Bạn bè thân có nghĩa là có thể chia sẻ mọi thứ. Nhưng đối với chuyện vợ chồng cãi nhau, chuyện riêng tư của hai người thì bạn nên cân nhắc khi chia sẻ với họ.
- 10 điều các cặp vợ chồng nên làm cùng nhau vào năm mới để gia đình hạnh phúc hơn
- 4 điều cấm kỵ ngày Tết, vợ chồng phạm phải là 'xui' cả năm
Có thể đang lúc khổ đau, bạn không có ai để chia sẻ. Nếu chia sẻ với người thân, bạn sợ họ lo lắng cho mình, chỉ còn cách chia sẻ với bạn bè. Nhưng có thể những lý do sau đây khiến bạn cân nhắc có nên nói mọi chuyện cho họ biết về cuộc sống riêng tư của vợ chồng bạn.
1. Bạn bè chỉ biết nghe từ một phía bạn mà thôi
Bạn bè chỉ nghe câu chuyện từ một phía
Lý do đầu tiên bạn nên cân nhắc khi tâm sự với bạn bè về chuyện riêng tư của gia đình mình đó là họ chỉ nghe được câu chuyện từ một phía. Họ không thể nghe được từ người còn lại và cũng không chắc chắn nguyên nhân là gì, tại sao hai vợ chồng cãi nhau, giận nhau.
Khi chỉ nghe một phía, bạn bè của bạn không thể nhận hình dung đúng toàn bộ câu chuyện. Họ có thể đổ lỗi cho riêng bạn hoặc riêng bạn đời của bạn.
2. Họ có thể đưa ra những lời khuyên không đúng
Dù chuyện gì cũng có thể to nhỏ với nhau nhưng chưa chắc họ có thể đưa ra lời khuyên đúng cho bạn
Nếu bạn bè chỉ nghe câu chuyện từ một phía, họ có thể đưa ra những lời khuyên không chính xác, dẫn đến cuộc hôn nhân của bạn đã bế tắc nay lại càng rối rắm.
Họ có thể đưa ra lời khuyên dựa trên những lợi ích tức thời mà không nghĩ đến hậu quả lâu dài.
Ví dụ cùng là phụ nữ, chỉ một chuyện khúc mắc với chồng nhưng bạn đem ra kể cho người bạn thân nghe và cô ấy khuyên bạn nên ly hôn ngay lập tức. Liệu bạn có nghĩ đó là lời khuyên chín chắn hay không?
3. Họ có thể không muốn nghe chuyện của bạn
Bạn bè có thể không muốn nghe chuyện của bạn vì họ cũng có những mệt mỏi trong cuộc sống
Trước khi mang chuyện vợ chồng ra chia sẻ với bạn bè, bạn hãy nghĩ liệu họ có thật sự nghe câu chuyện của mình hay không.
Bởi vì họ cũng có nhiều chuyện xảy ra, đau đầu với những vấn đề trong gia đình họ. Chuyện của bạn có thể mang lại sự mệt mỏi cho họ.
4. Bạn bè có thể nghĩ xấu bạn đời của bạn
Dù hai vợ chồng yêu thương nhau nhưng hay giận dỗi nhau, bạn bè có thể nghĩ xấu về chồng bạn nếu nghe quá nhiều chuyện của hai người
Thật lòng mà nói khi gia đình hạnh phúc, chúng ta thường không chia sẻ với bạn bè của mình. Chỉ khi hôn nhân trục trặc, bạn mới tâm sự với họ.
Nếu họ cứ nghe đi nghe lại về những chuyện kiểu hai vợ chồng cãi nhau, hai vợ chồng không đồng điệu, hay khúc mắc về chuyện con cái, chuyện chồng hay vợ bạn ngoại tình, dần dần, bạn bè sẽ nghĩ xấu về bạn đời của bạn.
Mặc dù những khúc mắc của cả hai vợ chồng chỉ là những chuyện nhỏ nhặt, nhưng nếu bạn bè nghe nhiều quá, họ sẽ ngại gặp chồng hoặc vợ bạn và dần dần xa lánh gia đình bạn.
5. Vấn đề có thể được giải quyết nhưng mất đi sự kết nối giữa hai vợ chồng
Mất đi sự kết nối, giao tiếp giữa hai người sẽ khiến tình cảm vợ chồng rạn nứt
Khi nói chuyện với bạn bè về những vấn đề mình gặp phải với vợ hoặc chồng, bạn có thể sẽ nhận được lời khuyên tốt hoặc xấu. Giả sử chuyện hai người được giải quyết, bạn đã mất đi một cơ hội để nói chuyện kết nối với bạn đời của mình.
Cứ mỗi khi có khúc mắc, bạn đi kể với bạn bè và tìm lời khuyên thì lâu dần nó sẽ khiến cả hai vợ chồng khó nói chuyện với nhau, dẫn đến tình cảm cũng dần phai nhạt. Việc giải quyết mâu thuẫn giữa hai người cũng vì thế mà khó khăn hơn.
6. Nó có thể làm tổn hại mối quan hệ của bạn
Giận hờn, cãi vã giữa hai vợ chồng chưa hẳn là bạn không yêu nhau
Chuyện vợ chồng, chỉ có hai người hiểu nhất và người trong cuộc mới biết cách giải quyết thế nào là tốt nhất. Những chuyện cãi nhau hầu như cặp đôi nào cũng có, và không phải cứ cãi nhau là không yêu nhau.
Đôi khi, sự tranh luận thái quá hoặc bất đồng quan điểm có thể dẫn đến những giận dỗi nhưng không vì thế mà đi kể hết mọi chuyện cho bạn bè nghe để rồi sau đó hối hận "giá như đừng kể".
Vì thế, hãy cân nhắc trước khi chia sẻ chuyện vợ chồng với bạn bè, dù có thân đến mấy.