Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đuối nước ở trẻ em là một vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng trên thế giới. Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở trẻ em dưới 15 tuổi, hơn 90% số ca tử vong do đuối nước trên toàn cầu xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
- Sau sinh bao lâu thì có thể dính bầu: Kiến thức cần biết để tránh 'vỡ kế hoạch'
- Bà bầu bị đau đầu: Đừng quên những bài thuốc dân gian đơn giản, hiệu quả
Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2016-2020 có hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước, tuy đã giảm dần qua các năm nhưng đuối nước luôn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn, thương tích ở trẻ em và người chưa thành niên. Tỷ suất tử vong do đuối nước ở trẻ em từ 0-14 tuổi tại Việt Nam cao hơn so với tỷ suất tử vong ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và toàn cầu; thấp hơn các nước thu nhập thấp và cao gần gấp 10 lần các nước phát triển.
Tử vong do đuối nước ở trẻ em chiếm khoảng 50% các ca tử vong do tai nạn, thương tích; xảy ra chủ yếu tại cộng đồng (76,6%), tại gia đình (22,4%) và tại trường học (1%).
Từ năm 2016 tới nay, công tác phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em nói chung, phòng chống đuối nước trẻ em nói riêng được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban quốc gia về trẻ em, các ngành, các cấp quan tâm, tích cực xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách liên quan và chỉ đạo, triển khai thực hiện.
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống đuối nước trẻ em của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tương đối đầy đủ, kịp thời, cơ bản đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện công tác này tại địa phương trong thời gian qua.
Các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm triển khai Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích; phòng, chống đuối nước trẻ em. Các kế hoạch (đề án) của các tỉnh/thành phố đã có sự tăng đầu tư ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực để tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, tập huấn, xây dựng môi trường an toàn, hướng dẫn kỹ năng an toàn cho trẻ em, dạy bơi và đầu tư xây lắp các mô hình bể bơi phục vụ nhu cầu phổ cập bơi cho trẻ em.
Công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh thông qua nhiều hình thức đã thu hút sự quan tâm của toàn xã hội; làm thay đổi mạnh mẽ về nhận thức và hành động của trẻ em, các bậc phụ huynh, các cơ quan chức năng và cộng đồng về vai trò, lợi ích của việc học bơi và học kiến thức kỹ năng phòng, chống đuối nước trong việc nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực trẻ em và bảo đảm an toàn, cứu sống tính mạng khi trẻ em bị rơi vào môi trường nước.
Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu Quốc hội, một số văn bản pháp luật chưa có quy định riêng về công tác phòng, chống đuối nước trẻ em: Luật Giao thông đường thủy chưa quy định rõ các điều kiện bảo đảm an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông đường thủy (như phương tiện chở khách giao thông đường thủy phải có áo phao cho trẻ em, quy định ưu tiên chỗ ngồi cho trẻ em, trẻ em nhỏ tuổi phải có người lớn đi kèm, …); chưa có quy định về tội danh, xử lý trách nhiệm, hình phạt cụ thể đối với một số trường hợp không bảo đảm môi trường an toàn để xảy ra đuối nước trẻ em (như các hố nước của các công trình xây dựng; hồ tưới tiêu của các gia đình, trang trại; các điểm nguy hiểm để xảy ra nhiều vụ đuối nước,…).
Nhiều địa phương chưa có văn bản chỉ đạo của cấp ủy, Hội đồng nhân dân về công tác trẻ em nói chung và phòng chống đuối nước trẻ em nói riêng. Kế hoạch triển khai chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, phòng chống đuối nước trẻ em của một số tỉnh/thành phố còn chung chung, chưa có mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, chưa được quan tâm đầu tư các nguồn lực đúng mức..., một số tỉnh/thành đã xây dựng Đề án phổ cập bơi cho trẻ em trên địa bàn nhưng do thiếu nguồn lực nên không triển khai được. Một số chỉ tiêu về phòng, chống đuối nước tại ngành giáo dục đặt ra chưa phù hợp, gây khó khăn cho việc triển khai.
Tình hình tử vong do đuối nước trẻ em đã có chiều hướng giảm nhưng giảm chậm trong những năm qua và số trẻ đuối nước vẫn còn cao, trung bình mỗi năm còn khoảng gần 2.000 trẻ em bị tử vong do đuối nước, cao gấp 10 lần các nước phát triển.
