Sau khi ly hôn, xét về pháp lý, hai người đã trở thành “người dưng nước lã” nhưng tình vợ chồng “một ngày nên nghĩa” đâu phải cắt xoẹt một nhát là xong.
- Nếu phụ nữ có 3 tính cách sau sẽ khiến đàn ông "đổ gục" trong vòng "1 nốt nhạc"
- 9 dấu hiệu "tố cáo" phụ nữ ngoại tình qua sinh hoạt hằng ngày, chồng tinh ý nhìn qua là biết
Không ít trường hợp, họ vẫn có những liên hệ dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhất là khi giữa họ còn có những đứa con chung, nhiều khi buộc phải bàn bạc với nhau khi con đau ốm hay gặp những sự cố bất thường. Vì vậy cách ứng xử thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh này là điều tế nhị, không phải ai cũng lựa chọn được giải pháp đúng.
Một hôm tôi đang trực máy, có tiếng một cháu nhỏ mếu máo trong điện thoại: “Bác ơi, bố cháu đang đứng dưới sân vẫy cháu. Cháu muốn xuống gặp bố quá nhưng mẹ không cho. Cháu thương bố quá ... bác ơi”.
Nói đến đấy cháu nhỏ oà khóc khiến người tư vấn cũng lau nước mắt. Hỏi cặn kẽ ra mới biết, họ quy định với nhau cứ chiều thứ bảy chồng cũ được đến đón con đi chơi đến trưa hôm sau phải trả.
Riêng tuần này có chuyện bực mình nên khi chồng cũ đến đón con, chị không cho vào nhà, anh ta đành đứng dưới sân vẫy con và ra hiệu chứ không dám gọi, vì sợ vợ cũ nghe tiếng. Những cách cư xử như vậy làm đau lòng con trẻ, gây những chấn thương tâm lý, ảnh hưởng đến tâm hồn của chúng rất nhiều.
Người cũ muốn quay lại
Trái lại, có những ông chồng đã ly hôn đến mấy năm, thậm chí đã đi xây dựng gia đình mới vẫn trở về mượn cớ thăm con, đòi nối lại tình cảm, gây khó xử cho người vợ cũ, cản trở họ đi tìm hạnh phúc mới.
Chị Vinh 32 tuổi, ở quận Bình Thạnh TP. HCM, làm nghề phiên dịch tiếng Anh kể: “Chồng cũ của tôi là giám đốc một công ty tư nhân. Cách đây mấy năm, khi tôi nghỉ đẻ ở nhà, anh ấy “cặp” với cô trợ lý do anh mới tuyển vào. Khi bạn bè đến thăm mách với tôi chuyện trai gái của chồng, tôi đã làm hết cách nhưng anh ấy chẳng những không sửa chữa mà còn đối xử thô bạo với tôi.
Không thể chấp nhận chồng ngang nhiên ngoại tình, tôi làm đơn ly hôn. Toà án xử cho tôi được nuôi đứa con trai duy nhất lên 2 tuổi. Nhờ bạn bè giới thiệu, tôi chuyển ra Vũng Tàu làm việc cho một công ty nước ngoài. Bây giờ, sau hai năm mãn hạn hợp đồng, cũng đã dành dụm được ít tiền, tôi đem con trở về TP. HCM sinh sống.
Điều khó nghĩ là gần đây, người chồng cũ hay đến thăm con, mỗi tuần hai, ba lần mà toàn đến vào lúc chiều tối. Tôi thật sự không ngờ cháu lại quấn quýt bố đến vậy. Vì lúc ly hôn, cháu mới 2 tuổi chưa biết gì.
Nghe tiếng còi ô tô của bố, cháu đã nhận ra. Cửa xe vừa mở, nó đã lao vào lòng bố, khiến tôi ứa nước mắt nhìn con. Anh ấy mời mẹ con tôi đi ăn nhà hàng nhưng tôi từ chối. Anh ấy lại điện thoại cho nhà hàng ship thức ăn đến nhà. Thấy con cứ chèo kéo mãi, tôi thương con cũng ngồi ăn cùng.
Khi ra về, anh ấy hôn con và định hôn vào má tôi. Tôi thấy khó xử quá. Hôm trước, anh ấy đưa con đi siêu thị mua một cái ô tô khá to. Hai bố con tập lái xe với nhau cả buổi tối. Con cứ đòi bố ngủ lại với nó. Anh bảo nó xin phép mẹ đi. Nếu mẹ cho phép thì bố ngủ lại. Trông cảnh cha con nó quyến luyến không muốn rời nhau, tôi cũng mềm lòng. Nhưng tôi vẫn kiên quyết không cho anh ấy ngủ lại mặc dù con tôi khóc mếu van xin.
