Chồng chứ có phải con đâu mà phải giữ, càng không giống món đồ để ai muốn cướp là được. Quan trọng là do chồng mình, chứ chẳng phải do ai ngoài đường kia đâu! Đàn bà hiện đại, có hiểu biết đều tin là như thế.
- Đắng cay cho người vợ cố gắng có con để giữ chồng nhưng chồng vẫn ra đi
- Đàn bà khôn không bao giờ giữ chồng bằng những cách này
Vậy nhưng, một người đàn bà biết trang bị cho mình vài bí kíp tủ, thì vẫn tự tin trăm trận trăm thắng hơn chứ, phải không nào!
1. Trong các tuyệt chiêu bá đạo cho đàn bà có chồng, thì việc biết mắt nhắm mắt mở, đừng để ý, cầu toàn quá là chuyện cần phải biết. Từ đơn giản như “nhờ” chồng giúp cho vài việc nhà, đến chồng mua bán gì đó mang về đều chớ nên đòi hỏi sự chỉn chu hoàn hảo mà khổ mình khổ người.
Ví như, muốn chồng lau nhà, rửa chén thì tại sao mình không sung sướng hưởng thụ đi. Cứ phải dòm ngó, săm soi từng vết xem có sạch kin kít hay không. Chồng đã vào bếp đỡ đần thì mình cứ nũng nịu sau lưng động viên, khích lệ có phải cả hai cùng sướng không. Đừng đành hanh rằng thà tui tự làm còn sướng hơn, có đâu bày biện tuầy huầy ra đấy rồi chẳng hề biết dọn dẹp gì cả. Thêm việc cho tui chứ được gì… Nói nhiều ổng bực mình bỏ đi mất thì cũng chỉ mình ôm xô.
Cũng chớ nên quản lý chồng từng li từng tí, mỗi mối quan hệ lớn bé đều bắt phải khai báo. Đàn ông thích được vợ thả cho chút tự do, vờ như chẳng hề để mắt tới. Đừng luôn coi ngó xét nét xem chồng có lãng đãng đâu đâu hay không, xâm phạm thô bạo tự do cá nhân của chồng…
Tại sao chồng mình dở thế không biết nhỉ, cái gì cũng làng nhàng chướng mắt! Bạn không cần tự AQ bản thân là đang sở hữu một ông chồng xuất chúng, nhưng chị cũng không nhất thiết phải quá ngước lên, hãy bằng lòng với những gì mình đang có. Sao không thử nhìn xuống để biết rằng, đàn ông vô tâm, ham chơi vẫn ê hề ngoài kia, hiền lành vụng về như chồng mình đã là tốt lắm rồi. Không xuề xòa yêu quý nổi người đàn ông đang gọi là chồng, bạn sẽ khó mà biết trân trọng hạnh phúc đơn sơ mình đang có. Thật đấy.
2. Cứ hễ lễ tết sinh nhật gì đấy là vợ chồng chị Mai lại giận nhau, thậm chí xào xáo. Chung quy, cũng là do chị thuộc diện hay tự ái, luôn quan điểm rằng, nếu có lòng với vợ thì anh ấy phải biết chứ, lần nào cũng mua quà trật rơ thế này. Hoặc quên béng luôn cả ngày kỷ niệm của gia đình. Chị mặt nặng mày nhẹ, trách chồng vô tâm, chẳng hiểu tâm tư nguyện vọng của vợ con gì cả. Có khi anh mang về cái áo đầm khác kích cỡ, chị lu loa lên là anh… quen ôm con nào gầy nhom rồi nên mới mua lầm như này. Lại thêm chị có bao giờ mặc đầm bông hoa đâu cơ chứ, chị đã xa gần gợi ý mà anh vẫn cứ vô tâm thế!
Muốn về nhà mẹ chơi, chị cũng đợi anh nhắc, chứ chị không thèm chủ động. Để rồi thường xuyên hờn mát là anh chẳng coi nhà vợ ra gì, toàn quên lễ nghĩa. Mà chồng chị lại thuộc diện hậu đậu, không biết nịnh đầm lấy lòng. Anh chỉ tha thiết mong sao, vợ muốn gì thì nói ra, đừng im lặng mà bắt đối phương đoán ý. Đàn ông cũng như phụ nữ chúng ta thôi, họ cũng có ti tỉ thứ phải lo ngoài đường rồi, bắt họ phải chạy theo dò ý của vợ nữa, thì thật là hoang đường!
