Nói lời tổn thương người khác sâu sắc rồi lại cho rằng “khẩu xà, tâm Phật”? Nhiều người quên rằng, khẩu nghiệp từ miệng thì thế nào cũng gánh họa.
- 15 sự thật trong cuộc sống ai cũng nên đọc một lần để vào đời không 'ngu ngơ'
- Nhìn cuộc sống những người ở viện dưỡng lão thấy hối tiếc vì 10 điều này
Người ta thường cho rằng lời nói vô hình, chẳng có tội tình gì. Nhưng rõ ràng một lời nói có thể tổn thương người khác sâu sắc. Dù không thể được xem là thứ vũ khí gây sát thương cho thân thể con người nhưng theo lời Phật dạy, khẩu nghiệp là một trong những nghiệp nặng nhất của con người.
Vì chỉ cần một lời nói chẳng ý tứ gì của một người cũng có thể gây thiệt hại tinh thần cho người khác, khiến họ thấy buồn phiền, thậm chí là bị dị nghị, gièm pha từ thiên hạ. Lời ác ý còn có thể dẫn đến sự đổ vỡ, tổn thương khó quên. Bản thân chúng ta cũng có lúc vì một lời nói của bất kì ai mà buồn phiền vài ngày, thậm chí là tuyệt vọng, bất lực.
Bởi thế đừng viện câu “khẩu xà, tâm Phật” mà bào chữa cho những lời ác ý của bản thân. Đặc biệt là những lời thế này một khi bạn nói ra, người tổn thương không chỉ là người nghe mà bản thân bạn cũng tự chuốc khẩu nghiệp từ miệng.
Chuyện không nói có, chuyện có nói không
Nhiều lời nói dối là vô tình, bị hoàn cảnh ép buộc, nhưng nhiều lời nói dối thành quen thì chính là lỗi của bản thân. Nói dối là thói quen xấu không bao giờ sửa được.
Nói dối cũng có nhiều kiểu với những mục đích khác nhau, ví dụ như cho vui, để lừa gạt, khoe khoang, hay vì mưu cầu lợi nhuận bất chính, vì sợ hãi… Người nói dối không nghĩ mình đang làm điều sai trái, cứ cho rằng đang sống theo hoàn cảnh. Nhưng lời nói dối sai trái sẽ dần dần làm danh tiếng, uy tín của bản thân bị mai một.
Lời nói dối với mục đích càng ảnh hưởng, gây bất lợi, hoặc có ý trục lợi, tổn thương người khác thì tội lại càng lớn. Đặc biệt là về những chuyện riêng tư của người khác, không hiểu rõ thì đừng đổi trắng thành đen, chuyện nhỏ xé to. Vì lời nói dối ban đầu chỉ để cho vui, nhưng có thể làm hạnh phúc, bình yên của một người tan biến.
Nói lời ác ý
Người nói lời ác ý căn bản là tâm không hề thiện lành. Dùng lời nói tổn thương tự trọng, mắng nhiếc, xúc phạm danh dự của người khác… đều mang tới khẩu nghiệp. Nói lời có mục đích hại người thì cũng chính là đang tự hại mình.
Nói lời có mục đích xấu thì cái ác trong tâm can đang hình thành, dễ nảy sinh hành động không tốt. Theo quan niệm của đạo Phật, nghiệp mà con người phải gánh là đã làm nhiều việc không tốt nhiều lần, có tâm ý rõ ràng.
Dù là để tự vệ hay tấn công thì lời nói ác ý vẫn đả kích, tổn hại danh dự của người khác. Có nhiều người thích nói lời ác ý chỉ để thoải mái tâm tình của bản thân. Họ thích nhục mạ, hạ thấp giá trị của người khác bằng lời nói. Nhưng chính hành động như thế cũng là không tôn trọng bản thân. Sống không văn minh trong giao tiếp thì không có đạo đức, phẩm chất trong mắt người khác.
Nói hai lời
Người nói không có chính kiến, có ý ly gián, gây tranh cãi trong tập thể để bản thân hưởng lợi. Đây là kiểu người mang tâm ý hại người, cũng tự tạo khẩu nghiệp từ miệng nặng nề.
Thời đại hiện nay, thế giới ảo gắn liền thế giới thật với các mang xã hội. Nhưng người tùy tiện gõ câu chữ nói hai lời để lăng mạ, xúc phạm người khác trên đó cũng không khác gì lời từ miệng mà ra. Gây thương tổn cho người khác bằng câu từ, lời nói đều để lại hậu quả nặng nề.
Nói lời thêu dệt
Nói lời thêu dệt là chuyện chỉ có một mà truyền miệng cố tình thành năm, mười. Chuyện nghe từ miệng người khác chỉ có vài phần sự thật, đồn đại thêm thắt lại là lỗi của mình. Lời nói ra nên có căn cứ, không ảnh hưởng đến người khác. Thêu dệt để mua vui, trục lợi chỉ tội bản thân gánh nghiệp.
Nếu bạn là chủ đề của một nhóm người bàn tán, họ lại thêm thắt, đặt điều những lời không đúng về bạn, liệu bạn có bị ảnh hưởng về tinh thần và nhân phẩm? Vì vậy hãy nhớ, lời nói không đúng sự thật như con dao hai lưỡi, hại cả bạn và người khác.
Con người ở đời muốn sống hạnh phúc thì phải biết quản cái miệng của mình, cũng là cách để bảo toàn phúc đức cho bản thân và con cháu sau này.