Theo tôi biết, anh ấy đang sống với cô vợ mới, chính là cô trợ lý trước đây có cưới hỏi đàng hoàng. Họ có với nhau đứa con trai được hơn một tuổi. Nhưng anh ấy nói là không yêu nó vì xét nghiệm ADN không phải con mình. Anh chỉ yêu con tôi, ngày nào không gặp được con, anh rất nhớ và rất buồn. Anh xin tôi cho anh được đi lại thường xuyên để chăm sóc hai mẹ con.
Gần đây lại nảy sinh một điều khiến tôi khó nghĩ nữa là anh ấy tỏ ra không muốn tôi có bạn trai. Anh khó chịu ra mặt khi đến thăm con vô tình gặp bất cứ người đàn ông nào đến nhà tôi. Tôi không biết giải thích với họ thế nào.
Tôi đã chia sẻ tâm sự của mình với những người thân. Có người khuyên cứ mặc anh ta có trách nhiệm với con để con khỏi bị thiệt thòi, mình không nên ngăn cản. Nhưng nếu cứ để tình trạng này kéo dài thì không biết sẽ diễn biến ra sao. Tôi thật sự thấy khó xử quá!”.
Tự nhiên như... chồng cũ
Chị Minh 29 tuổi, ở quận Ba Đình (Hà Nội) lại kể: “Vợ chồng chị đã ly hôn hơn hai năm nay. Cả hai người chưa ai xây dựng gia đình mới. Vì nhà chỉ có hai mẹ con nên chồng cũ đến bất kỳ lúc nào với lý do thăm con. Có khi đi đâu đó qua nhà, anh ta cũng tạt vào chơi. Gặp cơm thì ngồi vào ăn, ăn xong xin ngủ trưa một lúc mới đi”.
Có lần anh vào giường chị ngủ nhờ và đòi “yêu”. Có lần chị phải nói: “Nếu ta còn yêu nhau thì nên đăng ký kết hôn lại”. Nhưng anh nói là gia đình anh không đồng ý, chỉ có thể quan hệ theo kiểu “du kích” như vậy. Chị hỏi tư vấn có nên tiếp tục kiểu quan hệ này không hay nên làm thế nào?
Nghe chuyện chị Thanh 35 tuổi ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) kể, khó ai nhịn được cười. Chị Thanh ly hôn đã gần 3 năm, sống với đứa con gái 4 tuổi. Chồng cũ là kỹ sư xây dựng, đang làm công trình ở cách nhà chị không xa thường xuyên đến thăm con.
Anh ta có củ khoai, quả ổi cũng đem đến cho con. Ngồi bóc khoai cho con ăn, anh kêu trời nóng, cởi hết quần áo ngoài ra cho mát, chỉ còn mỗi cái quần đùi. Rồi cứ thế anh đi lại trong nhà tự nhiên như nhà mình. Anh vào bếp làm cơm dọn lên bàn, ngồi ăn tự nhiên. Ăn xong nằm lăn ra giường ngủ, kéo gỗ pho pho như một người vô tư lự. Một hôm người yêu mới của chị Thanh đến chơi thấy cảnh đó không nói một câu nào và lặn mất tăm luôn.
Thay lời kết
Có lẽ việc ứng xử thế nào sau ly hôn là chuyện chỉ mới xuất hiện nhiều trong xã hội ta những năm gần đây. Hầu hết những người trong cuộc đều bỡ ngỡ vì họ chẳng có bài học nào từ các thế hệ trước để lại. Hoặc họ cũng biết nhưng coi thường pháp luật, cứ làm theo ý thích của mình.
Có anh đã ly hôn nhưng cứ đến cổng trường tiểu học đón con về nhà mình. Khi vợ cũ đến tìm con, anh ta cố tình giữ lại, khoá cả xe không cho vợ cũ đi nữa. Hết cách, chị phải nhờ công an phường can thiệp nhưng cũng chỉ được mấy ngày lại đâu vào đấy.
Những chuyện trên đây nói lên một thực trạng là chúng ta còn thiếu hụt cái gọi là “văn hoá ly hôn” mặc dù tỷ lệ ly hôn ở nước ta cũng “ngang tầm thế giới” chứ không ít. Phải chăng công an, tòa án cần có biện pháp răn đe giáo dục để họ không gây khó xử cho người đã ly hôn với mình.