Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết, các bệnh viện nhi tại TP. HCM đều đủ khả năng để cách ly cũng như điều trị trong trường hợp có trẻ nhỏ nhiễm virus corona.
- Nếu không có triệu chứng bệnh viêm đường hô hấp cấp, có nhất thiết phải đeo khẩu trang nơi công cộng?
- Vì sao người lớn dễ mắc virus Corona hơn trẻ em?
Tính đến chiều ngày 4/2, cả thế giới đã ghi nhận hơn 20.000 ca mắc virus corona, trong đó có 427 trường hợp tử vong. Trong đó, bệnh nhân nhỏ nhất là một em bé 7 tháng tuổi đang sinh sống tại Thượng Hải, sau khi tiếp xúc với người họ hàng đến từ tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc).
Trước đó, Bắc Kinh thông báo bé trai 9 tháng tuổi cũng bị nhiễm loại virus nguy hiểm này. Hiện tại, bé đang hồi phục và chuẩn bị được xuất viện.
Điều này đã dấy lên nhiều lo ngại trong lòng các bậc phụ huynh, đặc biệt là những người có con dưới 1 tuổi. Do đó mới đây, chương trình tư vấn sức khỏe trực tiếp trên 365 FM của Mạng Xã hội giao thông 91.com.vn đã mời bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng Khoa Nhiễm-Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 - đến để giải đáp các thắc mắc của các quý vị thính giả với chủ đề: Làm thế nào để phòng tránh dịch nCoV cho trẻ nhỏ.
Một người dùng Facebook đặt câu hỏi: Nếu một người mẹ bị nhiễm virus corona, đang trong thời gian ủ bệnh và vẫn cho con bú thì có thể lây sang con không? Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, khả năng virus tiết qua sữa mẹ trong thời gian ủ bệnh là gần như không có, chủ yếu là qua đường tai mũi họng.
"Khi cơ thể người mẹ mắc bệnh về đường hô hấp thì vẫn phải cho con bú, chỉ cần đeo khẩu trang. Bởi vì khi mắc bệnh, cơ thể người mẹ chứa kháng thể, mà kháng thể lại đi qua sữa nên vẫn phải tiếp tục cho con bú", ông giải thích.
Chính vì thế, bác sĩ Khanh khuyên các phụ huynh nên cho con uống sữa mẹ vì đây là nguồn tăng cường miễn dịch tốt nhất, bên cạnh việc cho con ăn uống đủ chất. Với các trẻ lớn tuổi hơn, cha mẹ cần tập trung vào 2 yếu tố quan trọng nhất của sức đề kháng - giấc ngủ và lượng nước.
"Em bé phải ngủ đúng giờ, đủ giấc và uống đủ nước. Các loại thức ăn như trái cây tươi và rau xanh vốn chứa rất nhiều vitamin, nên cũng không cần phải sử dụng thêm các chế phẩm đặc biệt nào khác", bác sĩ cho biết.
Đối với thắc mắc liệu virus nCoV có lây từ mẹ sang con qua nhau thai không, bác sĩ Khanh khẳng định hiện tại chưa có nghiên cứu nào cho thấy điều đó. "Tuy nhiên, người phụ nữ mang thai thường có miễn dịch giảm. Không chỉ virus nCOV mà các tác nhân gây bệnh khác cũng có thể khiến phụ nữ mang thai mắc bệnh nặng hơn thông thường," ông lưu ý.
Nhiều phụ huynh cũng bày tỏ lo lắng về độ an toàn trong môi trường lớp học, dù các trường đã tiến hành phun thuốc sát trùng, khử trùng đầy đủ trước khi đón học sinh quay trở lại vào tuần tới. Trước vấn đề này, bác sĩ Khanh trấn an rằng virus nCoV chủ yếu lây qua đường hô hấp, phải có nguồn bị nhiễm mới có thể lây. Vì thế, ông khuyên các nhà trẻ, trường học không nên cho phép người lạ vào thăm trường.
"Những người đi vào các nhà trẻ đó, cũng như những đứa trẻ trong đó, phải được đảm bảo là chưa từng tiếp xúc với nguồn lây", bác sĩ Khanh nhấn mạnh.
Trong trường hợp phụ huynh và các bé thường xuyên di chuyển bằng các phương tiện công cộng như xe buýt hay ô tô, cha mẹ cần yêu cầu tài xế mở hết cửa sổ cho thông thoáng, đẩy bớt không khí còn lưu lại bên trong. Ngoài ra, nếu tài xế không đeo khẩu trang thì cha mẹ cần đem theo khăn giấy để che miệng con trong quá trình di chuyển.
Trước thông tin cho rằng trẻ em không dễ bị nhiễm virus corona, bác sĩ Trương Hữu Khanh khẳng định điều này là đúng. "Cho tới hiện nay, có 3 bệnh khá giống nhau là SARS, MERS và nCoV và tỷ lệ người dưới 18 tuổi mắc là rất ít, đặc biệt là con nít", ông cho biết.
Tuy nhiên, bác sĩ Khanh cũng cảnh báo rằng ít không có nghĩa là không có. "Dù rất ít, chúng ta vẫn phải đảm bảo cho em bé được an toàn, phải thực hiện đúng các biện pháp phòng ngừa cho bản thân mình, cũng như cho em bé", ông khuyến cáo.
Ngoài ra, bác sĩ Khanh bổ sung rằng phụ huynh hoàn toàn có thể đưa con đi tiêm phòng cúm theo lịch kể cả trong thời điểm dịch bệnh này. "Quan trọng là mình chọn điểm tiêm phòng nào có kế hoạch khử trùng tốt. Thứ hai, phải đeo khẩu trang. Nếu em bé không chịu đeo khẩu trang, hãy bế em bé quay vào ngực áo, dùng khăn giấy che lại", ông gợi ý.
Bác sĩ Khanh cũng nói thêm, trong trường hợp trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh bị nhiễm virus nCoV, trẻ vẫn có thể tiếp tục bú sữa mẹ. "Cho tới hiện nay, 3 bệnh viện - Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhi đồng Thành phố - đều có chức năng cách ly những em bé nghi ngờ, và đủ khả năng điều trị cho những em bé nhiễm bệnh. Điều may mắn là chưa có em nào bị hết", ông nhấn mạnh.
Bác sĩ Khanh khẳng định bệnh do virus corona hoàn toàn có thể chữa khỏi được nếu được phát hiện sớm và hợp tác điều trị. Nó chỉ có khả năng đe dọa tử vong khi bệnh nhân biến chứng viêm phổi nặng. "Nó cũng chỉ là một virus thông thường. Vì thế, việc phòng ngừa, phát hiện sớm và trách nhiệm phải được thực hiện tối đa, còn cách điều trị thì không quá khó", ông cho biết.