Các môn đồ của Đức Phật khi nghe nói Ngài đồng ý cho môn đồ này đến ở nhà của cô gái bán hoa kia thì cảm thấy rất thắc mắc, nhưng Ngài đã mỉm cười và nói không cần lo lắng.
- Đức Phật nói có 4 kiểu người sợ chết, đa phần chúng ta là kiểu thứ nhất
- Đức Phật nói có 3 quy luật trên đời ai cũng cần thấu tỏ, lĩnh hội được tất sẽ sống an yên
Quy định 3 ngày
Trong những năm tháng thu nạp các môn đồ đi theo mình, Đức Phật Tất Đạt Đa Cồ Đàm đã đặt ra một quy tắc, đó là trên đường đi, nếu phải nghỉ lại ở nhà của người dân thì không được phép ở quá 3 ngày. Quy tắc này được đặt ra là để tránh làm phiền quá nhiều đến chủ nhà.
Khi Đức Phật cùng các môn đồ đi tới nhiều vùng đất khác nhau, nếu có nhiều môn đồ, họ sẽ chia nhau ra và xin nghỉ lại nhiều gia đình. Họ chỉ ở lại tối đa là 3 ngày nên ai cũng không ngại sắp xếp nơi ăn chốn ở cho họ. Hết ngày thứ 3, họ sẽ gặp nhau ở một điểm hẹn và tiếp tục cuộc hành trình.
Một ngày kia, Đức Phật và các môn đồ đang trên đường hành khất thì dừng chân ở một ngôi làng nọ. Vì đông người nên họ phải chia nhau ra tới các gia đình khác nhau để tá túc.
Khi họ đang đi hỏi các gia đình, thì bất ngờ có một môn đồ được một cô gái bán hoa mời ở lại nhà mình. Cô gái còn trẻ và rất xinh đẹp. Trước lời mời này, nhà sư trẻ tuổi nói anh ta sẵn sàng ở lại, nhưng phải hỏi qua ý kiến của thầy mình.
Cô gái bán hoa đáp lại: "Anh cần phải xin phép thầy mình ư?"
"Không, tôi chắc Đức Phật sẽ không khiến cô thất vọng đâu, nhưng về phép tắc thì tôi vẫn nên hỏi Ngài đã".
"Được", cô gái trả lời.
Rồi vị môn đồ này tới gặp Đức Phật và hỏi: "Một cô gái mời con đến ở nhà cô ấy trong 3 ngày chúng ta dừng chân ở đây, nhưng cô ấy là gái bán hoa".
Quyết định gây tranh cãi của Đức Phật
Đức Phật quay lại và nói: "Nếu cô ấy đã tha thiết mời ngươi ở lại đến vậy thì không nên từ chối lời mời của cô ấy. Cứ đến ở nhà cô ấy đi".
Nghe thấy câu trả lời của Đức Phật, các môn đồ khác đều tỏ ra khó hiểu: "Điều này thật trái với lẽ thường. Tại sao lại cho cậu ta đến ở nhà của gái bán hoa chứ?"
Trước phản ứng này của môn đồ, Đức Phật chỉ mỉm cười và nói: "Chúng ta sẽ biết trong 3 ngày nữa", khiến các môn đồ im lặng, không còn dám thắc mắc nữa.
Sau khi được Đức Phật đồng ý, môn đồ kia đã tới ở nhà cô gái bán hoa trong 3 ngày. Những môn đồ còn lại, vì tò mò nên đã lén đi tới gần nhà của cô gái và truyền về những tin tức mà họ nghe và thấy được cho Đức Phật.
Vào ngày thứ nhất, họ nghe thấy tiếng nhạc, rồi tiếng hát của môn đồ nọ và cô gái bán hoa. Vài người trong số họ thốt lên: "Đây này, anh ta đã rời bỏ chúng ta thật rồi".
Đến ngày thứ 2, nghe thấy người bạn của họ cùng cô gái đang nhảy múa trong nhà, họ lại đồng thanh nói: "Đây này, anh ta đã rời bỏ chúng ta thật rồi".
Sang ngày thứ 3, họ vẫn nghe thấy tiếng hát và tiếng nhảy múa của môn đồ nọ và cô gái bán hoa, lắc đầu và nói chắc chắn người bạn này sẽ bỏ dở cuộc hành trình với họ cho mà xem.
Trước những lời bàn tán này, Đức Phật chỉ nghe mà không nói cũng như tỏ thái độ gì.
Và sự việc kỳ lạ xảy ra sau 3 ngày
Hết ngày thứ 3, tất cả các môn đồ và Đức Phật gặp nhau ở nơi hẹn để tiếp tục lên đường. Khi tất cả đã có mặt, chỉ trừ vị môn đồ kia, nhiều người đã chắc mẩm, hẳn là anh ta sẽ ở lại cùng cô gái, không đi tu nữa.
Thế nhưng, khi tất cả còn đang bàn luận râm ran, thì bỗng nhiên họ thấy từ xa, môn đồ kia đang tiến đến, và anh ta không chỉ đi một mình. Nhìn kỹ lại, họ nhận ra đây chính là cô gái bán hoa, giờ đã trở thành một nhà sư nữ.
Các môn đồ đều xấu hổ, nhìn nhau không biết nói gì. Lúc này, Đức Phật mới lên tiếng: "Nếu bản thân mình tốt thì không ai có thể khiến mình xấu đi, ngược lại mình còn có thể giúp người khác cũng tốt lên". Nói rồi, Ngài chào mừng môn đồ mới và tất cả lại cùng nhau lên đường.
Lời bàn: Câu chuyện cho thấy Đức Phật là một người lãnh đạo, là người dẫn đường vĩ đại đến mức không có môn đồ nào muốn rời bỏ Ngài để đi theo một con đường khác.
Bên cạnh đó, nó cũng là một ví dụ sống động để ta thấy rằng bản thân mỗi người là yếu tố quyết định then chốt đến cuộc đời của họ, mọi thành công hay thất bại chủ yếu đều do họ, và nếu ý chí đủ mạnh thì không một thế lực hay nhân tố nào có thể tác động đến họ.
Do đó, đừng bao giờ lấy hoàn cảnh hay bất kỳ ai khác làm cái cớ cho sự thất bại của bản thân.