Tết độc quyền

Phụ nữ yêu 28/01/2019 12:03

Tết với Mai như một sự ban thưởng. Ngoan thì được về quê, tốt thì được mua dồ. Trong khi cô đang cựa quậy với sự tù túng thì chồng cô lại hoan hỉ khoe, tết tự tay mua sắm cho vợ con là chồng xịn nhất xứ!

Mấy ngày nay, hàng xóm cứ xuýt xoa “nhà cô Mai nhận hàng ship nhiều thế”. Trưa nay cũng vậy, Mai vừa đi làm về thì người giao hàng đã đứng trước cửa nói vọng vào “chị là vợ anh Lương phải không ạ? Cho em gửi hàng”. Cầm mấy trăm nghìn giao cho họ, cô nén tiếng thở dài, chất gói hàng thành một dãy, góp vào bộ sưu tập mà chồng cô mua online qua mạng.

Mai chẳng thể kể được chuyện này cho ai, vì nói ra sẽ có người cho rằng cô khó tính hay cằn nhằn. Có người sẽ nói cô “số sướng mà không biết hưởng” khi họ thấy Mai được chồng mua giày, túi xách, thắt lưng. Ừ thì quan tâm, nhưng người ngoài làm sao biết, Mai mặc gì, mua gì là do chồng quyết định, chứ bản thân cô ít có quyền lựa chọn. Lý do cũng bởi chồng cô làm ra nhiều tiền hơn nên thích quản thúc chi tiêu.

Tết độc quyền - Ảnh 1
Ảnh minh họa: Internet

Đồng nghiệp rục rịch sắm sửa, lên kế hoạch về quê, chơi tết. Hỏi Mai, cô trả lời “để xem sao đã”. Đơn giản là tiền chồng cô quản, quê cô lại ở xa, muốn về cũng phải được sự đồng ý của chồng. Ái ngại nhất là mẹ ruột điện vào hỏi thăm “tết này có về được không con”, cô thương mẹ và lại giận bản thân mình.

Đáng lẽ Mai không trở thành người đàn bà phụ thuộc chồng. Cô không đẹp nhưng có duyên, thu nhập không cao nhưng ổn định. Việc lớn việc bé trong gia đình, cô lèo lái thành công, mọi người vẫn khen cô “giỏi việc nước đảm việc nhà”. Duy chỉ có một người kiệm lời khen mà nhiều lời chê, đấy là chồng cô.

Cô mua gì anh cũng chê đắt chê rẻ. Vợ tằn tiện kiểu gì cũng bị cho là hoang phí. Nhiều lần, cô muốn thỏa thuận với chồng “bây giờ, anh đi chợ, nấu ăn, chúng ta đổi việc”. Vừa nghe xong chồng cô đã như đỉa phải vôi “thế thì cô còn gì là đàn bà”. Cô bực nhưng cũng bật cười “tôi và anh, chẳng biết ai là đàn ông, ai là đàn bà”. 

Tết độc quyền - Ảnh 2
Ảnh minh họa: Internet

Mai ước gì chồng mình đi công tác xa cho ngày ngày khỏi chạm mặt, vì không chuyện này thì chuyện khác, kể cả những chuyện vu vơ, vợ nói ra thì chồng lại bắt bẻ. Muốn cho yên cửa yên nhà, dần dà Mai im bặt, chồng cô lại đắc thắng nên tuyệt đối hóa quan điểm chủ quan. Sống trong cảnh chung đụng với nhiều thế hệ bên chồng, Mai buông xuôi, lép vế dần từ đó.

