Dưới đây là 10 chiến lược hiệu quả giúp phụ huynh hướng dẫn và hỗ trợ con cái phát triển các kỹ năng an toàn và lành mạnh khi sử dụng thiết bị công nghệ.
Khi công nghệ đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày, nhu cầu tiếp xúc kiến thức kỹ thuật số ở trẻ cũng trở nên quan trọng. Internet, phương tiện truyền thông xã hội và các thiết bị kỹ thuật số đã định hình lại cách trí tuệ trẻ tương tác, học hỏi và nhận thức về thế giới xung quanh. Một trong những mối quan tâm cấp bách nhất của các bậc cha mẹ hiện nay là những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến việc lạm dụng hoặc thiếu hiểu biết về các công cụ và nền tảng kỹ thuật số.
Bắt nạt trên mạng, những "kẻ săn mồi trực tuyến", vi phạm quyền riêng tư và truyền bá thông tin sai lệch chỉ là một vài trong số những mối nguy hiểm tiềm ẩn trong lĩnh vực kỹ thuật số. Ngoài ra, việc sử dụng quá mức và không lành mạnh các thiết bị kỹ thuật số có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần, kỹ năng xã hội và sức khỏe tổng thể của trẻ.
"Điều quan trọng là phải nhận ra rằng công nghệ vốn không tốt hay xấu. Khi được sử dụng một cách có trách nhiệm và có hướng dẫn phù hợp, công nghệ sẽ là một công cụ mạnh mẽ có thể mở ra những cơ hội vô tận cho việc học tập, sáng tạo và phát triển cá nhân", Sonali Gupta, Nhà tâm lý học hành vi tại Baatu Tech, Ấn Độ, cho biết.
Lời khuyên để bồi dưỡng năng lực kỹ thuật số ở trẻ thanh thiếu niên
Nhà tâm lí học Sonali Gupta chia sẻ thêm với Hindustan Times Lifestyle một số cách thiết thực mà cha mẹ có thể nuôi dưỡng khả năng sử dụng công nghệ kỹ thuật số lành mạnh và an toàn ở trẻ thanh thiếu niên.
1. Dạy kiến thức kỹ thuật số và quyền công dân kỹ thuật số
Dạy kiến thức kỹ năng kỹ thuật số cho trẻ bao gồm các kỹ năng cần thiết để sử dụng các công cụ kỹ thuật số, cùng với sự hiểu biết về các nền tảng mạng, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ. Cha mẹ có thể tham gia vào các cuộc đối thoại với con, thảo luận về tầm quan trọng của hành vi sử dụng công nghệ kỹ thuật số có trách nhiệm, hậu quả của việc bắt nạt trên mạng và sự cần thiết khi tương tác trên mạng xã hội.
2. Đặt ranh giới cho việc sử dụng thiết bị kỹ thuật số
Mặc dù công nghệ mang lại nhiều lợi ích nhưng điều cần thiết là phải thiết lập các ranh giới lành mạnh cho việc sử dụng thiết bị kỹ thuật số. Các chuyên gia khuyến nghị cha mẹ nên thảo luận với con để đặt ra giới hạn hợp lý về thời gian sử dụng thiết bị, đảm bảo cân bằng giữa các hoạt động bên ngoài và các khía cạnh khác của cuộc sống, chẳng hạn như tập thể dục, tương tác xã hội trực tiếp và học tập. Bằng cách cho con vào quá trình ra quyết định, cha mẹ có thể nuôi dưỡng tinh thần trách nhiệm và khả năng tự điều chỉnh hành vi của con.
3. Làm mẫu hành vi có trách nhiệm
Là một trong những tấm gương đầu tiên cho trẻ noi theo, cha mẹ phải làm gương cho con về việc sử dụng các thiết bị kỹ thuật số một cách có trách nhiệm. Thanh thiếu niên có nhiều khả năng áp dụng các thói quen kỹ thuật số lành mạnh hơn khi chúng quan sát cha mẹ mình sử dụng một cách có chủ đích và ưu tiên kết nối với bên ngoài hơn là dành quá nhiều thời gian cho màn hình máy tính hay điện thoại.
4. Giúp con hiểu được mặt tối của công nghệ
Ngoài việc mang đến nhiều lợi ích cho cuộc sống của con người, công nghệ cũng tiềm ẩn nhiều mối nguy hại không lường trước được. Cha mẹ nên bắt đầu những cuộc trò chuyện phù hợp với lứa tuổi với con về sự nguy hiểm của những "kẻ săn mồi trực tuyến", bắt nạt trên mạng và tác động của việc sử dụng màn hình quá nhiều đối với sức khỏe tâm thần và các kỹ năng xã hội. Cha mẹ có thể trang bị cho con kiến thức và định hướng con sử dụng công nghệ kỹ thuật số một cách có trách nhiệm và an toàn hơn.
