường hợp phổ biến nhất khiến cho xương hông bị đau nhức. Nếu do các nguyên nhân này, thì việc bạn cần làm là điều trị vết thương để phục hồi lại vùng khớp xương bị tổn thương. Đến khi các vết thương lành lại thì cơn đau xương hông của bạn cũng sẽ biến mất.
Khi nào cần phải khám bác sĩ?
Ngoài trường hợp đau xương hông khi mang thai thì đa số các trường hợp khác đều nên tới cơ sở y tế để được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám.
Nếu các cơn đau chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và bạn hồi phục lại hoàn toàn bình thường, khỏe mạnh thì bạn không cần phải quá lo lắng. Tuy nhiên trong những trường hợp đau xương hông sau đây, bạn cần đến bệnh viện để thăm khám càng sớm càng tốt:
- Kèm theo các cơn đau xương hông là tình trạng khớp bị biến dạng.
- Cơn đau khiến bạn bị mất khả năng di chuyển của chân và cử động của hông (ví dụ xoay, cúi, gập, nghiêng người).
- Các cơn đau có dấu hiệu tăng dần về mức độ và tần suất, bạn thấy đau nhức nhối và khó chịu ở vùng hông và lan ra các vùng xung quanh.
- Không chỉ đau xương hông mà khi ấn vào bạn thấy vùng hông bị nóng, đỏ, sưng tấy.
- Bạn gặp bất kỳ một dấu hiệu nhiễm trùng (sốt, ớn lạnh, đỏ) kèm theo tình trạng đau nhức.
- Bạn bị đau xương hông sau ngã hoặc chấn thương, phải tới cơ sở y tế ngay để xử lý vết thương.
- Bạn có thể nghe thấy tiếng kêu lục cục hoặc lạo xạo từ trong khớp hông.
Cách điều trị chứng đau xương hông
- Sử dụng thuốc theo sự kê đơn của bác sĩ: Bạn cần đến cơ sở y tế được điều trị nhanh chóng và chính xác nhất, tuyệt đối không nên tự ý dùng các loại thuốc để điều trị tại nhà.
- Nghỉ ngơi: Khi có triệu chứng đau hông người bệnh cần phải nghỉ ngơi, tránh uốn cong, nghiêng người nhiều lần ở hông hay tạo áp lực trực tiếp lên hông. Đồng thời cũng cần tránh nằm hoặc ngồi lâu ở tư thế nghiêng sang bên phía đau.
- Sử dụng thuốc giảm đau: Người bị đau hông có thể sử dụng những loại thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen, ibuprofen, và naproxen natri… để giảm đau hông. Tuy nhiên, phương pháp này không được khuyến khích và dùng thuốc cần có sự tư vấn, chỉ định của bác sĩ.
- Tập thể dục thường xuyên: Các bài tập dành riêng cho người bị đau xương hông có thể giúp cải thiện các cơn đau của bạn. Một số động tác yoga chuyên biệt giúp kéo giãn cơ, giảm tắc nghẽn mạch máu và giúp giảm đau khá hiệu quả.
- Chườm nóng/lạnh: Khi các cơn đau xảy ra, bạn có thể sử dụng đá viên bọc trong một chiếc khăn để áp dụng phương pháp chườm lạnh trực tiếp tại vùng hông đau của bạn. Bạn cũng có thể tắm nước ấm để giúp các cơ bắp được thư giãn, cơn đau vì thế cũng giảm đi.
Trên đây là thông tin chi tiết về hiện tượng đau xương hông, cũng như một vài biện pháp điều trị tại nhà. Hy vọng với các thông tin mới được chia sẻ trên đây, sẽ phần nào giúp các chị em có được thông tin hữu ích trong quá trình điều trị bệnh lý này nhé! Chúc các chị em luôn khỏe mạnh!