Kỳ thực, Tết là dịp đàn ông vô tâm làm khổ vợ nhiều nhất...
- Không phải "dính" 24/7, vợ thông minh có cách giữ chồng bằng những hành động đơn giản liên tục mỗi ngày thế này
- 11 câu nói trong lúc nóng giận gây "sát thương" với bạn đời có thể là lý do khiến hôn nhân đứng trên bờ vực thẳm
Trong những ngày cận kề Tết, phụ nữ luôn bận rộn với đủ thứ việc không tên trong nhà. Nào là dọn dẹp nhà cửa, cúng bái, chuẩn bị quà cáp… Trong khi đàn ông lại khá nhẹ nhàng với việc thảnh thơi ăn cỗ, nhậu nhẹt…
Phụ nữ của hôm nay có thể khác với phụ nữ của trăm năm trước. Nhưng nỗi cực khổ ngày Tết của phụ nữ thì dù là thời đại nào cũng giống nhau. Vẫn gánh nặng nhà cửa, vẫn tất bật chuẩn bị, vẫn một mình trước sau. Và sự tử tế của đàn ông theo tháng năm cũng không khá lên là bao. Vì sự thật là phụ nữ dù có chồng vẫn sợ Tết, đàn ông dù có vợ vẫn vô tâm khi Tết đến…
Bởi Tết là dịp để đàn ông vô tâm với những nỗi khổ này của phụ nữ.
Ám ảnh việc dọn dẹp
Năm mới sắp đến, ai cũng nghĩ phải chuẩn bị nhà cửa thật sạch sẽ, gọn gàng. Nhưng dọn dẹp nhà cửa là nỗi ám ảnh chỉ của riêng phụ nữ. Vì không phải người chồng nào cũng sẵn sàng phụ giúp vợ dọn dẹp từ nhà trước tới nhà sau, từ trong nhà tới ngoài cửa. Có người vợ phải dọn từ trước Tết cả tháng, vì chỉ một mình không ai giúp đỡ. Có người dù có chồng giúp, vẫn “không kịp thở” khi đến giao thừa.
Lo quà Tết cho bên nội ngoại
Đây có thể là nỗi khổ tâm của nhiều phụ nữ có gia đình. Làm sao để quà cáp, tiền biếu cả hai bên hợp lý, không để cha mẹ bên nào quở trách, phiền muộn. Hay chị em ở xa quê, mỗi năm về thăm gia đình cũng đắn đo quà gì, tiền thế nào để vừa không “mang tiếng” keo kiệt với họ hàng, vừa đảm bảo tài chính. Khi chưa lấy chồng nghĩ thì đơn giản, nhưng có chồng rồi mới biết chung quy cũng là vấn đề tiền bạc, nên “đau đầu” chẳng ít.
Sợ nấu nướng, dọn dẹp
Tết là dịp họ hàng quây quần, tiệc tùng liên tiếp. Nấu nướng, tiếp đãi khách, rồi lại dọn dẹp chén bát… thật sự là nỗi ám ảnh của phụ nữ ngày Tết. Vì hầu như ngày Tết nào cũng như thế, thậm chí phụ nữ cũng chẳng có thời gian nghỉ ngơi đúng nghĩa. Đặc biệt là những nàng dâu trong nhiều gia đình truyền thống, thì chỉ khi tối khuya, đặt lưng xuống giường mới được gọi là “nghỉ Tết”.
Sợ một mình
Nhiều người chồng vô tâm không có mặt ngày nào ở nhà khi Tết đến. Đặc biệt là vào buổi tối, họ hầu như đều để vợ một mình với mâm cỗ, lau dọn ở nhà mà nhậu nhẹt “thả ga” với họ hàng, bạn bè… Phụ nữ khi ấy vừa cảm thấy mệt mỏi, vừa tủi thân. Vì Tết đến là dịp gia đình sum vầy, nhưng giờ chỉ còn là sự cô đơn khi chồng không thấu hiểu nỗi vất vả, đơn côi của vợ. Nhất là những nàng dâu lấy chồng xa quê, vài năm mới có thể về ăn Tết nhà mẹ đẻ một lần. Dù cố gắng thế nào thì khi ăn Tết ở nhà chồng vẫn có nỗi lòng khó tỏ bày cùng ai. Đến cả chồng cũng bỏ mặc thì thật sự rất khổ tâm.
Nỗi lo tiền bạc
Nhiều ông chồng rất hào phóng tiền bạc khi Tết đến xuân về. Họ không ngại “vung” tiền cho họ hàng chỉ để “khoe mẽ” mình có một năm làm việc bội thu. Mà thật sự, người khổ tâm sau đó là những người vợ. Không thể ngăn chồng tiêu pha hoang phí ngày Tết, càng không thể giữ tiền của chồng khi về họ hàng. Họ chỉ còn biết lo lắng chuyện tiêu xài sau Tết, làm sao để đầu năm không thiếu hụt.
Kỳ thực, Tết là dịp đàn ông vô tâm làm khổ vợ nhiều nhất. Thay vì thấu hiểu nỗi lo, nhìn thấy lo lắng của vợ, họ chỉ nghĩ cho bản thân. Một người đàn ông tử tế sẽ cho vợ một cái Tết đúng nghĩa. Dù không tránh được vất vả ngày Tết nhưng họ vẫn cho vợ niềm vui đủ nhiều để hiểu rằng Tết thật sự là dịp để yêu thương và sum vầy.