Trẻ sơ sinh khóc không thành tiếng khiến nhiều bậc phụ huynh vô cùng lo lắng không biết đây là biểu hiện gì ở trẻ. Nếu gặp trường hợp trẻ khóc không ra tiếng cần làm gì để đảm bảo an toàn cho trẻ là điều cần thiết cha mẹ nên biết.
- Cai sữa cho bé mẹ bị căng sữa và cách chữa hiệu quả
- Mụn nước ở chân trẻ em và hướng xử lý tốt nhất cho bố mẹ
Trẻ sơ sinh khóc không thành tiếng là một biểu hiện thường xảy ra ở trẻ 6 - 18 tháng tuổi. Những cơn khóc lặng thường kéo dài trong khoảng 30 – 60 giây là kết thúc. Nhưng có một số trường hợp bé khóc lặng dẫn đến khó thở tím tái và ngất xỉu.
Chính vì thế khiến nhiều bậc phụ huynh vô cùng bối rối không biết cách xử lý kịp thời. Hiểu rõ cơn khóc lặng là gì sẽ giúp cha mẹ yên tâm, tránh sơ cứu sai cách không những không giúp được bé ngược lại còn khiến bé rơi vào tình trạng nguy hiểm hơn.
Thế nào là khóc không thành tiếng?
Tiếng khóc đối với người lớn đôi khi là một điều tiêu cực giải tỏa cảm xúc khi đau khổ mệt mỏi nhưng đối với trẻ sơ sinh lại đem đến nhiều lợi ích, thông qua tiếng khóc bé muốn thông báo nhu cầu của mình cho người lớn biết như đói, buồn ngủ, khó chịu...
Nhưng khi trẻ sơ sinh khóc không thành tiếng hay còn gọi là những cơn khóc lặng, khóc nín thở thì có biểu hiện khác hơn. Bé thường mím môi, tím tái, có nhiều trường hợp có thể ngất đi. Thật ra hiện tượng này không xa lạ với các bác sĩ chuyên khoa nhưng lại khá bỡ ngỡ gây hoang mang cho những cặp vợ chồng trẻ chưa có kinh nghiệm.
Theo nghiên cứu bé khóc không ra tiếng là hiện tượng phổ biến xuất hiện ở trẻ ở từ 6 tháng đến 4 tuổi. Nhưng xảy ra nhiều nhất khi trẻ được 6 – 18 tháng. Theo thống kê khoảng 5% trẻ có thể rơi vào tình trạng này. Trẻ sơ sinh khóc không thành tiếng thường không gây nguy hiểm.
Các loại khóc lặng và biểu hiện
Cơn khóc lặng tím
Đây là loại khóc thường gặp hơn cả chiếm đến 85%, xảy ra khi trẻ cảm thấy bực bội khó chịu, nhõng nhẽo. Cơn khóc này biểu hiện theo một quy trình cụ thể mà cha mẹ dễ nhận biết. Khi đó trẻ sẽ hít một hơi thật sâu rồi khóc, rồi lại thở ra một hơi ngừng thở.
Lúc này vì thiếu lượng oxy nên cơ thể trẻ chuyển sang màu tím, đặc biệt là vùng môi tím tái thấy rõ, nếu lâu hơn có một số trẻ sẽ ngất xỉu hoặc lên cơn co giật. Nhưng hiện tượng này chỉ xảy ra vài giây, bé sẽ tự thở lại được và cơ thể bắt đầu hồi phục hồng hào.
Cơn khóc lặng được cho là một biểu hiện bình thường, không gây nguy hiểm mặc dù khi thấy trẻ rơi vào tình trạng này trông rất đáng sợ và khiến mọi người lo lắng nhưng sẽ không để lại di chứng và thường tự hết khi trẻ lớn lên khoảng sau 4 tuổi.
Cơn khóc lặng xanh
Cơn khóc lặng xanh sẽ hiếm gặp hơn ở trẻ. Xuất hiện sau khi trẻ gặp tai nạn nào đó như bị té ngã hoặc khi trẻ giật mình. Lúc này cơ thể bé sẽ truyền thông tin đến não bộ, sau đó não lại tiếp tục truyền tín hiệu gây ra phản xạ vasovagal. Kết quả làm nhịp tim chậm hơn bình thường, huyết áp hạ thấp, trẻ bắt đầu ngưng thở, cuối cùng là ngất xỉu.
Khi cơn khóc lặng xanh xảy ra khiến trẻ ngất xỉu, rơi vào tình trạng mất tri giác, tim đập chậm đôi khi sẽ xuất hiện cơn co giật không kiểm soát. Thông thường hiện tượng này sẽ nhanh chóng chấm dứt trong vài phút, cơ thể trẻ sẽ phục hồi như bình thường.
Tuy nhiên biểu hiện của cơn khóc lặng xanh khá giống với một số bệnh liên quan đến hệ thần kinh và tim mạch. Vì thế cha mẹ không nên chủ quan. Cách tốt nhất là đưa trẻ đến các bệnh viện để được chẩn đoán làm xét nghiệm giúp có kết quả chính xác hơn về nguyên nhân gây ra hiện tượng trên.