3. “Tớ mang tiền về nhà nhiều, thì tớ phải được nghỉ ngơi thư giãn chứ!”, giải thích cho câu hỏi tại sao ngày lễ tết không phải ở nhà quét dọn, nấu nướng như mấy chị em dâu khác, Ngà, bạn tôi đã nhẹ nhàng trả lời như thế. Sống chung trong đại gia đình chồng, do thu nhập tốt, Ngà đóng góp phần lớn chi tiêu trong nhà, lại thường xuyên mang quà bánh về, nên được cả nhà cưng như trứng mỏng. Hiếm có việc gì Ngà phải động tay vào. Thậm chí, Ngà vừa cầm cây chổi qươ vài nhát cho phải phép, đã được mẹ chồng giựt lấy, miệng bảo “Con mới đi công tác về, cứ chơi với cháu đi, để mấy đứa em nó làm cho…”.
Đàn bà, tự chủ một phần hoặc toàn phần về kinh tế là điều chắc chắn phải nghĩ tới. Chẳng phải mạnh vì gạo, bạo vì tiền đó hay sao? Đồng tiền không mang lại hạnh phúc, nhưng không có tiền cũng khó tìm ra hạnh phúc.
4. “Hồi đó, lúc đám cưới, má anh bắt tôi đi qua cửa sau vào nhà, trong sự chứng kiến của vô số họ hàng phía bên tôi. Nỗi nhục ấy, chết tôi cũng không quên được…”. Chị Hoa mỗi khi giận chồng là bổn cũ soạn lại, nhắc nỗi oán hận tủi thân của mình thuở trước, mặc kệ chồng chị đã chuyển tông từ day dứt an ủi sang bực bội khó chịu từ lâu rồi. Bởi chuyện ấy, trôi qua nay đã gần hai mươi năm chứ ít gì…
Giá mà chị em hiểu được rằng, cái gì qua rồi thì cho qua, đừng đay nghiến, nhai tới nhai lui thì hay quá! Phải công nhận là khả năng “liên đới”, xâu chuỗi của các bà vợ về mấy sự việc vốn có cảm giác chẳng liên quan gì tới nhau để mà nhắc lại lỗi lầm của chồng, thì quả là vô địch! Tha thứ là một chuyện, nhưng quên đi sao khó quá. Cái cách bỏ qua mà không thể nào bước qua thật sự ấy, chỉ khiến sóng gió ngấm ngầm lặn vào trong, chờ một dịp thuận tiện là bùng lên ghê gớm, thiêu rụi mọi cố gắng giữ gìn…
4. “Bản thân còn không biết tự chăm sóc thì đừng mong có thể lo lắng cho ai!” Câu nói lạnh lùng ấy, chồng chị Yên có lần “phang thẳng” khi vợ ốm, sau vài lần chị quên áo mưa áo ấm cho mình. Nghĩ mà tủi, nhưng anh nói chẳng sai. Chị Yên có tật “quên mình”, coi hy sinh là kim chỉ nam, đến nỗi giờ đau bao tử quanh năm bởi thói quen làm ráng cho xong, lụi hụi ăn sau. Riết rồi cơ thể phản ứng lại cách ăn uống thiếu khoa học ấy.
Chị lại ít quan tâm tới việc làm đẹp cho mình, cứ bảo rằng, có chồng rồi thì điệu với ai nữa. Nên chị ngày càng bơ xờ bệ rạc, tay chân thô thiển, làn da xảm xì vì chẳng hề được chăm dưỡng. Năm thì mười họa xuất hiện cùng chồng ở đâu đó, chị vô tư không nhận ra vài ánh mắt thương hại lẫn buồn cười của thiên hạ dành cho mình. Thậm chí, có người còn nửa đùa nửa thật rằng, chồng chị xài vợ hao quá đi mất, mà chị vẫn không màng bận tâm… Mãi đến khi tận mắt chứng kiến chồng cặp bồ với một em trẻ đẹp thơm tho phơi phới, chị mới giật mình ngó lại mình, thì hầu như đã muộn màng. Làm vợ làm mẹ có vất vả thật, nhưng đâu nhất thiết phải "tử vì đạo" đến thế cơ chứ! Đàn bà, luôn phải biết yêu chính mình, chị quên thật sao?
Ừ, coi vậy chứ nói dễ hơn làm, lý thuyết trơn tru chứ nhiều khi thực hành cũng còn xa xăm lắm. Dẫu sao, tư tưởng phải thông thì chị em mới tránh quên xài cẩm nang.