Tuyệt vọng với giấy chủ quyền chung cư

Nhà đất 23/09/2019 06:00

UBND TP.HCM liên tục chỉ đạo các đơn vị có trách nhiệm nhanh chóng giải quyết cấp giấy chủ quyền (sổ hồng) cho dân ở các chung cư, nhưng đến nay, cư dân vẫn khổ sở đòi sổ hồng trong vô vọng.

Hy vọng rồi tuyệt vọng 

Năm 2015, trước bức xúc của 280 cư dân ở chung cư Rubyland (quận Tân Phú) về việc dọn vào ở hơn 5 năm vẫn chưa được cấp sổ hồng, Sở Xây dựng TP.HCM đã tổ chức thanh tra toàn diện, phát hiện nguyên nhân là do chủ đầu tư đã thế chấp giấy chủ quyền dự án cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB).

Sở đề nghị chủ đầu tư dự án là Công ty Tân Hoàng Thắng rút giấy chủ quyền dự án ra để cấp sổ hồng cho cư dân, nhưng công ty hứa năm lần bảy lượt rồi không thực hiện. UBND TP.HCM đề nghị thanh tra dự án thì chủ đầu tư thừa nhận, không còn tiền trả cho ngân hàng để lấy giấy chủ quyền dự án ra.

Không còn cách nào khác, UBND TP.HCM đề nghị cơ quan chức năng chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra, đồng thời giao Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu cơ chế cấp sổ hồng cho cư dân trước, xử lý chủ đầu tư sau.

Cứ ngỡ mọi chuyện đã có lối ra nhưng đến nay, dân ở chung cư này vẫn tiếp tục dài cổ chờ sổ hồng. 

Hơn 780 cư dân ở chung cư Thái An 3 và 4 (quận 12) thì nhận nhà ở hơn 7 năm, vẫn mòn mỏi chờ cấp sổ hồng.

Trong đơn gửi Báo Phụ Nữ TP.HCM, các cư dân phản ánh, khoảng năm 2012, họ mua căn hộ dự án chung cư Thái An 3 và 4 do Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành làm chủ đầu tư. Đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao sổ hồng cho cư dân. Họ nhiều lần khiếu nại, chủ đầu tư hứa hết năm này sang năm khác. 

Theo các cư dân, việc chậm cấp sổ hồng khiến họ gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều hộ dân muốn thế chấp nhà vay vốn làm ăn, cho con đi học nhưng không được; muốn sang nhượng căn hộ, phải chấp nhận bán rẻ.

“Chúng tôi chỉ cần đóng tiền mua nhà chậm một tháng là bị chủ đầu tư phạt lãi suất, còn chủ đầu tư chậm làm sổ hồng 7 năm, chỉ xin cư dân thông cảm” - chị T. bức xúc.

Tại chung cư Tín Phong (quận 12) do Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Xây dựng Tín Phong làm chủ đầu tư, cư dân đã nhận nhà vào ở hơn 12 năm, vẫn chưa nhận được sổ hồng.

Theo ông T. - ở chung cư Tín Phong - ông thuộc diện bị giải tỏa ở khu tái định cư 38ha (P.Tân Thới Nhất, quận 12). Năm 2012, ông được UBND quận 12 bố trí về chung cư Tín Phong để ở nhưng sinh sống nhiều năm, nhà vẫn không được cấp sổ hồng. Ông khiếu nại. UBND quận 12 hứa hết năm này sang năm khác.

“Cư dân khiếu nại từ phường lên quận, từ quận lên sở, từ sở lên UBND thành phố. UBND TP.HCM chỉ đạo quận và các sở, ngành xem xét giải quyết khiến người dân rất vui mừng nhưng sau đó, mọi thứ vẫn im re” - một cư dân than.

Tuyệt vọng với giấy chủ quyền chung cư - Ảnh 1

Cư dân chung cư Tín Phong treo băng-rôn đòi giấy chủ quyền nhà

Chủ đầu tư “lầy”, chính quyền thiếu quyết liệt

Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn các trường hợp dân chung cư chưa cấp sổ hồng đều có lỗi của chủ đầu tư. 

Tại nhiều chung cư, chủ đầu tư có dấu hiệu không thật sự muốn làm thủ tục cấp sổ hồng cho người dân do phải đóng tiền sử dụng đất, phải trả tiền cho ngân hàng để lấy giấy chủ quyền ra... 

Trong khi đó, các sở, ngành lại chưa thật sự quyết liệt để giải quyết. 

