Các đô thị hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức sống còn. Phát triển “thông minh hơn” là xu hướng được nhiều thành phố trên thế giới lựa chọn.
- Giao dịch bất động sản đang ở mức thấp nhất 3 năm qua
- Phân lô bán nền đất nghĩa trang: Đơn vị quản lý hợp thức hóa ra sao?
Tại Việt Nam, đã có 30 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đang triển khai hoặc khởi động các đề án về đô thị thông minh. Việc lên kế hoạch, nghiên cứu lộ trình và các giải pháp phục vụ cho mục tiêu xây dựng, phát triển các đô thị thông minh và bền vững không chỉ là vấn đề của quốc gia mà còn cần có sự đóng góp của cả các doanh nghiệp và người dân.
Theo mục tiêu của Chính phủ đề ra tại đề án phát triển đô thị thông minh, đến 2025 nước ta có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Đến 2030, hình thành một chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm, từng bước kết nối với đô thị thông minh của các nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, các địa phương còn lúng túng. Trong khi đó, các bộ, ngành cũng đang nghiên cứu để định hướng, hướng dẫn các tiêu chuẩn, cơ chế chính sách về vấn đề này.
Trong những tỉnh, thành phố có nguồn lực dồi dào, đi đầu trong việc phát triển đô thị thông minh (hay còn gọi là Smart city), phải kể đến: Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Bình Dương, Thừa Thiên Huế. Tại TPHCM, việc chính quyền thành phố đang nỗ lực phủ kín quy hoạch phân khu trên toàn địa bàn. Song, việc có quá nhiều quy hoạch phân khu đã gây ra hiện tượng quy hoạch thành phố bị điều chỉnh liên tục nhằm thỏa mãn nhu cầu của nhà đầu tư. Tính tùy biến trong quy hoạch là điều không thể tránh khỏi khi dự báo chưa chính xác và thiếu nguồn lực thực thi. Nhưng mặt trái của nó là làm thay đổi định hướng ban đầu và khiến cho việc phát triển đô thị không hài hòa được lợi ích của toàn xã hội.
Hiện nay, trong công tác phát triển đô thị nói chung có nhiều văn bản luật. Trong đó có Luật đô thị, Nghị quyết số 1210 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành năm 2016. Các văn bản này điều chỉnh về việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị và phân loại đô thị. Từ năm 2013, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 11 về quản lý đầu tư phát triển đô thị.
Ông Trần Quốc Thái, Phó Cục trưởng Cục phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cho biết: “Một điểm chung của các văn bản nói trên là còn thiếu hoặc quy định chưa đầy đủ về việc đánh giá chất lượng đô thị gắn với mục tiêu về thông minh gắn bó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Trước tình hình như vậy, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho chúng tôi khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Luật quản lý phát triển đô thị để trình quốc hội với mục đích để điều chỉnh một cách tổng thể quá trình phát triển đô thị tại Việt Nam.”
Còn tại Hà Nội, dự án thành phố thông minh đầu tiên đã được triển khai tại huyện Đông Anh. Đây là dự án có vốn đầu tư nước ngoài do liên danh giữa Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Tập đoàn Sumitomo Corpration (Nhật Bản) đầu tư phát triển với tổng mức đầu tư hơn 4 tỷ USD. Dự án được lập dựa trên quy hoạch đô thị thông minh dọc trục Nhật Tân – Nội Bài, chiều dài khoảng hơn 11km, từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài. Toàn bộ dự án sẽ được triển khai theo 5 giai đoạn, giai đoạn cuối dự kiến hoàn thành vào năm 2028.
Điểm nổi bật của dự án là sẽ áp dụng nhiều công nghệ thông minh với 6 yếu tố như, năng lượng thông minh, giao thông thông minh, quản trị thông minh, học tập thông minh, đời sống thông minh và kinh tế thông minh. Hệ thống quản lý tòa nhà thông minh và công nghệ năng lượng tái tạo cũng sẽ được ưu tiên áp dụng nhằm tối ưu hóa nguồn cung và lưu trữ năng lượng.
