Khoảng cách giữa người trung lưu và người nghèo chỉ qua một trận ốm: Nếu có suy nghĩ "không muốn làm việc nữa", hãy thử đi tới 4 nơi này

Phụ nữ yêu 15/07/2020 07:15

80% đau khổ trong cuộc sống này đến từ công việc, nhưng nếu không làm việc sẽ có 100% đau khổ đến từ việc không có tiền.

Từng có người đặt câu hỏi trên mạng xã hội rằng: "Khi nào bạn không muốn làm việc nữa?"

Có người bình luận trả lời: "Bất cứ lúc nào".

Quả là như vậy, con người hiện đại ngày càng "ngại nỗ lực", ngày càng không muốn làm việc nữa.

"Không muốn làm việc", "nằm ăn chờ chết", "không muốn nỗ lực"… gần như trở thành câu cửa miệng của người trẻ hiện nay.

Dĩ nhiên, đối với nhiều người mà nói, đây chỉ là một câu nói phong trào, bởi không làm việc là điều không thể. Nếu một ngày nào đó, bạn thực sự không muốn làm việc nữa, hãy thử đi tới 4 nơi này.

Khoảng cách giữa người trung lưu và người nghèo chỉ qua một trận ốm: Nếu có suy nghĩ 'không muốn làm việc nữa', hãy thử đi tới 4 nơi này - Ảnh 1

01

Chợ lao động

Đau khổ hơn cả làm việc là không có việc để làm.

Chợ lao động tại các thành phố luôn sôi động những con người khó khăn vất vả nhất trong thành phố đó.

Họ không có học lực, xuất thân nghèo khó, thậm chí không có kỹ năng tay nghề, họ kiếm tiền bằng việc bán sức lao động.

Tối hôm trước có khi vẫn phải lao động quần quật thâu đêm, nhưng ngày hôm sau, trời chưa sáng đã phải ngồi chầu trực tại đây. Dù gì đến sớm hơn, cơ hội vẫn sẽ nhiều hơn.

Họ thường túm năm tụm ba đứng ven đường, hoặc tán gẫu, chuyện phiếm hoặc ngơ ngác đứng nhìn.

Nhưng ánh mắt của họ đều rất cảnh giác, chỉ cần có chủ thuê đi qua là họ sẽ ùa đến như ong vỡ tổ "Ông chủ ơi, có việc gì không, cần người không?"

Người được chọn, gật đầu, khom lưng, vâng vâng dạ dạ đứng sau chủ thuê. Người không được chọn, khuôn mặt đột nhiên tắt nụ cười, lặng lẽ trở về vị trí cũ.

Họ phần lớn đều là lao động ngắn hạn, lao động thời vụ, lĩnh tiền công sau khi hoàn thành công việc hoặc lĩnh tiền công theo ngày.

Những lúc việc ít, người nhiều, tiền công thậm chí còn bị bớt xén. Bởi người này không làm, vẫn còn vô số người khác tranh cướp nhau muốn làm. Kiếm được tiền vẫn tốt hơn là không có tiền để kiếm.

Một ngày không đi làm là một ngày không có thu nhập, cuộc sống ngày sau càng túng thiếu hơn.

Ban ngày, tất bật bươn chải tìm chờ việc làm, buổi tối sống trong những khu trọ chật hẹp và rẻ tiền. Bạn sẽ không bao giờ có thể tưởng tượng được rằng, có những người chỉ sống thôi mà cũng phải dốc hết sức lực rồi.

So với họ, chúng ta được ngồi trong văn phòng rộng rãi sáng sủa, được làm những công việc danh giá, thật là may mắn biết bao.

Nếu bạn không muốn làm việc nữa, hãy tới chợ lao động mà xem, công việc mà bạn không muốn làm kia là ước mơ tha thiết của biết bao nhiêu người.

Khoảng cách giữa người trung lưu và người nghèo chỉ qua một trận ốm: Nếu có suy nghĩ 'không muốn làm việc nữa', hãy thử đi tới 4 nơi này - Ảnh 2

02

Thư viện

Trước kia, khi còn làm việc ở thành phố, những lúc tâm trạng mệt mỏi, tôi thường lòng vòng tới thư viện.

Nếu muốn có được chỗ ngồi, bạn nhất định phải đến trước giờ mở cửa, kể cả ngày nghỉ cũng không ngoại lệ. Một khi đến muộn, thư viện sẽ hết chỗ trống, gần như là không thể tìm thấy chỗ nào để ngồi.

Rất nhiều người đến từ lúc thư viện mở cửa cho tới khi thư viện đóng cửa mới ra về. Buổi trưa, họ thường ăn tạm cái bánh mỳ, uống tạm hộp sữa cho qua bữa. Mệt, buồn ngủ thì tự gục tại chỗ một lát rồi tỉnh dậy lại tiếp tục vùi đầu vào công việc hoặc đọc sách.