5. Luôn cập nhật về các xu hướng mới nhất về truyền thông và công nghệ
Bối cảnh kỹ thuật số không ngừng phát triển, với các nền tảng, ứng dụng và công nghệ mới đang nổi lên nhanh chóng. Cha mẹ phải cập nhật thông tin về các xu hướng công nghệ và truyền thông mới nhất để hiểu rõ hơn về nền tảng và công nghệ mà con đang sử dụng. Bằng cách luôn cập nhật xu hướng công nghệ mới, cha mẹ có thể cung cấp hướng dẫn và hỗ trợ phù hợp cho con.
6. Dạy kỹ năng tư duy phản biện
Trong thời đại quá tải thông tin, việc dạy con kỹ năng tư duy phản biện là điều cần thiết để tránh các tác động tiêu cực từ các phương tiện mạng xã hội. Cha mẹ nên khuyến khích con đặt câu hỏi về độ tin cậy của các nguồn trực tuyến, đánh giá thông tin một cách khách quan và suy nghĩ chín chắn về nội dung được lan truyền. Bằng cách bồi dưỡng những kỹ năng tư duy phê phán này, thanh thiếu niên có thể phân biệt thực tế tốt hơn với hư cấu, xác định những thành kiến và thông tin sai lệch, đồng thời đưa ra quyết định sáng suốt về nội dung tham gia.
7. Nhấn mạnh việc học tập cảm xúc xã hội
Trong khi kiến thức kỹ thuật số tập trung vào các kỹ năng kỹ thuật thì việc nuôi dưỡng khả năng học tập cảm xúc xã hội ở thanh thiếu niên cũng quan trọng không kém. Cha mẹ nên tham gia vào các cuộc trò chuyện về sự đồng cảm, tôn trọng và đưa ra quyết định có đạo đức trong không gian kỹ thuật số vì những kỹ năng này rất quan trọng để xây dựng cộng đồng trực tuyến lành mạnh. Bằng cách bồi dưỡng trí tuệ cảm xúc và thúc đẩy các tương tác trực tuyến tích cực, thanh thiếu niên có thể học cách điều hướng thế giới kỹ thuật số bằng lòng nhân ái và lòng tốt.
8. Sử dụng các nguồn lực sẵn có để phát triển kỹ năng hiểu biết về truyền thông
Có sẵn nhiều nguồn tài nguyên để giúp phụ huynh và thanh thiếu niên phát triển các kỹ năng hiểu biết về truyền thông cần thiết để điều hướng bối cảnh kỹ thuật số. Chúng bao gồm các khóa học trực tuyến, trang web giáo dục và chương trình giảng dạy chuyên biệt được thiết kế để dạy người học trẻ cách phân tích và tạo nội dung truyền thông một cách phản biện. Bằng cách tận dụng những nguồn lực này, cha mẹ có thể trang bị cho con mình những công cụ cần thiết để trở thành những công dân kỹ thuật số có hiểu biết và có trách nhiệm.
9. Tích hợp các kỹ năng đọc viết kỹ thuật số vào các bài dạy “đọc viết” khác
Kỹ năng đọc viết kỹ thuật số không nên được dạy một cách riêng biệt mà nên được tích hợp vào các lĩnh vực học tập khác. Ví dụ, phụ huynh có thể kết hợp các công cụ và nền tảng kỹ thuật số khi dạy kỹ năng đọc và viết, thúc đẩy mối liên hệ giữa kiến thức truyền thống và kỹ thuật số. Cách tiếp cận tích hợp này củng cố tầm quan trọng của kiến thức kỹ thuật số và chuẩn bị cho thanh thiếu niên một tương lai nơi kiến thức kỹ thuật số và truyền thống gắn bó chặt chẽ với nhau.
10. Tận dụng sự tham gia của gia đình và hỗ trợ cộng đồng
Nuôi dưỡng khả năng đọc viết kỹ thuật số ở thanh thiếu niên là trách nhiệm chung đòi hỏi sự tham gia của gia đình và sự hỗ trợ của cộng đồng. Cha mẹ nên cộng tác với các nhà giáo dục, tổ chức cộng đồng và các gia đình khác để tạo ra một môi trường hỗ trợ, nơi các kỹ năng đọc viết về kỹ thuật số luôn được củng cố và đánh giá cao.