Điểm đặc biệt ở vườn hồng của chị Phương Huyền là 100% hoa ngoại nhập quý hiếm, nhờ cách trồng và chăm sóc của chị mà các khóm hoa có thể thích nghi được khí hậu khắc nghiệt ở Việt Nam.
- Hồi sinh nhà cũ một cách ngoạn mục với 99% nội thất từ đồ tái chế, ai nhìn cũng mê
- Tận dụng thùng carton làm quà tặng con, '0 đồng' là có ngay 'ngôi nhà hạnh phúc' phiên bản mini
Vườn hồng 100m2 được chị Phương Huyền (1983) xây dựng vào năm 2013. Trước đó, chị đã từng thử trồng qua các loại hoa thân thảo như dạ yến thảo, thu hải đường, nhưng có lẽ vì có duyên với hồng, nên chị đã bắt đầu tìm hiểu và trồng cho mình một vườn hồng ngoại đẹp như tranh.
Vườn hồng của chị đến nay đã có số lượng khoảng 200 khóm hoa, hoa trong vườn nhiều chủng loại nhưng 100% là hồng nhập ngoại và được chị tỉ mỉ trồng trong từng chậu riêng biệt.
Chị chia sẻ về những khó khăn khi trồng hồng ngoại tại Việt Nam: "Yếu tố quyết định đến màu sắc, form hoa đẹp là thời tiết. Mình ở Hà Giang, nên khí hậu mùa đông thường rất lạnh, có lúc 1-2 độ C. Sang xuân là mùa phát triển mạnh nhất của hoa hồng. Có những loại hồng chỉ phù hợp với nơi có khí hậu lạnh, nên những vùng nóng trồng cũng không ra hoa. Hồng ưa nhiều nắng nên nhà nào không có nắng chiếu trực tiếp từ 6-8h/ngày thì không nên trồng hồng. Chăm được cây hồng không đơn giản là chỉ tưới nước đủ cho cây, mà còn phải tìm hiểu tập tính của từng cây để điều chỉnh mức độ chăm sóc cho phù hợp".
Với một loại hoa khó chăm sóc như hồng thì người chăm cây phải thật sự kiên nhẫn và có niềm đam mê lớn mới có thể gắn bó được. Chị Phương Huyền cũng không ngần ngại chia sẻ bí quyết trồng và chăm hoa hồng ngoại cho những ai có ý định tìm hiểu về giống hoa này.
1/ Đất trồng: Đối với trồng chậu thì giá thể gồm: 50% đất thịt + 50% xơ dừa trộn trấu hun + 20% hạt đá perlife (cái này các cửa hàng hoa thường có bán) + 2 nắm phân gà. Nếu không có Dynamic, bạn có thể sử dụng phân chuồng ủ hoai mục với tỷ lệ sau: 50% đất vườn, 20% phân hữu cơ hoai mục, 30% xơ dừa trộn trấu hun + đá perlite.
2/ Chăm sóc: Hồng ưa nhiều nắng, nên để cây chỗ có nhiều nắng chiếu trực tiếp vào nhất tầm 6-8h/ ngày.
- Phân bón: Bón định kỳ 7-10 ngày bón phân gốc và lá, các loại phân nên sử dụng là NPK, vi lượng, phân cá, trị nấm.
- Tưới tiêu: Tùy từng khu vực khí hậu mà tưới cho phù hợp, như ở Hà Giang, mùa hè, thường tưới vào sáng hoặc chiều, hoặc cả buổi trưa khi cây thiếu nước (lưu ý khi tưới buổi trưa thì phải tưới thật đẫm như mưa để trôi hết hơi nóng, nếu tưới không đẫm sẽ bị nóng rễ và cây sẽ chết).
3/ Cắt tỉa: Hồng là loại ưa cắt tỉa, khi hết lứa hoa nên cắt sâu xuống 10-15cm để các chồi mới lên sẽ mập hơn và cho hoa to hơn. Nên tỉa các lá già, lá héo để tạo độ thoáng cho cây.
Tỉa bỏ những chồi nhánh nhỏ, còi cọc để rễ tập trung nuôi những nhánh lớn.
Mùa xuân là mùa hoa đẹp nhất, nên cắt ngắn các cây hồng trước Tết tầm 1 tháng, cắt xong bổ sung phân cả gốc và lá. Sau 1 tháng sẽ có những bông hoa đẹp.
4/ Phòng bệnh: Hồng rất hay bị bệnh như trĩ, nhện, phấn... vì vậy phun phòng định kỳ là biện pháp hữu hiệu nhất. Nên phun 7-10 ngày/lần, phun kỹ dưới mặt lá và trên bề mặt chậu trồng.
Nhờ được chăm sóc cẩn thận và khéo léo mà khu vườn của chị Phương Huyền hoa nở quanh năm không khác vườn hoa ở Đà Lạt. Với những chia sẻ của chị Huyền hy vọng các bạn có thể tự tay trồng cho mình một vườn hồng nở rực rỡ ngay tại sân nhà mình nhé.