Vì tư tưởng “theo chồng”, “vì chồng” mà chị Hoài, từ một cô gái có cuộc sống đàng hoàng tự tại khi còn độc thân, sau 10 năm “theo chồng” chị đã trở thành một người phụ nữ kham khổ, nhẫn nhục đến tội nghiệp.
- 5 điều phụ nữ thông minh sẽ không bao giờ làm khi vợ chồng đang tranh cãi
- Dành cho những người phụ nữ từng đổ vỡ…
Chị Hoài ở Hoàng Mai (Hà Nội) là nhân viên ngành ngân hàng. Anh Sơn chồng chị là dân kinh doanh nhưng nợ như chúa chổm. Mặc dù công ăn việc làm đàng hoàng, thu nhập khá cao nhưng chị Hoài lúc nào cũng trong cơn túng bấn. Trong khi đồng nghiệp của chị ai cũng khá giả thì chị Hoài vẫn phải đi thuê nhà để ở. Chị Hoài cũng biết tằn tiện, tiết kiệm, nhưng chị tích cóp được bao nhiêu thì chồng chị lại lấy đi hết bấy nhiêu.
Trong khi chị và các con phải sống kham khổ túng thiếu thì anh Sơn chồng chị vẫn tiêu xài như… đại gia. Đi đâu một bước cũng phải ôtô, đi từ Hà Nội xuống Quảng Ninh, hay lên Lai Châu với chặng đường dài như vậy nhưng vẫn đi bằng xe ôtô riêng. Chị góp ý thì chồng chị nói: “Người làm kinh doanh nó phải thế mới tạo được uy với đối tác. Nếu để cho đối tác biết mình nghèo thì chẳng ai thèm ký hợp đồng với mình”. Nghe lời chồng nên nhiều khi chị Hoài còn đi vay tiền để anh Sơn trang trải những chi phí không đâu như vậy.
Cũng vì tư tưởng “theo chồng”, tức là đã lấy chồng thì phải theo chồng, dù chồng đúng sai thế nào thì vẫn phải nghe, phải làm theo, chị Hoài đã nhất nhất làm theo ý chồng. Chồng bảo gì chị Hoài làm theo y như một cái máy.
Anh chị em chị Hoài mặc dù có tiền nhưng vì thấy lối tiêu xài “một bước lên trời” của em rể, em gái mình lại quá dại dột nên họ không cho chị Hoài vay mượn nữa. Mỗi lần nghe anh chị bảo chồng mình tiêu pha hoang phí, phá gia chi tử, không biết thương vợ con… thì chị Hoài đều lấy hết lý do này đến lý do khác để biện hộ cho chồng.
Chị Hoài cho rằng, chồng chị là người có tài và có tâm, biết thương vợ con, chẳng qua vì số anh không gặp may nên buôn bán mới thua lỗ thành ra như vậy. Lúc nào chị cũng nhất nhất bảo vệ chồng, bảo vệ danh dự cho chồng, hy sinh tất cả cho chồng mặc dù con đường mà chồng chị đang đi hoàn toàn mù mịt.
Vì tư tưởng “theo chồng”, “vì chồng” mà chị Hoài, từ một cô gái có cuộc sống đàng hoàng tự tại khi còn độc thân, sau 10 năm “theo chồng” chị đã trở thành một người phụ nữ kham khổ, nhẫn nhục đến tội nghiệp.
Theo các chuyên gia, phụ nữ “ngoan”, biết kính trọng chồng là một đức tính tốt. Nhưng phụ nữ chỉ nên ngoan trong 2 trường hợp sau:
Một là giả vờ ngoan để “cảm hóa”, để lãnh đạo chồng bằng yêu thương. Trường hợp này người vợ phải cực kỳ thông minh, bản lĩnh và hiểu biết mới làm được.
Trường hợp thứ hai là ngoan thực sự nhưng là ngoan với người chồng khôn ngoan, hiểu biết và sống có trách nhiệm.
Với một người chồng “trưởng giả học làm sang”, thiếu hiểu biết và vô trách nhiệm như chồng của chị Hoài thì việc chị luôn luôn phục tùng chồng là một việc hết sức ấu trĩ và sai lầm. Ngoan với một anh nợ như chúa chổm thì cuối cùng chính chị cũng sẽ trở thành con nợ giống như chồng chị.
Hy sinh cho chồng con là một niềm hạnh phúc nhưng điều đó chỉ đúng khi người phụ nữ tìm được niềm vui trong sự hy sinh của mình. Trong trường hợp sự hy sinh đến mức cam chịu, đến mức quên cả bản thân mà chồng con ích kỷ đến mức không hay biết thì sự hy sinh đó là vô nghĩa.