Sau đây là những tuyệt chiêu xóa sạch bóng hình của người cũ, những người đã từng chia tay nên biết để có thể bắt đầu cuộc sống mới hạnh phúc hơn.
- Phụ nữ có quyền chọn cuộc sống và tình yêu bình thường nhưng đừng yếu đuối đến tầm thường
- Nếu người đàn ông làm 8 điều này, bạn có thể chắc chắn về tình yêu của anh ấy
Việc nhớ người cũ như một thói quen, mà đã là thói quen thì đồng nghĩa với nỗi đau day dứt không thể quên được. Giống như việc bạn thích một bản tình ca buồn, nhưng vì nó đau thương quá nên đã lâu không nghe. Đến khi bắt gặp giai điệu đó vang lên, bạn lại có cảm giác rất thân thuộc và nỗi đau lại ngự trị. Người cũ cũng vậy, đã từng rất thân thương nhưng vì một lý do nào đó cả hai không thể đi cùng nhau đến cuối con đường. Tuy đã không còn thuộc về nhau, nhưng hình bóng của họ cứ mãi quẩn quanh khiến ta không thể nào nguôi ngoai được.
Có những kỷ niệm về người cũ rất hạnh phúc, nhưng có những người cũ chỉ mang lại đau thương. Có người chỉ muốn quên ngay người cũ khi mới chia tay, nhưng có người suốt cuộc đời cũng chẳng thể quên được. Những ký ức mập mờ về người cũ vô tình khiến cho cuộc sống của chúng ta chậm lại một nhịp, khó mở lòng với người mới. Muốn “đánh bay” hình ảnh của người cũ để đón nhận người mới, bạn phải biết những mẹo tâm lý này.
Xác định nguyên nhân khiến bạn không quên được người cũ
Sau chia tay, những kỷ niệm là điều khó quên nhất. Giống như một bản nhạc cũ mà bạn vô tình nghe lại cũng gây ra nhiều cảm giác nhớ nhung. Việc nhớ người cũ cũng vậy, khi ai đó lỡ nhắc về anh ấy, tuy không còn thương nhưng cũng khiến bạn có cảm giác đau lòng. Việc quên đi một hình bóng quen thuộc chưa bao giờ là một điều dễ dàng. Nhưng cứ mãi chìm đắm trong những ký ức đó cũng không phải là việc làm tốt. Muốn quên người cũ, bạn phải tìm nguyên nhân tại sao mình lại nhớ người ấy. Từ đó, bạn sẽ có cách giải quyết tốt nhất. Chẳng hạn như, ngày yêu nhau, bạn và người ấy từng nghe bài hát gì, đến những đâu, từng ăn món gì… Khi đó, trong một thời gian, hãy cố gắng đừng nghe lại bản nhạc đó, cũng như đừng đến những nơi quen thuộc đó. Dần dần, bạn sẽ quên được người đó một cách nhẹ nhàng nhất.
Cho bản thân thời gian chấp nhận và quên đi
Cô bạn thân thường nói với tôi rằng: “Chuyện đã lâu rồi, giữ làm gì, quên đi mà sống”. Nhưng nói thì dễ làm mới khó, bạn chưa trải qua cảm giác đánh mất người cũ sẽ chẳng bao giờ biết đau đến dường nào. Thử nghĩ đi, một người từng rất thân thuộc, đi đâu cũng có nhau nhưng bỗng một ngày nào đó chẳng còn bên cạnh bạn nữa. Lúc đó bạn sẽ nghĩ gì? Có phải rất thất vọng và trống rỗng không? Đó là cảm giác mất mát và đau thương.
Vì vậy, khi kết thúc một mối tình, đừng bắt ép bản thân phải quên ngay, quên triệt để. Hãy cho mình một khoảng thời gian để chấp nhận, để chữa lành vết thương quá khứ mang lại. Sau đó, chúng ta sẽ có đủ sức mạnh để vượt qua và bắt đầu cuộc sống mới. Để bản thân nghỉ ngơi thoải mái một chút, đó là việc làm tốt nhất sau tổn thương. Thời gian sẽ chữa lành vết thương và giúp bạn quên người cũ, không còn vướng bận quá khứ.
“Nghĩ xấu” về tình cũ
Cách này có vẻ hơi ích kỷ nhưng lại có hiệu quả rất cao. Càng nghĩ xấu về tình cũ càng khiến bạn dễ quên những chuyện trong quá khứ hơn. Nhiều người sau chia tay thường cảm thấy tiếc nuối vì người cũ quá tốt, sợ sau này sẽ không có cơ hội gặp được người như vậy. Hoặc có người cố gắng nghĩ tốt về người cũ nhằm an ủi bản thân rằng mình đã từng có mắt nhìn người tốt như thế nào. Đừng suy nghĩ như vậy nữa, việc “nghĩ xấu” về người cũ như biện pháp lấy độc trị độc, càng đau càng khiến bạn dễ quên. Tuy nhiên, “nghĩ xấu” người cũ chứ đừng “nói xấu” người cũ trước mặt mọi người. Bởi việc đó sẽ không mang lại cho bạn sự đồng cảm mà chỉ tạo cơ hội cho người khác có dịp xem thường bạn. Họ sẽ nghĩ bạn như thế nào mới quen người tệ bạc như vậy.