Ngày thường đã tất bật với công việc mà cuối tuần vẫn nỗ lực đến vậy, họ không mệt, không muốn nghỉ ngơi sao?

Đương nhiên là mệt chứ! Họ hoàn toàn có thể giống như những người khác, chùm chăn ngủ nướng, xem phim, chơi game ở nhà. Nhưng họ đã lựa chọn tiếp tục làm việc, nỗ lực trau dồi vào thời gian nghỉ ngơi.

Tôi rất thích một câu nói rằng: "Trên thế giới này, có một số người đang không ngừng thay đổi bản thân, còn một số người khác tỉnh dậy đã phát hiện thế giới này thay đổi rồi".

Những người không ngừng nỗ lực, họ thường cảm thấy hổ thẹn vì sự sa ngã, sa sút và lãng phí thời gian của mình.

Trong bộ phim "The Shawshank Redemption", Andy sau khi giúp cai ngục rửa tiền đen, lấy được lòng tin, liền lập tức mượn cơ hội đến thư viện.

Sau đó, Andy đã giúp đỡ ít nhất hơn 20 bạn tù tại thư viện vượt qua kỳ thi đánh giá học lực ngang với trình độ trung học phổ thông.

Điều này đồng nghĩa với việc, sau khi ra tù, họ có thể thoát ly khỏi cuộc sống đen tối, bất kham để tìm được một công việc danh giá hơn.

Trên thế giới này, thực sự có rất nhiều người vẫn đang hăng say, nhiệt huyết và nỗ lực một cách thầm lặng. Khi bạn không muốn làm việc nữa, hãy tới thư viện mà xem. Từ ánh mắt kiên định và quyết tâm nỗ lực của những người ngồi trong đó, có thể bạn sẽ suy nghĩ khác.

Khoảng cách giữa người trung lưu và người nghèo chỉ qua một trận ốm: Nếu có suy nghĩ 'không muốn làm việc nữa', hãy thử đi tới 4 nơi này - Ảnh 3

03

Bệnh viện

Bữa trước tới bệnh viện kiểm tra sức khỏe, bác sỹ chưa đi làm mà tôi đã tới bệnh viện rồi. Trong lúc đứng đợi ở sảnh lớn, tôi chứng kiến một màn hết sức chua xót.

Một người phụ nữ trung niên đắp chăn nằm co ro trong góc tường, xung quanh là một số đồ dùng sinh hoạt cá nhân. Người phụ nữ trung niên tỉnh dậy, thu gọn chăn chiếu, trong khu đại sảnh mênh mông, sang trọng ấy, trông có vẻ hơi chướng tai gai mắt.

Nhưng bảo vệ không đuổi bà ấy đi, nghe nói, người nhà của bà ấy đang nằm trong bệnh viện, bà ấy đã ngủ ở đây suốt mấy ngày liền rồi.

Bà ấy không thể ở một đêm bên ngoài nhà khách gần bệnh viện sao?

Được chứ, nhưng lại phải tốn tiền.

Mà số tiền tiết kiệm được từ việc không ngủ nhà khách đó, có thể giúp người nhà bà ấy được ăn những bữa ăn ngon hơn, được uống những liều thuốc ít tác dụng phụ hơn.

Nếu ai đã từng xem bộ phim "Dying To Survive", chắc hẳn không thể quên được một câu thoại kinh điển:

"Trên thế giới này chỉ có một loại bệnh, đó là bệnh nghèo".

Bệnh viện chính là nơi mà tiền bạc và vận mệnh đấu đá đọ sức lẫn nhau.

Những người đã từng đi bệnh viện đều biết, chỉ cần làm vài ba cái kiểm tra bình thường là đi toi mất mấy ngày lương rồi. Tốc độ tiêu tiền ở bệnh viện luôn nhanh hơn rất nhiều so với tốc độ kiếm tiền của một người bình thường.

Chi phí cho mỗi lần ốm nặng, bệnh nặng cao đến nỗi mà những người bình thường họ khó lòng tưởng tượng được.

Có người nói: "Khoảng cách giữa tầng lớp trung lưu và người nghèo chẳng qua chỉ là một trận ốm".

Liễu Nham có thể nói là "nữ diễn viên làm việc bạt mạng" trong làng giải trí, cô thường xông pha quên mạng sống trong công việc.

Cô từng chia sẻ trong chương trình giải trí rằng: "Tình trạng sức khỏe của bố tôi tháng trước không được tốt, ông phải đón sinh nhật tuổi 70 ở trong bệnh viện. Nhưng tôi vẫn rất vui và tự hào bởi tôi có đủ năng lực kinh tế để cho bố tôi có được điều kiện chữa trị tốt nhất".

Nhiều người trưởng thành thường nói chuyện với nhau về chủ đề "Ý nghĩa thực sự của việc nỗ lực làm việc và kiếm tiền rốt cuộc là gì?"

