Ngô Đồng (tên khoa học: Jatropha) trong tín ngưỡng tại phương Đông được coi là “cây linh”. Vì vậy, khi trồng cây Ngô Đồng phong thủy trong nhà sẽ mang lại cho gia chủ những điều may mắn, cát tường và tài lộc.
- Nhà nào còn đặt máy giặt ở vị trí này, bảo sao làm ăn mãi không phất, gia đạo thường xuyên lục đục
- Muốn DẪN DỤ THẦN TÀI về nhà, áp dụng ngay những mẹo phong thủy CỰC HỮU ÍCH này!
Nguồn gốc và đặc điểm sinh thái của cây Ngô Đồng
Cây Ngô Đồng có tên khoa học là Jatropha podagrica. Đây là loài cây thuộc họ Euphorbiaceae (Đại kích). Cây Ngô Đồng phong thủy hoàn toàn khác với cây Ngô Đồng có thân gỗ (tên khoa học: Firmiana simplex), thuộc họ Sterculiaceae (Trôm). Đây chính là loài cây bản địa tại vùng nhiệt đới châu Mỹ. Thế nhưng về sau Ngô Đồng đã được trồng rộng rãi trên khắp thế giới.
Ngô đồng đã được du nhập vào nước ta và phân bố rộng khắp các tỉnh từ Bắc đến Nam. Đây là loại cây được nhiều người dân ưa thích vì màu đỏ của sắc hoa rất rực rỡ và tràn đầy sức sống. Hoa ngô đồng có 5 cánh, thường mọc theo chùm dày rộng khoảng 25cm.
Cây ngô đồng được chia thành 2 loại đó là ngô đồng thân gỗ và ngô đồng cảnh. Loại cây cảnh có hoa nở to, lá khi già sẽ chuyển sang màu xanh đậm, thân cây phình to về phía gốc giống như một chiếc bình hoa. Còn loài ngô đồng thân gỗ hoa thường nở rất nhiều, lá không có lông.
Một bộ phận khác cũng vô cùng nổi bật đó là quả của cây ngô đồng. Chúng thường có hình bầu dục, bên trong gồm 3 hạt. Quả khi còn non mang màu xanh, tới khi chuyển ngả thành màu vàng. Quả ngô đồng khi khô rất dễ bung hạt và phát tán khắp nơi, nếu gặp thời tiết và điều kiện thổ nhưỡng thích hợp, hạt ngô đồng sẽ sớm nảy mầm thành cây mới để tiếp tục hành trình duy trì nòi giống theo vòng đời phát triển tự nhiên.
Trong Đông y, người ta thường tận dụng phần lá, thân và nhựa cây để chế biến thành nhiều loại thuốc trị bệnh. Quả và hạt thường không được sử dụng vì trong chúng chứa độc tính curcin có thể gây ngộ độc gan và hệ tiêu hóa nếu ăn phải. Trong trường hợp ngộ độc nặng, người bệnh có thể bị xuất huyết tiêu hóa, rối loạn tim mạch, ức chế hệ thần kinh trung ương.
Loại cây này rất dễ trồng và dễ chăm sóc. Cây khá ưa sáng, Đồng thời cũng chịu bóng bán phần. Tuy nhiên nếu cây sống trong môi trường quá dâm thì nó sẽ bị cớm nắng, ít phát triển.
Ý nghĩa của cây Ngô Đồng phong thủy
Người xưa có câu: “Khi trồng cây Ngô Đồng xuống, tất dẫn chim Phượng Hoàng bay đến đậu”. Phượng Hoàng chính là loài chim quý vì thế người ta tin rằng khi trồng cây Ngô Đồng trong nhà chính là một biểu tượng mang lại may mắn, cát tường và tài lộc cho gia chủ.
Không chỉ thế trong phong thủy cây Ngô Đồng còn là biểu tượng của sự an lành và trường thọ. Nó sẽ mang đến cho gia chỉ sức khỏe dồi dào, sống lâu trăm tuổi và mọi sự như ý.
Đây có lẽ chính là những lý do khiến cho nhiều người đang săn lùng loài cây này để trang trí trong nhà. Hoặc dùng cây Ngô Đồng để làm món quà tặng cho ông, bà hoặc cho những người mà họ kính trọng.
