Ăn tối trước 21h hoặc 2 tiếng trước khi ngủ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư

Sống khỏe 30/07/2018 14:22

Không chỉ là bạn ăn cái gì, ăn như thế nào mà ngay cả việc ăn lúc nào cũng ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn.

Sự liên quan giữa bữa ăn tối và bệnh ung thư

Gần đây, Tạp chí quốc tế về ung thư có đăng tải kết quả một cuộc nghiên cứu về sự liên quan giữa việc ăn tối và nguy cơ mắc bệnh ung thư.

Theo đó, những người ăn tối trước 21h hoặc ít nhất 2 tiếng trước khi đi ngủ có nguy cơ mắc ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt thấp hơn 20% so với những người ăn sau 22h hoặc đi ngủ ngay sau khi ăn đêm.

Cuộc nghiên cứu này có sự tham gia của 621 bệnh nhân mắc ung thư tuyến tiền liệt, 1205 bệnh nhân ung thư vú cùng nhóm đối chứng gồm 872 đàn ông và 1321 phụ nữ không mắc bệnh ung thư.

Những người này đều được các nhà nghiên cứu chọn ngẫu nhiên từ các trung tâm y tế ở Tây Ban Nha.

Các nhà nghiên cứu đã theo dõi lối sống sinh hoạt, thói quen cũng như thời gian ăn uống, ngủ nghỉ của mỗi người.

Bên cạnh đó, những người tham gia nghiên cứu cũng phải tuân thủ các thói quen phòng ngừa ung thư khác như hoạt động thể chất và hạn chế tiêu thụ rượu bia, chất kích thích.

Sau một thời gian dài nghiên cứu, kết quả cho thấy những người ăn trước 21h có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt ít hơn 25% và khả năng mắc ung thư vú thấp hơn 15% so với những người ăn sau 22h.

Những người ăn trước khi ngủ ít nhất 2 tiếng có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt ít hơn 26% và 16% đối với ung thư vú.

Ăn tối trước 21h hoặc 2 tiếng trước khi ngủ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư - Ảnh 1

Như vậy, những người ăn tối trước 21h sẽ giảm nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt và ung thư vú trung bình 18%. Người ăn tối trước khi ngủ ít nhất 2 tiếng sẽ giảm trung bình 20% nguy cơ mắc 2 loại ung thư trên.

Tiến sĩ Manolis Kogevinas, giáo sư nghiên cứu tại Viện Y tế Toàn cầu Barcelona, Tây Ban Nha và cũng là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: "Mọi người đều biết rằng nếu họ ăn tối muộn và đi ngủ ngay sau đó thì thức ăn sẽ không được chuyển hóa và họ sẽ khó có giấc ngủ ngon.

Nghiên cứu này chứng minh rằng thời gian ăn uống, ngủ nghỉ có liên quan tới nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt và ung thư vú".

Ăn tối trước 21h hoặc 2 tiếng trước khi ngủ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư - Ảnh 2

Mặc dù kết quả của cuộc nghiên cứu đều dựa trên các bằng chứng sinh học rõ ràng nhưng tiến sĩ Kogevinas cho rằng dữ liệu thu thập vẫn rất còn hạn chế.

Cần phải có thêm nhiều nghiên cứu với sự tham gia của nhiều người, không chỉ gói gọn trong lãnh thổ Tây Ban Nha mà đến từ những đất nước khác.

Chỉ khi kết quả của những cuộc nghiên cứu lớn được công bố, các chuyên gia mới có thể xác định được mức độ ảnh hưởng của khung giờ ăn tới nguy cơ mắc bệnh ung thư so với các yếu tố khác như béo phì và thói quen ăn uống không lành mạnh.

Trước đây cũng có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nguy cơ mắc ung thư vú và tuyến tiền liệt có mối liên hệ với ca làm việc đêm, sự rối loạn nhịp điệu sinh học hằng ngày hay chu kỳ thức - ngủ của mỗi người.

Ăn tối trước 21h hoặc 2 tiếng trước khi ngủ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư - Ảnh 3

Năm 2007, cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế nhận định, thời gian làm việc thay đổi sẽ làm gián đoạn nhịp điệu sinh học và là mối nguy hiểm đối với sức khỏe, có thể dẫn đến ung thư. Tuy nhiên, những người thường xuyên phải làm việc ca đêm không tham gia trong cuộc nghiên cứu này.

Catherine Marinac, nghiên cứu sinh ở viện ung thư Dana-Farber cho rằng kết quả của cuộc nghiên cứu mới này khá đồng nhất với cuộc nghiên cứu trước đó của cô.

Nghiên cứu của Marinac cho thấy việc ăn uống dựa theo đồng hồ sinh học của cơ thể giúp giảm nguy cơ tái phát ở những người từng mắc ung thư vú.

"Nhiều cuộc nghiên cứu đã phát hiện thấy những người ăn đêm muộn dễ bị béo phì hoặc suy giảm khả năng trao đổi chất.

Đặc biệt, chúng tôi cũng phát hiện ra những người ít ăn đêm thường có mức đường huyết ổn định hơn và nguy cơ tái phát ung thư thấp hơn.

Ngoài ra, sự gián đoạn đồng hồ sinh học và suy giảm khả năng đốt cháy glucose là những yếu tố có thể khiến việc ăn tối muộn có liên quan tới nguy cơ mắc bệnh ung thư", Marinac nói.

Tiến sĩ Ganesh Palapattu – Trưởng khoa Ung thư hệ Tiết niệu, Đại học Y Michigan, Mỹ (không trực tiếp tham gia nghiên cứu) cho biết, có nhiều vấn đề vẫn chưa được đưa vào nghiên cứu mới này, chẳng hạn như thông tin công việc và mức độ căng thẳng của mỗi người.

Tuy nhiên, ông cũng công nhận rằng phát hiện mới này đã kích thich sự tò mò và quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu khác.

Tiến sĩ Palapattu nói: "Không chỉ là bạn ăn cái gì, ăn như thế nào mà ngay cả việc ăn lúc nào cũng ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn".

Chủ quan vì tưởng bệnh thông thường để rồi ‘hối không kịp’ khi biết đó là dấu hiệu của ung thư vòm họng

Những dấu hiệu ban đầu của ung thư vòm họng rất dễ nhầm lẫn với viêm họng thông thường, chính vì vậy mà nhiều người thường chủ quan bỏ qua.

TIN MỚI NHẤT