Trong căn phòng riêng của mình, bé có thể chơi, học, ngủ và thoả sức sáng tạo những điều con thích.
- Tránh ngay 13 điểm kỵ phong thủy khi mua nhà cũ kẻo rước họa vào thân, gia sản bay biến
- 4 sai lầm CẦN TRÁNH trong phong thủy nhà bếp và nhà vệ sinh kẻo ảnh hưởng đến tài vận và sức khỏe của gia chủ
Sở hữu một không gian riêng sẽ giúp ích cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Con không chỉ tự lập, tự giác hơn mà còn tăng cường khả năng sáng tạo của bé. Hiểu được điều này, anh Bình Nam (34 tuổi, sống tại Hà Nội) đã lên ý tưởng làm phòng cho con là bé Gia Hưng (Ali, 3 tuổi). Em bé thứ 2 nhà anh Nam hiện đang 5 tháng và sẽ sớm tiếp cận những đồ chơi vận động của anh trai.
Theo anh Nam, ý tưởng làm phòng cho bé đã được lên ngay từ khi mới có ý định sửa nhà, mọi không gian đều được ưu tiên chỗ cho các con chơi. Thời gian lên ý tưởng khoảng 1 tháng và phải cân nhắc nhiều yếu tố về độ an toàn, vật liệu thân thiện môi trường và trẻ em, khả năng linh hoạt khi cần thay đổi vị trí hoặc làm giường tầng.
Tôn trọng quyền tự do của con
Nói về lý do thiết kế cho các con phòng riêng ngay từ khi còn bé, anh Nam khẳng định: "Xuất phát từ việc Tôn trọng Quyền tự do của mỗi người. Theo quan điểm của mình, ba mẹ đang tước mất quyền tự do của trẻ em khi ép các bạn ăn hết bát cơm, bắt bé làm hoặc chơi theo ý muốn của người lớn. Đứa trẻ đang là tờ giấy trắng, những bản năng như đói tự biết tìm cái ăn, buồn ngủ thì đi ngủ, ngã tự biết đứng dậy;Những bài học đầu đời cho sự phát triển sau này".
Bên cạnh đó, ông bố trẻ đưa ra nhận định về tầm quan trọng của không gian vui chơi với bé: "Mức độ ưu tiên nhất vẫn là không gian vui chơi cho các bé, ở lứa tuổi mầm non, con có nhiều yêu cầu về khả năng vận động, rèn luyện phản xạ và tự tìm hiểu thế giới xung quanh. Do đó, mình cố gắng tạo môi trường an toàn và bố trí nhiều đồ chơi để bé có thể tự do khám phá. Nhiều khi mình cũng cần ngồi với con để hướng dẫn con đối với đồ chơi mới. Cần hướng dẫn con leo cầu thang và sử dụng cầu trượt đúng cách để bé tận dụng được hết chức năng, vượt qua nỗi sợ hãi khi tiếp cận đồ chơi mới".
Căn phòng chỉ 10m2 nhưng được bố mẹ khéo léo thiết kế trở thành không gian thu nhỏ của bé Ali. Được bố mẹ tạo môi trường vận động và vui chơi nên cậu bé cực kỳ hào hứng và thích thú. Bố của Ali cho biết các bạn hàng xóm sang chơi cùng con cũng rất mê và thường xuyên muốn sang chơi.
"Mình thường quan sát bé vận động và chơi đồ chơi để bố trí đồ chơi cho phù hợp. Sửa chữa thay đổi những vị trí chưa phù hợp nếu thấy có nguy cơ xảy ra nguy hiểm và không còn phù hợp với lứa tuổi của bé nữa. Đặc điểm này nên chú ý khi thiết kế nội thất, mình chọn nội thất lắp ghép vì mình có thể thay bất cứ bộ phận nào trong phòng mà không ảnh hưởng tới kết cấu chịu lực. Giường mình cũng có kế hoạch làm giường tầng khi 2 bé lớn lên, mình sẽ mua 1 giường để bên dưới thay cho chỗ vui chơi khi các bé đề vượt qua độ tuổi mầm non. Như vậy phòng sẽ dùng được từ bé tới lớn.
Hoạt động thường xuyên diễn ra ở phòng là hoạt động vui chơi. Bé được bố trí một không gian nhỏ bên dưới gầm cầu thang để có thể cất đồ chơi và có một tủ quần áo nhỏ trong đó với ngăn kéo để đựng tất, vớ. Bên dưới mình để 1 tủ để đồ chơi 4 tầng để bố trí đồ chơi phù hợp với lứa tuổi của bé. Một chiếc xích đu tuy không tốn nhiều diện tích nhưng cũng sẽ làm bé rất hào hứng chơi hàng ngày. Tổng chi phí cho khu vực này là 22,5 triệu", ông bố trẻ chia sẻ.
Không gian riêng tư của em bé
Khuyến khích con tham gia vào việc dọn phòng
Nhiều phụ huynh chia sẻ việc khiến họ băn khoăn nhất chính là việc dọn dẹp phòng vì các con ở lứa tuổi này có rất nhiều sách vở, truyện, đồ chơi. Tuy nhiên, theo anh Nam, bố mẹ nên khuyến khích con tham gia vào việc dọn phòng. Mỗi buổi tối, ông bố trẻ sẽ tạo ra các trò chơi linh hoạt để các bé mang đồ về vị trí. Một số giải thưởng cũng sẽ rất khuyến khích các bé tham gia.
"Bé lớn lên sẽ có em bé cũng đang lớn dần lên chơi cùng. Khi bé lớn hết tuổi chơi với những đồ chơi, các bé hàng xóm sang chơi mình sẽ tặng dần đồ cho các bé để tận dụng đồ chơi và không thải rác thải ra môi trường", anh Nam chia sẻ thêm.