Xưa vua Phục Hy thấy tinh hoa của 5 ngôi sao đáp xuống cây Ngô Đồng, rồi có chim Phượng Hoàng đến đậu.
Tương truyền Phượng Hoàng là hậu duệ của thần điểu Chi Tước được muôn loài chim tôn làm Vua. Mỗi loài chim chọn một sợi lông đẹp nhất của mình dâng lên Phương Hoàng tạo thành bộ trang sức nhiều màu sắc lộng lẫy. Cứ đến ngày sinh nhật Phượng Hoàng các loài chim đều bay đến chầu nhưng chỉ ngưỡng vọng chứ không dám nhìn thẳng vào dung nhan Phượng Hoàng. Từ đó mà có Bức tranh nổi tiếng “Bách Điểu Triều Phụng” (trăm chim chầu Phượng Hoàng) với hình ảnh Phượng Hoàng đứng kiêu hãnh, oai phong như sự tích về nó.
Vua Phục Hy thấy Phượng Hoàng đậu lên cây Ngô Đồng thì biết đây là cây quý, hấp thụ được tinh hoa trời đất nên sai người đốn lấy gỗ làm nhạc khí. Chia cây là 3 đoạn để phân thiên địa nhân, đoạn ngọn thì tiếng quá trong mà nhẹ, đoạn gốc thì tiếng quá đục mà nặng, duy đoạn giữa thì tiếng vừa trong vừa đục, có thể dùng được. Đem ra giữa sông ngâm 72 ngày đêm rồi vớt lên phơi khô, giao cho thợ khéo là Lưu Tử Kỳ làm nhạc khí, gọi là Dao cầm, với ý nghĩa là đàn của cung Dao Trì, nơi Tây Vương Mẫu ngự.
Dao Cầm cất lên mê đắm lòng người, chim chóc, muông thú cũng kéo đán ca múa hòa điệu, hổ nghe nín kêu, vượn nghe nín hót (theo truyện tích Bá Nha và Tử Kỳ)
Chính vì thế Ngô Đồng được xem là cây Vương Giả, là Vua của các loài cây mang điềm lành Đế Vương và mang tới phúc lành, có linh tính Phượng Hoàng nên gọi được Phượng Hoàng đến. Từ xa xưa đã biết được tính truyền âm rất tốt của nó nên hay dùng để chế các nhạc cụ như Đàn Tranh, Huyền Cầm, Tỳ Bà v.v…
Ở Việt Nam cây Ngô Đồng xuất hiện từ thời Hồng Bàng qua sự tích Sơn Tinh. Khi Nguyễn Tùng làm nghề đốn củi ở núi Tản Viên nuôi mẹ nuôi là bà Ma Thị. Một lần Nguyễn Tùng lên núi chặt một cây đại thụ, rồi trở về động báo người đem cây về, nhưng lên đến nơi thì cây vẫn xanh tốt y nguyên ở vị trí cũ như chưa hề bị đốn hạ. Lạ quá Tùng lại chặt cây một lần nữa, bảo mọi người ra về còn mình thì nấp vào một chỗ kín quan sát.
Đến nửa đêm, bỗng thấy một ông lão thân cao một trượng, râu tóc bạc phơ, áo trắng như tuyết, tay chống gậy trúc xanh biếc, ung dung như thần tiên. Ông lão đến gần cây đại thụ, chỉ gậy vào cây miệng nhẩm thần chú, bỗng thấy khí thiêng tụ về, không gian như chập chờn biến hóa, rồi cây đại thụ nằm sóng soài trên mặt đất bỗng dưng trở dậy liền lại với gốc như cũ.