Trong điều kiện các nguồn lực dành cho việc xây dựng đô thị thông minh của nước ta còn hạn chế, việc huy động sự tham gia của các doanh nghiệp là rất quan trọng. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp cả trong và ngoài nước đang sẵn sàng đầu tư vào những hạng mục cụ thể của thành phố thông minh. Vấn đề là chúng ta phải có khung khổ pháo lý hoàn thiện để đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên.
Ông Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc Công nghệ, Công ty hệ thống thông tin FPT cho rằng, hiện nay, mỗi tỉnh, thành phố đều có đặc thù riêng. Vấn đề là lãnh đạo địa phương đó cần lựa chọn vấn đề quan trọng nhất để sử dụng những nền tảng về công nghệ số, ứng dụng vào vận hành một cách hiệu quả, làm cho cuộc sống của người dân tốt đẹp hơn, từ việc tiếp cận giao thông, y tế và các dịch vụ khác:
“Các hệ thống quản trị thông minh, điều hành thông minh là rất quan trọng, bởi vì sẽ tạo ra sự đổi mới, môi trường thân thiện và tiện ích tốt nhất cho chính người dân trong thành phố. Lãnh đạo thành phố mong chờ sẽ giải quyết những vấn đề lớn, phát triển bền vững đối với thành phố và một điều quan trọng là nâng cao vai trò của người dân. Người dân sẽ tham gia hiệu quả vào việc giám sát công tác điều hành của chính quyền” - ông Việt nói.
Việc triển khai những dự án đô thị thông minh như tại huyện Đông Anh, Hà Nội sẽ góp phần thúc đẩy, rút kinh nghiệm để giải quyết các vấn đề về quy hoạch, hạ tầng giao thông, năng lượng, giáo dục, y tế, môi trường phát triển theo hướng bền vững, dựa trên nền tảng công nghệ số thông minh tại các khu đô thị, nhằm mang đến cho người dân một cuộc sống tốt đẹp hơn, thuận lợi hơn.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc kinh doanh Quốc gia, khối công nghệ tòa nhà, Tập đoàn Bosch cho rằng: “Chúng ta có thể sử dụng những camera đặt ở những ngã tư quan trọng để quan sát và đánh giá lưu lượng giao thông. Ví dụ như tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, TPHCM thường xuyên bị ùn tắc. Với hệ thống camera như vậy, có thể đưa ra cảnh báo, nhất là khi thời gian tới lưu lượng phương tiện giao thông quá nhiều. Ở đây chúng tôi có một công nghệ mới là camera trainer tức là cho phép những người sử dụng có thể cài đặt camera để phân biệt được nhiều đối tượng khác nhau trong môi trường.”
Các chuyên gia cho rằng, những việc cụ thể như: sử dụng hệ thống theo dõi sức khỏe tự động ở bệnh viện, thay xe buýt bằng xe điện không người lái, gắn hệ thống camera an ninh ở những nơi cộng cộng, trang bị nhà vệ sinh tự động... chỉ là những “giải pháp thông minh”. Để được gọi là thành phố thông minh, chính quyền các địa phương phải đảm bảo sự kết nối chặt chẽ, tạo thành một hệ sinh thái hoàn chỉnh giữa những “giải pháp thông minh này”.
Nếu chỉ dựa vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là chưa đủ để chuyển đổi thành Smart city còn đòi hỏi chuyển đổi cách hành pháp, quản trị và vận hành của các thành phố. Trong đó, chính quyền phải xây dựng một tầm nhìn rõ ràng để có một lộ trình đúng hướng, qua đó xây dựng quy hoạch tổng thể, tạo các cơ chế chính sách để thúc đẩy các công ty, tập đoàn nghiên cứu, phát triển và làm chủ được các ứng dụng cho thành phố thông minh.