Đối với mỗi trẻ khóc không ra tiếng là khác nhau về tần suất xuất hiện và mức độ. Có những trẻ thường xuyên gặp tình trạng này vài lần mỗi ngày hoặc 3 – 4 lần trong tuần. Nhưng có một số khác chỉ xuất hiện cơn khóc lặng chỉ vài lần trong năm.
Trẻ sơ sinh khóc không thành tiếng là do không tự chủ, bé không thể kiểm soát chứ không phải cố tình. Điều này rất khác với một số trẻ tự ý khóc yếu đi, ngưng thở để người lớn thoả mãn yêu cầu nào đó, lúc này bé không bị mất tri giác và tự động thở lại khi không chịu nổi. Chính vì thế cha mẹ cần quan sát những đặc điểm khác nhau để phân biệt.
Nguyên nhân dẫn đến cơn khóc lặng
Theo các nghiên cứu của các chuyên gia thật ra nguyên nhân sâu xa của việc trẻ sơ sinh khóc không thành tiếng vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Tuy nhiên khoảng 1/3 trẻ sơ sinh khóc yếu, khóc không ra tiếng có liên quan đến yếu tố tiền sử gia đình, ba mẹ, anh chị thường đã xuất hiện những cơn khóc lặng như thế khi còn nhỏ.
Một nguyên nhân khác cũng có thể dẫn đến cơn khóc lặng khi trẻ bị thiếu máu, lượng hồng cầu sản xuất không đủ đáp ứng nhu cầu của cơ thể.
Một điều cha mẹ có thể yên tâm là phần lớn trẻ có những cơn khóc không ra tiếng thường không có bệnh lý nghiêm trọng tìm ẩn nào.
Ba mẹ cần làm gì khi trẻ khóc không ra tiếng?
Việc đầu tiên cần làm chính là cần giữ bình tĩnh, cơn khóc lặng sẽ tự hết trong khoảng 30 – 60 giây.
Nên đặt trẻ nằm nghiêng sang một bên và quan sát cơn khóc lặng đến khi nó kết thúc trong khoảng thời gian được khuyến cáo.
Không nên tự ý thực hiện các biện pháp sơ cứu nào khác, đặc biệt là đưa tay vào miệng trẻ nhằm mục đích thông thoáng đường thở giúp trẻ. Khi bé có biểu hiện co giật ba mẹ có thể giữ đầu và tay chân bé một cách nhẹ nhàng tránh bé có thể vô tình va vào các vật sắc nhọn gây tổn thương.
Một lưu ý cực kỳ quan trọng là tuyệt đối không rung lắc người trẻ để gọi trẻ tỉnh dậy hay hắt nước vào người trẻ. Luôn nhớ rằng cơn khóc lặng sẽ hết tự nhiên khi đó trẻ sẽ hồi phục lại như bình thường.
Có một số trường hợp trẻ xuất hiện cơn khóc lặng tím do va đập. Chính vì vậy nếu nghi ngờ trẻ bị chấn thương cha mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện làm kiểm tra.
Trấn an gia đình và mọi người xung quanh rằng cơn khóc lặng không gây nguy hiểm. Giúp họ hiểu được và cách xử lý để tránh các tình huống tương tự xảy ra nhưng lại sơ cứu sai cách.
Trẻ sơ sinh khóc không thành tiếng không phải là chủ đích mà trẻ mong muốn. Chính vì thế cha mẹ không nên trách mắng, hay phạt trẻ tránh gây tâm lý hoang mang. Điều nên làm là học cách bỏ qua và không nhắc đến những cơn khóc lặng này.
Khi nào cha mẹ nên cho bé đi gặp bác sĩ?
Nếu cha mẹ không yên tâm, khi cơn khóc lặng đầu tiên kết thúc có để đưa bé đến gặp bác sĩ để thăm khám và nhận được sự tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa.
Đối với trẻ sơ sinh cần được làm kiểm tra để tìm ra nguyên nhân chính xác có phải đang ẩn chứa căn bệnh khác không. Vì nhìn chung biểu hiện của các loại bệnh thường khó phân biệt.
Các bác sĩ sẽ làm các xét nghiệm để chẩn đoán cơn khóc lặng do thiếu máu, đo điện não đồ để loại trừ khả năng do cơn động kinh gây nên.
Nếu nguyên nhân do thiếu máu sẽ được các bác sĩ kê đơn và có chế độ dinh dưỡng để bổ sung cho bé. Còn lại hiện nay cơn khóc lặng không có thuốc điều trị đặc hiệu.
Trẻ sơ sinh khóc không thành tiếng không phải là vấn đề gây nguy hiểm. Hiểu rõ cơn khóc lặng, cha mẹ không nên lo lắng, hãy thật bình tĩnh để xử lý cơn khóc lặng ở trẻ. Tuy nhiên nguyên nhân của việc khóc không ra tiếng khiến cha mẹ hoang mang thường xuất phát từ sự cáu giận, hoảng sợ của bé. Chính vì thế cha mẹ cần nên trò chuyện, chia sẻ và hiểu được tâm lý của con để hạn chế những cơn khóc lặng xảy ra thường xuyên.