Nguyễn Tùng liền chạy ra khỏi chỗ nấp, đến ôm chặt lấy ông lão nói: “Cụ là ai? Ở đâu tới đây? Sao lại tiếc thương một cây cổ thụ mà chẳng thể tất cho kẻ lưu lạc cơ hàn này?”. Ông lão ôn tồn trả lời: “Ta chính là Sơn Tinh đại thần, vốn là Thái Bạch Thần Tinh Tử Vi thiên tướng, tức Thái Bạch Kim Tinh, vâng lệnh đức Ngọc đế xuống cai quản nước Nam. Cây đại thụ này là cây Ngô Đồng, cây gỗ đứng đầu trong các loại gỗ quý ở núi Tản trời Nam này, là nơi Phượng đậu cất cao tiếng gáy báo hiệu Thánh đế ra đời, đem lại buổi thái bình thịnh trị, sao có thể để ngươi chặt đi được”.
Từ câu truyện có thể thấy Ngô Đồng vốn là loài cây quý nhất nước nam, từ thuở xa xưa người Việt đã biết về loài cây này.
Được xem là loài cây báo hiệu mùa thu đến, một chiếc lá chở cả mùa thu là lấy hình tượng từ cây Ngô Đồng, cổ thi Trung Hoa có câu:
Ngô đồng nhất diệp lạc
Thiên hạ cộng tri thu
Nghĩa là:
Ngô đồng một chiếc lá rơi
Khắp nơi chung đón đất trời vào thu
Thế nhưng khác với cây Ngô Đồng ở Trung Quốc vốn chọn mùa thu để rụng lá trổ hoa, cây Ngô Đồng ở Việt Nam là trổ hoa vào dịp cuối xuân đầu hè. Lúc này cây Ngô Đồng trút dần hết lá, khoe những chùm hoa nở rộ từ màu tím nhạt rồi dần ửng hoa cà.
Công dụng khi trồng cây Ngô Đồng phong thủy trong nhà
Trong phong thủy, ngô đồng là loại cây trồng mang vẻ đẹp tươi mát, lá cây nhìn tươi xanh giống lá sen, thân hình giống búp sen, hoa dạng cụm đỏ, nhìn bao quát cả cây như một búp hoa sen khổng lồ đầy đủ các bộ phận.
Do hình dạng độc đáo người ta quan niệm rằng cây có khả năng xua được tà khí, hút vận may đến gia chủ, đồng thời hóa giải tai nạn, mang đến sự an lành. Ngoài ra, cây ngô đồng không cần chăm sóc nhiều chúng vẫn tỏa ra sức sống dạt dào nên nó biểu tượng cho sự sung mãn, trường tồn, trường thọ, như ý và cát tường.
Theo thuyết ngũ hành trong phong thủy, cây ngô đồng chuộng mệnh Mộc nên phù hợp với ai mệnh Hỏa, Mộc bởi Mộc vượng Hỏa, ai trồng cây này trong nhà sẽ thu hút nhiều dòng năng lượng tốt, may mắn trong công việc.
Cây Ngô đồng có hình dáng khá thú vị, hơn nữa hoa của nó rất đẹp và độc đáo nhưng lại lâu tàn. Khả năng sinh trưởng của Ngô Đồng rất tốt và nó còn có tác dụng hút độc, làm sạch không khí. Vì thế loại cây cảnh này đã và đang rất được yêu thích, lựa chọn để trang trí cho ngôi nhà của mình, trang trí cây nơi văn phòng hay trên bàn làm việc,….
Chính vì hoa cây Ngô Đồng có màu đỏ rực rỡ nên đã tạo nên cho không gian của nhà bạn có một cảm giác tươi mới và tràn đầy sức sống.
Về mặt y học, cây Ngô Đồng được dùng để làm thuốc tẩy, gây nôn, trị táo bón và lợi sữa rất hiệu quả. Ngoài ra bạn còn có thể dùng lá Ngô Đồng để trị ghẻ lở rất tốt đấy! Bên cạnh đó nếu lấy cuống lá Ngô Đồng dầm nát, bạn còn có thể chữa được sa tử cung. Giã nát cuống lá và thân cây, sau đó chế nước sôi uống có thể giúp điều trị ho ra máu.
Đặc biệt, cây Ngô Đồng còn có thể trị viêm cơ, các nhọt độc hay viêm hạch. Bạn sử dụng nhựa cây bôi trực tiếp lên trên vết thương nhỏ, nó có thể giúp ngăn chặn lại khả năng bị nhiễm trùng cực hiệu quả.