Kiến trúc sư làm nhà cho mình nó cũng phải khác: Vừa sang xịn mịn vừa tiết kiệm chi phí, không còn gì để chê.
- Căn hộ 30m2 rộng rãi, độc đáo nhờ phòng tắm ẩn sau tủ quần áo
- 10 điều tồn tại ngay trong nhà có thể gây lo lắng, bất an
"Kiến trúc sư làm nhà người khác thì đẹp, còn nhà mình thì xấu!".
Đó là định kiến không biết từ đâu của phần đông xã hội dành cho nghề "làm đẹp nhà người". Kiến trúc sư Trần Anh Tùng thì chia sẻ rằng: "Tính mình thì vốn dị ứng với số đông nên mọi người càng nói, mình càng cố tình làm ngược lại. Cớ gì kiến trúc sư lại không có nhà đẹp trong khi thừa khả năng làm ra những thứ đẹp đẽ?".
Sau 4 năm ngày cưới, cuối cùng anh cũng làm nên một tổ ấm xứng đáng dành cho gia đình nhỏ của mình.
Đập đi xây lại - Được ngôi nhà sang xịn mịn
Anh Tùng chia sẻ rằng việc đập nhà đi làm lại được hình thành từ 1 ý nghĩ bất chợt, nung nấu bởi những năm làm nghề và tiếp xúc với quá nhiều thứ đẹp. Đúng ra thì anh đã không làm nhà mà bán đi do cũng ở được 3 năm rồi, nhưng mua nhà khác thì lại tốn thêm tiền, mà mua xong hoặc là dồn hết sạch tiền để sửa thì mới đẹp hoặc chấp nhận ở xấu tiếp. Thế là mặc cho vợ cằn nhằn, anh quyết định đập nhà. Giờ thì mọi người đều thích, con gái anh gặp ai tới nhà cũng khoe: "Nhà cháu chịn hông!".
Quá trình lên ý tưởng cho ngôi nhà mới
Anh Tùng bắt đầu lại với việc list ra toàn bộ những bất cập hiện có sau thời gian dài sinh sống. Có những thứ thuộc về sinh hoạt như thiếu ổ cắm, có những thứ thuộc về sở thích cá nhân như khu xem TV bị hẹp. Anh bày hết tất cả ra và nghiên cứu cách hợp lý hóa lại chúng trên mặt bằng. Sau khi xong được mặt bằng là lúc anh bàn với vợ và đồng nghiệp về phong cách thiết kế, sau đó lên phương án thiết kế 3D. Rất may là vợ anh chốt ngay sau phương án 3D đầu tiên, chứ không lại mang tiếng "bụt chùa nhà không thiêng". Sau khi chốt xong, từng giai đoạn một anh lại cùng vợ đi tới các nhà cung cấp vật liệu, đồ nội thất để xem và thống nhất thực tế.
Thiết kế và công năng của các khu vực
Đầu tiên là phòng ngủ, anh dịch cửa sang 1 chút, co hẹp hành lang lại từ 1m5 còn 1m để làm 1 hệ tủ dài chứa quần áo gấp và 1 hộc nhỏ để đồ mặc ra ngoài. Hệ giường sử dụng phản vì con gái anh hiện vẫn ngủ chung, bé lại nghịch nên có 1 chiếc phản lớn để lăn lê thì rất thích. Do đã tăng thêm được hệ tủ nông kia, diện tích tủ sâu anh dành hẳn 1 góc để con gái và vợ có thể ngồi đọc sách, truyện. Con khoái lắm, đó như 1 chốn "riêng tư" để bé tự do làm chủ, dù vẫn gần gũi với bố mẹ. Đây cũng chính là mục đích của anh khi thiết kế phòng ngủ.
Phòng khách thì anh thực hiện 2 chỉnh sửa cốt lõi, một là đảo ngược hệ TV - sofa, hai là đổi vị trí cửa vào phòng phụ ra phía ngoài để diện tích của sofa được lớn hơn, không bị chia cắt bởi chiếc cửa vô duyên nữa. Hệ thống TV - tủ thờ được đồng bộ hơn theo thiết kế. Phòng bếp được phòng phụ chia cho khoảng giật hốc sẵn có để tăng thêm diện tích làm tủ kho, bàn soạn, và tủ lạnh. Trước thì bếp nhà anh đủ dùng nhưng không còn chỗ để xếp các phụ kiện gọn gàng, giờ thì gọn hết, thậm chí vẫn dư chỗ để mua thêm thiết bị nấu nướng cho vợ anh, giúp chị nấu nhàn hơn, bữa ăn ngon hơn.
Khó khăn về tài chính
Với mức đầu tư không lớn, làm sao để vừa đẹp, vừa tiện dụng và đồ tốt là 1 bài toán rất khó giải. May mắn là anh làm nghề kiến trúc sư nên thứ tiết kiệm đầu tiên là tiền thiết kế, thứ hai là được các bên nhà thầu, nhà cung cấp đưa cho giá gốc luôn. Tuy nhiên, anh cũng phải cân đối và lùng thêm 1 số món tuy khác concept nhưng vẫn đảm bảo đẹp và vừa tiền, như armchair, bộ bàn trà... Tổng thời gian anh hoàn thiện căn nhà là 45 ngày với chi phí 500 triệu.
Một vài lời khuyên cho việc sửa nhà/thiết kế nhà
Theo anh Tùng, nếu được thì bạn nên hạn chế ở rồi mới sửa vì rất mệt. "Vợ chồng mình nai lưng ra dọn nhà thành ra mất 3 lần, mỗi lần mất 2 - 3 ngày, có khi tới khuya (2h sáng) 2 vợ chồng vẫn ôm đồ từ nhà này sang nhà kia. Một lần dọn ở nhà chuyển sang ông bà (may mà còn có nhà ông bà ở gần), 1 lần dọn ở nhà ông bà ở tạm, 1 lần dọn đồ về nhà mới, nhắc lại đã thấy bủn rủn cả chân tay".