Trong giai đoạn 2018 - 2020, TP.HCM sẽ di dời và tổ chức lại cuộc sống cho hàng ngàn người đang sống trên và ven kênh, rạch; đồng thời hoàn thành việc cải tạo và xây dựng mới các chung cư cũ.
- Lộ bí mật sau khi dùng "bảo bối" bán biệt thự biển
- Tài lộc đua nhau ập tới khi trồng những cây này trong nhà
Trong kế hoạch triển khai thực hiện chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2018 - 2020, TP.HCM cho biết sẽ di dời và tổ chức lại cuộc sống cho người dân đang sống trên và ven kênh, rạch. Đồng thời, thành phố phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành di dời 10.000 căn, đến năm 2021 là 6.646 căn và số còn lại sẽ hoàn thành trước năm 2025.
Đối với việc cải tạo, sửa chữa và xây dựng mới thay thế chung cư cũ, trong giai đoạn này, TP.HCM sẽ hoàn thành việc xây dựng 3 chung cư với quy mô 1.414 căn hộ; khởi công và thi công xây dựng 26 chung cư với quy mô dự kiến 4.500 căn hộ.
Cạnh đó, thành phố cũng hoàn thành di dời 936 hộ dân của 15 chung cư cũng như hoàn thành di dời cụm chung cư Ngô Gia Tự (quận 10) và cụm lô số chung cư Thanh Đa (quận Bình Thạnh) và thực hiện kiểm định đối với 449 chung cư; sửa chữa, cải tạo 151 chung cư cũ.
Để thực hiện mục tiêu này, UBND TP.HCM giao cho các quận huyện tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng đồng bộ tuyến đường, hẻm. Cụ thể là nâng cấp hệ thống giao thông, cấp nước sinh hoạt, thoát nước mưa và nước thải, đèn chiếu sáng công cộng cho hẻm, trụ cứu hỏa, phòng cháy chữa cháy, thu gom rác thải. Triển khai đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội các dự án xây dựng nhà ở và công trình công cộng nằm xen cài trong các khu dân cư hiện hữu. Ngoài ra, TP.HCM cũng sẽ xây dựng, phát triển các khu đô thị mới đồng bộ, văn minh, hiện đại.
Cũng liên quan đến chỉnh trang đô thị, UBND TP.HCM vừa quyết định thành lập Ban điều hành chương trình hành động Chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn TP.HCM, giai đoạn 2018 - 2020. Ban điều hành này sẽ do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến làm trưởng ban.
Ban điều hành chương trình hành động Chỉnh trang và phát triển đô thị có nhiệm vụ tham mưu, giúp UBND TP.HCM chỉ đạo, đôn đốc, tổ chức phối hợp hoạt động của các sở, ngành, UBND quận, huyện và các đơn vị liên quan.
Đồng thời, rà soát, cân đối nguồn vốn cho chương trình, khai thác nguồn vốn từ chuyển quỹ đất nông nghiệp sang phục vụ phát triển thương mại, dịch vụ, công nghiệp, ưu tiên đầu tư những dự án kết thúc trước và trong năm 2021. Thực hiện tái cơ cấu vốn trong khả năng cho phép và quy định của pháp luật để hoàn tất công trình; tạo điều kiện thuận lợi nhất đẩy mạnh xã hội hóa kêu gọi đầu tư các dự án.
Ngoài ra, nghiên cứu những chủ trương, cơ chế, chính sách, giải pháp về thực hiện chương trình hành động Chỉnh trang và phát triển đô thị. Từ đó kiến nghị, đề xuất UBND TP.HCM giải quyết các vướng mắc hoặc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành giải quyết đối với các vướng mắc vượt thẩm quyền.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 57 tuyến kênh, rạch cần thực hiện công tác cải tạo môi trường. Tuy nhiên, áp lực về nguồn vốn đầu tư cho các dự án cải tạo, di dời hàng chục căn nhà lụp xụp ven kênh, rạch không phải nhỏ.
Nguồn vốn cần để bồi thường giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư cải tạo và di dời nhà trên và ven kênh, rạch lên đến 50.000 tỉ đồng và sẽ được chia làm 3 nhóm triển khai.
Nhóm 1 gồm 52 dự án với khoảng 14.400 căn, kinh phí bồi thường, tái định cư gần 22.400 tỉ đồng. Nhóm 2 được thực hiện bằng nguồn vốn doanh nghiệp, tập trung tại 3 tuyến kênh, di dời khoảng 1.800 căn, kinh phí dự kiến hơn 2.700 tỉ đồng. Nhóm 3 thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với 6 dự án tại quận Bình Thạnh, quận 8 và quận 7, di dời hơn 6.200 căn, kinh phí khoảng 19.000 tỉ đồng.
Đáng chú ý, mặc dù đã đi qua nửa chặng đường dự kiến, nhưng kế hoạch di dời nhà trên và ven kênh, rạch của TP.HCM vẫn chưa có chuyển động nào đáng kể. Nguyên nhân khiến kế hoạch này gặp khó là do thành phố hiện không có nhiều quỹ đất công có giá trị lớn để bù đắp phần kinh phí thiếu hụt giữa giá trị quỹ đất và chi phí đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án… đối với một số dự án thực hiện theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT).
Chưa kể, các dự án chỉnh trang đô thị trên và ven kênh, rạch cần nguồn vốn đầu tư lớn, thời gian thực hiện lâu nên không có nhiều nhà đầu tư đủ khả năng đáp ứng về năng lực, kinh nghiệm triển khai thực hiện. Về quỹ nhà ở tái định cư, với quy mô di dời và tái định cư khoảng 20.000 hộ dân, quỹ nhà ở phục vụ công tác tái định cư cho các trường hợp bị ảnh hưởng của thành phố hiện nay là không đủ.
Để đảm bảo kịp tiến độ, vào tháng 7 vừa qua, Sở Xây dựng TP.HCM đã có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện phải nêu cao tinh thần chủ động, phối hợp các sở, ngành liên quan, khẩn trương chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ được UBND TP.HCM đã giao trước đó.
Trong khi đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cũng đã yêu cầu các quận, huyện cần phải chủ động đề xuất giải pháp cụ thể đề thành phố tính toán, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc nhằm đảm bảo giải quyết có hiệu quả công tác giải tỏa, bồi thường, ổn định cuộc sống cho người dân.