Trong báo cáo gửi Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, thời gian qua, NHNN đã ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn về cho vay, chỉ định 4 NH thương mại nhà nước tham gia chương trình, quyết định về lãi suất cho vay.
- Xử lý nhà ‘siêu mỏng, siêu méo’ mọc trên các tuyến đường nghìn tỷ ở Hà Nội
- Giá chung cư tại TP.HCM cao hơn Hà Nội gần 28%
NHNN cũng phối hợp chặt chẽ với các bộ - ngành hữu quan xây dựng, trình Chính phủ về việc cấp nguồn vốn ngân sách thực hiện cho vay nhà ở xã hội, văn bản hướng dẫn về cấp bù chênh lệch lãi suất.
Các tổ chức tín dụng đã tự huy động vốn, được ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng theo chỉ định chưa được bố trí nguồn ngân sách cấp bù chênh lệch lãi suất giai đoạn 2016-2020.
Về phía NH chính sách xã hội, theo quy định, ngân sách nhà nước cấp 50%, tự huy động 50%. Đến nay, ngân sách đã cấp đủ 1.163 tỉ đồng cho NH chính sách xã hội (giai đoạn 2016-2020). Đến thời điểm 31-8-2019, dư nợ cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100 tại NH chính sách xã hội đạt 1.774 tỉ đồng với 5.452 khách hàng còn dư nợ trên 61 tỉnh, thành.
Dù vậy, theo NHNN, hiện ngân sách nhà nước mới bố trí nguồn vốn cho vay đối với NH chính sách xã hội đến hết năm 2019, sau giai đoạn này vẫn chưa được bố trí nguồn vốn để tiếp tục cho vay. Do đó, để bảo đảm hoạt động cho vay nhà ở xã hội được triển khai có hiệu quả, NHNN đề nghị Quốc hội chấp thuận bố trí nguồn vốn cấp bù chênh lệch lãi suất cho các tổ chức tín dụng và bổ sung nguồn vốn cho NH chính sách xã hội để thực hiện cho vay theo Nghị định 100.