Các chuyên gia chỉ ra rằng, những lo lắng về công việc chưa hoàn thành sẽ khiến não chỉ đạo việc ngủ xảy ra khó khăn hơn.
- Không phải kẹo cao su, đây mới là thực phẩm giúp hơi thở có mùi trở nên thơm tho cả ngày
- Cẩn thận khi kinh nguyệt có màu đen: nguyên nhân và cách điều trị như thế nào?
Từ xưa đến nay có khá nhiều phương pháp, lời khuyên được đưa ra để giúp bạn ngủ nhanh và ngon hơn.
Nhưng nghiên cứu mới đây đăng trên tạp chí Jourrnal of Experimental Psychology đã mách bạn 1 cách hoàn toàn mới để ngăn chặn việc trằn trọc, khó ngủ. Đó là trước khi đi ngủ dành ra 5 phút để viết 1 list việc cần làm vào vài hôm tới.
Việc này sẽ như 1 cách giúp bạn giải tỏa lo lắng tinh thần, từ đó dỡ bỏ suy nghĩ dai dẳng của não về những việc dang dở, cần phải lo lắng ngày hôm sau.
Tác giả chính của nghiên cứu, tiến sĩ Michael Scullin thuộc ĐH Baylor ở Texas nói: "Chúng ta sống trong một nền văn hóa 24/7 mà ở đó danh sách các việc phải làm dường như tăng lên không ngừng. Nó khiến chúng ta phải lo lắng về những thứ chưa hoàn thành trước khi đi ngủ."
Ông chia sẻ thêm: "Hầu hết mọi người luôn quay cuồng với những việc chưa hoàn thành và nghĩ về nó suốt ngày. Vì vậy chúng tôi muốn khám phá xem liệu hành động viết chúng ra có thể giúp giải quyết những khó khăn khi ngủ vào ban đêm hay không?".
Để kiểm chứng cho giả thuyết này, các khoa học đã mời 57 người (cả nam và nữ) tuổi từ 18 - 30 dành 1 tuần ngủ trong phòng thí nghiệm dưới sự kiểm soát của giới chuyên gia.
Theo đó, họ sẽ được chia làm 2 nhóm, nhóm 1 sẽ viết danh sách hoạt động họ đã hoàn thành, nhóm 2 viết danh sách việc cần làm trước khi đi ngủ. Được biết, cả 2 nhóm đều sẽ cùng tắt đền ngủ lúc 22h30, không sử dụng thiết bị công nghệ, bài tập nào trước khi ngủ cả.
Kết quả cho thấy, nhóm 2 ngủ thiếp đi nhanh hơn - hơn 9 phút so với nhóm người đã viết các công việc đã hoàn thành.
Thực tế, những người càng viết ra cụ thể danh sách công việc của mình càng nhanh chóng đi vào giấc ngủ hơn. Còn những người viết về các nhiệm vụ đã hoàn thành lại có xu hướng ngược lại.
Đối với nhiều người, ngủ sớm 9 chút không có nhiều ý nghĩa, nhưng khoảng thời gian này lại có thể được so sánh với tác dụng của một số loại thuốc ngủ trong thử nghiệm lâm sàng, Scullin cho biết trên tạp chí Time.
Một nghiên cứu tương tự vào năm 2006 cũng đã cho thấy rằng chỉ cần 10 phút ngủ trưa là đủ để cải thiện năng lượng và chức năng nhận thức của những người tham gia.
Theo các tác giả, nghiên cứu mới sẽ có thể được hoàn thiện hơn nữa nếu được tiến hành trên quy mô lớn hơn và có thêm nhiều dữ liệu về tính cách cũng như khuynh hướng lo lắng của mỗi người tham gia.
Tuy nhiên, kết quả của nghiên cứu này phù hợp với những nghiên cứu khác đã được công bố về khả năng trị liệu của việc viết nhật ký hàng ngày. Như việc viết ra những cảm xúc và căng thẳng trong 20 phút mỗi ngày có thể tăng cường chức năng miễn dịch ở những bệnh nhân mắc chứng hen và viêm khớp.
Vì vậy, nếu cảm thấy khó ngủ, hãy thử viết ra những điều bạn phải thực hiện vào ngày hôm sau xem có cải thiện hơn không nhé!