Có thể nói, giải pháp hoàn hảo cho cuộc sống chính là tự tạo cho mình một khu vườn trên mái nhà. Không những có rau sạch để ăn mà còn giúp thanh lọc không khí mang đến môi trường sống sanh - sạch hơn cho mỗi gia đình nơi phố thị.
- Học 'mẹ đảm' cách trồng hoa lan huệ quanh năm, nhà cửa lúc nào cũng tươi mới
- Học 'lỏm' cách cắm và dưỡng hoa lay ơn 11 ngày không tàn của cô giáo Hà Nội
Trồng rau và hoa trên sân thượng là một xu hướng rất phát triển trong những năm gần đây. Bởi phố thị đất chật người đông, làm sao để trong diện tích nhỏ vẫn có không gian xanh, thoáng đãng cho cả gia đình là điều mà nhiều người luôn mong muốn.
Mới đây, trong một nhóm chuyên về nhà cửa, chị Trinh (Facebook HHuong Trinh) đã chia sẻ kinh nghiệm sáu năm trồng cây của mình, hi vọng đây là những thông tin hữu ích để những người có đam mê trồng cây tham khảo.
1. Mái nhà: Trước tiên, để thiết kế khu vườn "trên không" thì điều quan trọng cần quan tâm nhất là phần mái nhà. Khi xây nhà, đổ mái trên cùng phải được xử lý kết cấu và chống thấm rất cẩn thận, mái nhà nên láng xi măng có độ hơi dốc một chút để khi mưa hoặc lúc tưới cây nước sẽ thoát rất nhanh, không lo bị thấm trần.
2. Lựa chọn bồn trồng cây: Tùy theo từng gia đình, có thể xây hoặc đặt chậu. Nếu muốn xây bồn, nên xây gạch lỗ, sau đó trát xi măng và sơn lại.
Bồn và chậu trồng cây nên để thoát nước ở hai bên cách đáy khoảng 2-3cm để giữ phân ko bị trôi, nên xây cách sàn 20-30cm tránh tình trạng nước thấm xuống trần. Nếu dùng chậu nhựa nên hàn giá inox hoặc sắt cao khoảng 20-30cm để đặt chậu cho thoáng.
3. Đất trồng: Chọn đất có nhiều dưỡng chất rồi phơi khô, đập vụn và trộn với phân chuồng hoai mục. Có thể sử dụng đất trộn sẵn, nhưng những vụ sau cần trộn lại để đảm bảo dưỡng chất cho cây.
4. Hạt giống: Mua ở những địa chỉ uy tín hoặc tham khảo ý kiến của các chuyên gia về cây giống. Không nên tự ý mua, sẽ mua phải những loại hạt chất lượng không tốt khiến cây lâu phát triển thậm chí không lên mầm.
Nên ươm cây vào cốc ươm hoặc khay ươm, viên nén xơ dừa cho cây khoẻ đẹp rồi mới trồng. Không nên gieo trực tiếp vì gieo tỷ lệ nảy mầm rất thấp, hoặc có thể mua cây được ươm sẵn.
5. Phòng trừ sâu bệnh:
Để phòng bệnh trĩ, nhện, rệp, sâu, các gia đình có thể sử dụng thuốc lào hoặc dầu Neem Oil.
Công thức pha thuốc lào gồm: 200 gram thuốc lào ngâm với 5lít nước sôi hoặc rượu ngâm khoảng ba đến bốn ngày, sau đó lọc bỏ bã thuốc để vào chai dùng dần.
Cách sử dụng như sau: 100ml thuốc lào kết hợp 5-6 giọt nước rửa bát hoặc dầu ăn pha với 1 lít nước, phun đều hai mặt lá, phun đẫm bề mặt đất trồng, phun sáng sớm và chiều tối, khoảng 5-7 ngày phun một lần.
Trị bệnh thì phun liên tục hai ngày, sau đó cách 3 đến 4 ngày phun tiếp. Ngoài ra, có thể phun nước vôi trong tưới gốc và phun lá.
Đối với bệnh nấm, phấn trắng người trồng cây nên sử dụng thuốc sát khuẩn Betadine và Xanh methylen, mỗi loại 5-6 giọt/lit nước phun tuần một lần. Tình trạng cây bị nặng cần nhổ bỏ để tránh bệnh lây lan.
Chị Trinh cũng lưu ý thêm, khi trồng cây nên trồng có khoảng cách vừa phải để cây có đủ ánh sáng, không trồng dày. Có thể kết hợp trồng xen canh với một số loại cây sau: Cúc vạn thọ, sen cạn, cây lá có mùi hắc vừa phải nhằm hạn chế sâu bệnh vừa làm đẹp cho vườn.
Ngoài ra, cây rất ưa nắng nên tốt nhất vườn không cần làm mái che, mùa hè nắng nóng nên phủ rơm hoặc lá cây khô trên mặt chậu để giữ ẩm và cung cấp đủ nước cho cây.
Hi vọng, với những chia sẻ chi tiết của chị Trinh về cách thiết kế và trồng khu vườn trên mái nhà đã có thể giúp các gia đình tham khảo và tự tay lên ý tưởng một "khu vườn trên không" thật đẹp cho gia đình của mình.