Cuối năm học 2022-2023, trào lưu cha mẹ đăng kết quả học tập của con với dụng ý khen hoặc chê xuất hiện nhiều trên mạng xã hội, vô tình vi phạm pháp luật mà còn có thể gây áp lực cho chính con mình.
Theo thông tin từ báo Dân trí, đây là thời điểm vừa kết thúc năm học, nhiều trường đã tổ chức họp phụ huynh, công bố tình hình học tập, rèn luyện cũng như thông báo điểm tổng kết. Nhiều phụ huynh đã "khoe" bảng điểm khủng của con lên mạng xã hội (Facebook, Zalo đến cả TikTok...), trong đó nhận được nhiều lời tán dương của người thân, song cũng không ít người tỏ ra ngán ngẩm trước thực trạng khoe bảng điểm của con. Câu chuyện này gây tranh cãi từ lâu, bởi vô tình cha mẹ đã tạo áp lực cho những phụ huynh, học sinh khác cũng như bản thân con cái mình nếu không may học hành sa sút.
Ngập tràn, khắp nơi trên mạng xã hội, lướt đâu cũng thấy đập vào mắt toàn là những điểm số "chói lòa" bất kể trẻ học cấp 1, 2, hay 3. Hàng loạt bảng điểm chỉ có điểm 10, vài bảng điểm hiếm hoi có số 9. Học sinh xếp loại giỏi, xuất sắc...
Điển hình, chị Đậu Minh Nhân, ở Gò Vấp, TPHCM chia sẻ những ngày này vào Facebook là chị... khó thở với "đại hội" khoe điểm, thành tích của con trên mạng xã hội.
Chị Nhân cũng đặt vấn đề khi bố khoe lên mạng nhận về không ít bình luận "đãi bôi" kiểu "con giỏi thế", "xuất sắc vậy"... khi mà giờ học sinh nào mà chẳng 9, chẳng 10.
Phụ huynh Nguyễn Đức Tiến (Khu tập thể Thanh Xuân Bắc, Hà Nội) có con học THCS và Tiểu học cho biết: "Cứ đến thời điểm kết thúc học kỳ I, hay năm học là trên mạng xã hội bao gồm bạn bè, đồng nghiệp, người thân của tôi rộ lên trào lưu khoe giấy khen, bảng điểm của con với những lời lẽ đầy tự hào. Không ít phụ huynh cũng tích cực khoe kết quả của con dù ở cuộc thi, giao lưu phong trào. Bên cạnh đó, không ít phụ huynh khác vào bình luận, so sánh, buồn bã khi con mình không được kết quả học tập tốt. Tôi nghĩ, việc con điểm cao cũng đáng mừng, nhưng nên tôn trọng kết quả học tập của con dù cao hay thấp".
Theo nguồn tin từ Giáo dục & Thời đại, cô Nguyễn Thị Khánh, nguyên giáo viên Ngữ văn Trường THPT Phan Đình Phùng (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ quan điểm về vấn đề phụ huynh đưa điểm số của con lên Facebook, Zalo,..: Không ai cấm phụ huynh đưa điểm số của con mình lên mạng. Nhất là khi con có học lực tốt thì sự tự hào là chuyện đương nhiên, bình thường. Tuy nhiên điều đáng nói, đi kèm cạnh điểm số còn vô vàn lời chúc “có cánh”, sự khoe khoang quá đà và không nói có phần “lố” của phụ huynh. Bản thân đứa trẻ có thành tích cao được phụ huynh đưa lên mạng cũng chưa chắc thích được “tuyên dương” kiểu ấy, thậm chí nhiều em thấy ngại.
Theo đó, TS Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính Quốc gia phân viện TPHCM cho hay, mỗi cuối học kỳ, cuối năm học, Facebook lại tràn ngập cảnh khoe điểm, khoe hình giấy khen từ phụ huynh bà lại không khỏi trăn trở bởi người lớn có thể đã bỏ qua những khó khăn, chán nản của trẻ.
Cần nhìn lại hệ thống giáo dục hiện tại, chương trình, sách, cách giảng dạy và đặc biệt là cần nhìn lại quan điểm của chúng ta về điểm số, thành tích của các con. Có phải chúng ta đang đi ngược lại mong muốn của chính chúng ta là mong con hạnh phúc? Làm sao đứa trẻ hạnh phúc khi học với áp lực điểm số?
Đồng thời, mong mỏi thầy cô và đặc biệt là cha mẹ hãy thay đổi tư duy "nhìn vào điểm" đánh giá các con để bớt làm khổ con. Nhất là hiện nay, các nhà tuyển dụng đã quá thấm hậu quả của giáo dục áp đặt, đọc chép, học vẹt nên phần lớn không tuyển dựa trên điểm số, bằng cấp mà dựa trên năng lực ứng dụng vào công việc, năng lực hội nhập với đội nhóm, năng lực thích nghi và linh hoạt, năng lực học suốt đời của ứng viên để quyết định tuyển dụng.