Tại chung cư Rubyland, từ khoảng năm 2016, Ngân hàng SCB đã đồng ý thay chủ đầu tư đứng ra làm sổ hồng cho cư dân nhưng tình hình vẫn tắc. 

Theo thông tin từ ngân hàng này, sau khi cơ quan chức năng đồng ý để ngân hàng đứng ra làm thủ tục cấp sổ hồng cho cư dân thì chủ đầu tư, cư dân và ngân hàng đã ký văn bản thỏa thuận ba bên về việc thực hiện thủ tục này. 

Sau đó, ngân hàng đã nộp hồ sơ cho Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM nhưng văn phòng này từ chối nhận hồ sơ với lý do phải có quyết định của UBND TP.HCM chấp thuận để ngân hàng làm thủ tục cấp sổ hồng cho cư dân. 

Sau đó, SCB đã có văn bản gửi UBND TP.HCM cùng các sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Văn phòng Đăng ký đất đai, kiến nghị UBND TP.HCM có văn bản về phương án cấp sổ hồng cho cư dân nhưng đến nay, vẫn chưa nhận được 

phản hồi. 

Tại chung cư Thái An 3 và 4, theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân chính khiến cư dân chưa được cấp sổ hồng là do chủ dự án chưa đóng tiền sử dụng đất. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành - cho biết, công ty bàn giao nhà cho cư dân năm 2012. 

Lúc đó, công ty đã chuẩn bị hồ sơ làm thủ tục đóng tiền sử dụng đất, tiến tới làm sổ hồng cho cư dân, nhưng đến năm 2014, UBND quận 12 lại điều chỉnh quy hoạch tại khu vực triển khai dự án, khiến dự án phải điều chỉnh theo. Vụ việc kéo dài nhiều năm, thủ tục thay đổi liên tục. 

Đầu năm 2018, công ty lại được yêu cầu lập lại thủ tục thực hiện nghĩa vụ tài chính. Suốt từ tháng 5/2018 đến tháng 2/2019, công ty chỉ nhận được duy nhất văn bản số 1078/STNMT-QLĐ ngày 15/2/2019 về xác định nghĩa vụ tài chính tiền sử dụng đất, yêu cầu công ty cung cấp toàn bộ hồ sơ pháp lý liên quan đến dự án. 

Sau đó, công ty đã cung cấp cho sở đầy đủ nhưng đến nay, vẫn chưa được đóng tiền sử dụng đất. 

“Chúng tôi cũng muốn đóng tiền sử dụng đất để ra giấy chủ quyền cho xong, nhưng các quy định cứ thay đổi liên tục, cơ quan chức năng thì chậm tính tiền sử dụng đất. Vừa qua, cư dân bức xúc quá, công ty đã có văn bản đề nghị Sở TN-MT cho công ty được lập thủ tục cấp sổ hồng cho từng căn hộ song song với việc chờ cơ quan thẩm quyền tính toán tiền sử dụng đất, nhưng sở vẫn chưa hồi âm” - ông Đực than.

Còn tại dự án Tín Phong, theo tìm hiểu của chúng tôi, cách nay khoảng 4 năm, UBND quận 12 có văn bản gửi Sở TN-MT, kiến nghị sở này hỗ trợ chủ đầu tư cấp sổ hồng cho cư dân. 

Đến giữa năm 2018, Sở TN-MT có văn bản nhất trí với đề xuất của UBND quận. Tuy nhiên, theo cư dân, từ đó đến nay, mọi việc vẫn như cũ. Người dân hỏi quận thì quận đổ thừa do chủ đầu tư chưa hoàn thiện thủ tục, còn chủ đầu tư thiếu thủ tục gì thì cư dân không được biết.

Được biết, từ khoảng năm 2016 đến nay, UBND TP.HCM đã có nhiều văn bản chỉ đạo các sở Xây dựng, TN-MT và các đơn vị liên quan về việc giải quyết cấp sổ hồng cho cư dân ở các chung cư, nhưng đến nay, cư dân ở rất nhiều chung cư vẫn chưa được cấp sổ hồng. 

Hà Nội xuất hiện dự án 'ma' kiểu Alibaba

Thời gian gần đây, tại vùng ven Hà Nội như Thạch Thất, Quốc Oai..., nhiều dự án phân lô, bán nền mọc lên được quảng bá với lời mời hấp dẫn, gần giống với chiêu thức trong vụ Cty địa ốc Alibaba.

TIN MỚI NHẤT