Theo tôi, ý nghĩa của việc nỗ lực làm việc, chăm chỉ kiếm tiền đó là để cho những người thân bên cạnh mình một cảm giác an toàn, để họ không phải sống trong thấp thỏm lo âu. Chẳng có ý nghĩa nào thiết thực hơn và vĩ đại hơn nữa cả.

Có người nói: "Ẩn chứa trong sự nỗ lực của bạn đó là niềm hạnh phúc khi về già của cha mẹ".

Nhà văn Đài Loan Trương Hiểu Phong từng viết: "Nếu cho phép tôi được tuyên bố thêm một ngày nghỉ lễ, tôi sẽ quy định như sau: ngày lễ đó mọi người không được đi chơi hoặc đi du lịch mà phải tới bệnh viện xem cảnh sinh lão bệnh tử của nhân loại".

Nếu bạn không muốn làm việc nữa, hãy tới bệnh viện mà xem. Xem những người chữa bệnh mà không có tiền, xem những gia đình dễ dàng sụp đổ chỉ vì một trận ốm, chỉ vì một căn bệnh.

Làm việc mặc dù mệt mỏi, nhưng số tiền kiếm được lại có thể duy trì được hạnh phúc của cả một gia đình.

04

Đầu phố lúc rạng sáng

Có người nói, đầu phố lúc rạng sáng có một nửa là những người được thỏa thích tiêu tiền và một nửa là những người đang ra sức kiếm tiền.

Những người cảm thấy thất vọng về cuộc sống này, say bí tỉ giống như một cô hồn lang thang giữa đường phố.

Những người đánh mất nhiệt huyết với cuộc sống này, cứ bước đi mà không có điểm dừng, cái bóng của họ bị kéo dài dưới ánh đèn đường.

Cũng có những người không có nhà để về, nằm co ro trên những dãy ghế chờ xe bus hoặc trước những xó cửa hàng còn đang đóng.

Nghĩ đi nghĩ lại, nếu như không có công việc, không có thu nhập, chẳng phải chúng ta cũng sẽ thành ra như vậy sao?

Bạn nghĩ rằng thành phố lúc rạng sáng bị ấn nút tạm dừng, mọi thứ chìm trong yên lặng? Nhưng sự thật không phải như vậy.

Anh shipper vì kiếm chút tiền ship hàng mà phải luồn lách khắp ngõ này phố nọ;

Chợ bán buôn bắt đầu trở nên náo nhiệt, mọi người bắt đầu trở nên bận rộn;

Cửa hàng ăn sáng lần lượt mở cửa, những cột khói nghi ngút thi nhau bốc lên;

Tiếng chổi tre xao xác, các bác lao công đang cặm cụi quét từng ngõ hẻm, con phố…

Nhìn đầu phố lúc rạng sáng, bạn sẽ hiểu, thành phố sẽ không ngừng chuyển động, con người cũng sẽ không dừng bước chân vì đêm tối.

Không cuộc sống của ai là dễ dàng cả, ai cũng phải cắn răng, gồng mình lên để sống.

Maupassant từng nói: "Cuộc sống không tốt đến vậy, nhưng cũng không tệ đến vậy".

Băng qua bóng tối của màn đêm sẽ thấy hào quang của bình mình. Hãy mạnh mẽ lên để sống, thành phố sớm muộn cũng sẽ có ngọn đèn thắp sáng vì bạn, có căn nhà để bạn an thân.

Chẳng có công việc nào là không khổ, cũng chẳng có thành công nào tự dưng mà đến. Chỉ có người lựa chọn đối mặt, có người lựa chọn trốn tránh.

Không ai là không phạm sai lầm trong công việc, không ai là không gặp trắc trở chỉ có người nỗ lực vươn lên và chỉ có người bi lụy không thể thoát ra được.

80% đau khổ trong cuộc sống này đến từ công việc, nhưng nếu không làm việc sẽ có 100% đau khổ đến từ việc không có tiền.

Tagore nói: "Đau khổ, thiệt thòi mà hôm nay bạn phải chịu, trách nhiệm, tội nợ mà hôm nay bạn phải gánh, cuối cùng đều sẽ biến thành ánh sáng hào quang soi đường cho bạn".

Chúng ta phải cố gắng, cố gắng cho tới khi "khổ tận cam lai"; Chúng ta phải đợi, đợi cho tới khi "xuân về hoa nở". Cuộc sống vẫn đang tiếp diễn, những gì khiến bạn gục ngã cuối cùng sẽ giúp bạn mạnh mẽ vươn lên.

Còn sống là còn phải chiến đấu và làm việc!

1 biểu hiện đặc trưng của người càng sống càng hưởng phúc dày, cuộc đời an yên, viên mãn

Hãy xem đó là đặc điểm gì và bạn có sở hữu đặc điểm đó hay không nhé.

TIN MỚI NHẤT