Tết năm ngoái, mẹ con cô “bội thực” với kiểu áo da, mặc cho Mai có muốn một chiếc áo khoác dạ để diện với các kiểu đầm bó sát, con trai cô ưa cái áo phao như bạn thằng bạn trên trường. Bỏ qua tâm tư nguyện vọng của vợ con, chồng Mai mò mẫm trên mạng, vào các trang web để săn hàng giảm giá. Rồi chở ba mẹ con đi tới hàng này, chạy qua hàng kia để cầm lên đặt xuống. Nhìn mấy bà bán hàng khó chịu, Mai nói nhỏ với chồng “anh thích gì thì chọn đại cho rồi”. Thành quả là qua bao nhiêu vòng loại, 8 chiếc áo khoác cùng chất liệu đã thuộc về gia đình Mai. Chồng cô thì hí hửng “mua được giá rẻ nhất thành phố”, còn Mai chỉ mong tết đừng lạnh để cô khỏi mặc áo khoác cho rồi.

Tết độc quyền - Ảnh 3
Ảnh minh họa: Internet

Năm nay chồng cô đổi hướng, chuyển qua săn giày thể thao. Thấy hàng chục chia sẻ, comment trên trang facebock của chồng đủ cho Mai ngán ngẩm. Nửa đêm con sốt, vợ gọi mãi không chịu dậy, thế mà anh thức suốt đêm để xem live stream lại là chuyện bình thường. Dù đã dày công so số giày vợ con đang mang, lấy thước đo chiều dài, chiều rộng bàn chân của các thành viên trong gia đình thì những đôi giày chồng cô mua trên mạng có đôi rộng, đôi chật, có đôi keo dán còn dính cả mũi giày. Thế là ngót nghét cũng hơn bốn triệu đồng cho riêng một khoản giày mang tết.

Dở khóc dở cười là trước tết cả tháng chồng đã "tịch thu" hết lương tháng 13 của vợ chỉ vì sợ tiêu hoang, còn răn đe “tết tiêu sao cho đủ, đừng lãng phí, đừng âm”. Mua cái gì cô cũng cân nhắc, nhưng không thể không mua. Cô ước gì chồng chịu hiểu rằng cân thịt ngày cận tết đắt hơn ngày thường ba bốn giá. Bó rau cũng chẳng phải năm sáu nghìn mà đội giá gấp đôi… Lương thì được chừng đó, thưởng thì chồng đã cầm, vé tàu xe thì được khoán “muốn về quê thì tự túc”.

Tết độc quyền - Ảnh 4
Ảnh minh họa: Internet

Mỗi lần về quê, cô chỉ quẩn quanh trong nhà mà ít đi chơi. Trong túi ít tiền nên Mai không tự tin để mừng tuổi đứa cháu này cháu khác. Ai cũng khen chồng cô tâm lý, tết hay cho vợ về quê. Nhưng sự thể là ăn tết quê có “nhà tài trợ” nên chồng cô không còn dọa lên dọa xuống như trước kia “ăn ở cho đàng hoàng thì tết cho về ngoại”.

Dù Mai không nói ra, nhưng mẹ cô quá rõ. Thôi thì con mình, cháu mình được về nhà là bà vui rồi. Lần nào tiễn cháu con lên xe, bà cũng nhét vào ba lô cô dăm ba triệu. Thương mẹ một đời tằn tiện, tích cóp nhưng Mai vẫn nhận vì không cầm mẹ lại không yên. Vì bà biết, con gái đã chật vật với đủ khoản tiêu trước tết mà chồng thì  chắc nụi với quan điểm, anh thích mua gì là quyền anh, nhưng vợ con tiêu pha phải nằm trong tầm kiểm soát.

Tết với Mai như một sự ban thưởng. Ngoan thì được về quê, tốt thì được mua đồ.  Bản tính gia trưởng cùng sự bảo thủ và chuyên quyền đã khiến Mai như ngộp thở. Trong khi Mai cựa quậy với sự tù túng, bế tắc thì ai đó lại hoan hỉ khoe, tết tự tay mua sắm cho vợ con là chồng xịn nhất xứ!

Chị em phụ nữ bị nỗi sợ này ám ảnh trong mỗi dịp Tết

Tết, chẳng hiểu từ khi nào đã trở thành nỗi sợ, thậm chí là nỗi ám ảnh đối với nhiều chị em phụ nữ.

TIN MỚI NHẤT