Việc dạy bơi cho trẻ em các địa phương, đặc biệt dạy bơi trong các trường học còn gặp nhiều khó khăn, nhất các tỉnh miền núi nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở không có bể bơi tại trường, ngoài cộng đồng phần lớn ao, hồ, sông, suối thì ô nhiễm không sử dụng để dạy bơi được. Thiếu các hướng dẫn viên dạy bơi, còn nhiều giáo viên thể dục không biết bơi. Tại nhiều trường phổ thông đã được lắp đặt bể bơi nhưng thiếu các yếu tố bảo đảm, khó khăn trong việc vận hành, hiệu suất sử dụng thấp, gây lãng phí nguồn lực đầu tư.
Đặc biệt, một số nhiệm vụ quản lý nhà nước thực hiện chưa hiệu quả: Công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá các hoạt động phòng, chống đuối nước trẻ em chưa được các cấp thực hiện thường xuyên, kịp thời; chưa gắn kết và huy động được sức mạnh, sự tham gia của người dân trong cộng đồng. Việc theo dõi thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra chưa được quan tâm, báo cáo kết quả cụ thể. Chưa xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm gây tai nạn đuối nước trẻ em.
Việc thu thập thông tin, báo cáo về tình hình tai nạn thương tích trẻ em, đuối nước trẻ em còn hạn chế, chưa kịp thời, chưa thống nhất giữa các bộ, ngành và chưa có sự chia sẻ giữa các bên liên quan. Chưa có điều tra toàn quốc về phòng chống đuối nước trẻ em. Công tác gia đình chưa tích cực đổi mới để đáp ứng yêu cầu thực tế, chưa bao quát, chưa phát huy được trách nhiệm của cha mẹ, người lớn tuổi trong việc quan tâm dạy dỗ, giám sát trẻ em trong gia đình. Công tác phối hợp liên ngành tại nhiều địa phương, cơ sở còn thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả; sự tham gia của các đoàn thể chưa thể hiện rõ, mới chỉ có tổ chức Đoàn Thanh niên vào cuộc.
Nhiều ý kiến cho rằng, phòng, chống đuối nước trẻ em cần có sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành và triển khai đồng bộ. Các chương trình, kế hoạch đề ra phải lượng hóa được các chỉ tiêu phấn đấu và phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho các bên liên quan.
Việc phòng ngừa đuối nước trẻ em phải đặt lên hàng đầu. Công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thực hiện cần được coi trọng; thường xuyên tiến hành rà soát, đánh giá hiệu quả các mô hình thí điểm, phát hiện những mô hình hiệu quả, những cách làm hay của các ngành, địa phương, cơ sở và có phương án giới thiệu, nhân rộng. Cần phát huy được nội lực của địa phương trong việc hỗ trợ, kết hợp với các dự án triển khai trên địa bàn và duy trì, nhân rộng các mô hình hiệu quả sau khi dự án kết thúc.
Quốc hội cần chỉ đạo các đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát việc thực hiện Luật Trẻ em; chính sách, pháp luật về phòng, chống tai nạn, thương tích và phòng, chống đuối nước trẻ em; kiến nghị địa phương quan tâm bố trí nhân lực, ngân sách địa phương để thực hiện công tác phòng, chống tai nạn, thương tích và phòng, chống đuối nước trẻ em.
Đồng thời, tăng cường rà soát, lồng ghép chính sách phòng chống đuối nước trẻ em trong các văn bản pháp luật liên quan. Quan tâm hơn trong việc quyết định phân bổ ngân sách nhà nước hằng năm dành cho công tác trẻ em trong đó có công tác phòng, chống tai nạn, thương tích và phòng, chống đuối nước trẻ em của các bộ, ngành, địa phương.
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành cần triển khai quyết liệt và hiệu quả các chương trình hành động, quyết định, chỉ thị, công điện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống tai nạn, thương tích và phòng, chống đuối nước trẻ em.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành hữu quan và chỉ đạo các địa phương: triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình, dự án về phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước trẻ em; ưu tiên đầu tư cho các địa phương còn nhiều khó khăn và các điểm nóng về đuối nước trẻ em; đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức truyền thông theo hướng hiệu quả, thiết thực; tăng cường nghiên cứu, thiết kế đa dạng các sản phẩm truyền thông, hướng tới các nhóm đối tượng; tăng cường triển khai chương trình tư vấn, tập huấn, hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em, nhất là cho đội ngũ cán bộ nòng cốt để nâng cao năng lực và tập huấn lại cho đội ngũ cán bộ cơ sở; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện; sơ kết, tổng kết, đánh giá thực tiễn triển khai thực hiện các chương trình, dự án phòng, chống đuối nước trẻ em.
*Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL thực hiện